Tổng thống Philippines Duterte sẽ không từ giã chính trường sau khi mãn nhiệm?

Ngày 24/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đồng ý trở thành ứng cử viên của đảng cầm quyền tranh cử chức Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm 2022.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Bloomberg

Phó Chủ tịch điều hành đảng PDP-Laban cầm quyền, ông Karlo Nograles, đưa ra tuyên bố trên trước thềm đại hội đảng toàn quốc của PDP-Laban, dự kiến diễn ra ngày 8/9 tới. Theo đó, ông Duterte đã chấp nhận đề xuất của đảng này ra tranh cử ghế Phó Tổng thống Philippines vào năm tới.

Tại đại hội đảng sắp tới, đảng PDP-Laban dự kiến chính thức phê chuẩn “cặp liên danh tranh cử” năm tới gồm ứng cử viên Tổng thống Christopher "Bong" Go và ứng cử viên liên danh tranh cử chức Phó Tổng thống Rodrigo Duterte.

Hiến pháp năm 1987 của Philippines qui định nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 6 năm. Hai cựu Tổng thống Philippines là Joseph Estrada và Gloria Macapagal Arroyo từng tranh cử thành công chức vụ thấp hơn sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Tuy nhiên, họ chưa từng tranh cử chức Phó Tổng thống.

Theo luật của Philippines, chức Phó Tổng thống được bầu cử riêng biệt. Những nhân vật giữ chức vụ này có thể trở thành Tổng thống trong trường hợp người đứng đầu tử vong hoặc không đủ tư cách.

Tháng 5/2016, ông Rodrigo Duterte, thời điểm đó đang là Thị trưởng thành phố Davao, đã khiến giới quan sát và dư luận ngạc nhiên khi bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines với kết quả áp đảo và bỏ xa ứng cử viên về thứ hai là cựu Bộ trưởng Nội vụ Manuel Mar Roxas khoảng 6 triệu phiếu bầu.

Trong thời gian nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte, Philippines là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở khu vực châu Á, đặc biệt vào giai đoạn đầu nhiệm kỳ. Theo số liệu của Chính phủ Philippines, nền kinh tế nước này trong năm 2016 đã tăng trưởng 6,8%, cao hơn so với mức tăng trưởng 5,9% của năm 2015, trong đó hàng tỷ USD vốn đầu tư từ Trung Quốc và sự mở đầu của “thời hoàng kim” đầu tư vào cơ sở hạ tầng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chính sách của nhà lãnh đạo Philippines với Mỹ, đồng minh lâu đời nhất của Manila, trải qua một số thời điểm căng thẳng. Tổng thống Duterte giảm dần sự phụ thuộc vào mối quan hệ đồng minh kéo dài nhiều thập kỷ với Mỹ và tìm kiếm các mối quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc và Nga. Tổng thống Rodrigo Duterte đã trở thành một trong những lãnh đạo gây nhiều tranh cãi nhất thế giới kể từ khi lên nắm quyền, khi ông tuyên chiến với tệ nạn ma túy và nhiều lần đe dọa sẽ áp đặt tình trạng thiết quân luật.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP

Đầu năm nay, Tổng thống Duterte cho biết ông muốn nghỉ hưu sau khi kết thúc nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin Tổng thống Duterte đang cân nhắc kỹ hơn về tương lai, sau lời kêu gọi từ đảng PDP-Laban cầm quyền về việc tranh cử chức Phó Tổng thống để duy trì chương trình lãnh đạo của ông.

Ông Duterte cũng cho rằng tổng thống không phải là nghề nghiệp thích hợp đối với phụ nữ. Theo ông, giữa nam giới và nữ giới hoàn toàn khác biệt về mặt cảm xúc nên phụ nữ không nên theo đuổi chức vụ này. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Philippines khẳng định con gái Sara Duterte-Carpio không tranh cử Tổng thống Philippines năm 2022 vì không muốn bà phải nếm trải những điều mà ông đã trải qua. Trên thực tế, Philippines từng có hai nữ tổng thống là bà Gloria Macapagal Arroyo (nhiệm kỳ 2001 – 2010) và Corazon Aquino (nhiệm kỳ 1986 – 1992).

Cuộc bầu cử tổng thống Philippines sẽ diễn ra ngày 9/5/2022 và hạn cuối để các ứng cử viên đăng ký là ngày 8/10 tới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-philippines-duterte-se-khong-tu-gia-chinh-truong-sau-khi-man-nhiem-20210824133723325.htm