Tổng thống Philippines thăm Nhật Bản: Không chỉ là 'bước dạo đầu' cho những liên minh 'tầm cỡ'

Chuyến thăm thành công ngoài mong đợi của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tới Nhật Bản là bước tạo đà cho việc hướng tới một liên minh tam giác Mỹ-Nhật Bản-Philippines mạnh mẽ hơn.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã có chuyến thăm Nhật Bản gặt hái nhiều thành công. (Nguồn: Japan Times)

Ngoại giao thương mại

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã trở về trong "niềm hân hoan" sau chuyến công du 5 ngày tới Nhật Bản (từ ngày 8-12/2) với “một chiếc túi đầy ắp" những thỏa thuận lớn về kinh tế và quốc phòng.

Đây là chuyến thăm nước ngoài thứ 9 của nhà lãnh đạo này chỉ trong hơn 8 tháng, sau các chuyến đi trước đó tới Mỹ và Trung Quốc và đây cũng là chuyến thăm gặt hái nhiều thành công nhất của ông.

Tại Tokyo, Tổng thống Philippines đã nhận được các cam kết đầu tư lên tới 13 tỷ USD và một khoản vay khác trị giá 3 tỷ USD, mà theo thông tin chính thức có thể giúp tạo ra tới 24.000 việc làm ở Philippines.

Hai bên đã thảo luận về tình trạng của một loạt các dự án cơ sở hạ tầng có vốn lớn của Nhật Bản, bao gồm Tuyến đường sắt Bắc-Nam và dự án mở rộng Tuyến đường sắt Bắc-Nam.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Philippines đã coi "ngoại giao thương mại" là chủ đề trọng tâm trong chính quyền khi đặt mục tiêu thúc đẩy phục hồi sau đại dịch giữa những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát gia tăng.

Tổng thống Marcos Jr tuyên bố khi trở lại Philippines sau chuyến thăm Tokyo: “Trở về nước, chúng tôi mang theo hơn 13 tỷ USD đóng góp cùng các cam kết mang lại lợi ích cho người dân Philippines và tạo ra khoảng 24.000 việc làm, đồng thời củng cố hơn nữa nền tảng môi trường kinh tế của chúng ta”.

Nhật Bản hiện cũng đang xây dựng hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên cho quốc gia Đông Nam Á này, hứa hẹn sẽ cách mạng hóa hệ thống giao thông công cộng xuống cấp và hay tắc nghẽn của Manila. Nhật Bản còn đồng ý hỗ trợ toàn diện cho Philippines trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế kỹ thuật số...

Là nguồn viện trợ phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng hàng đầu của Philippines, Nhật Bản hy vọng sẽ đưa quan hệ song phương với Philippines lên một tầm cao mới. Hiện Tokyo đang hoàn tất gói viện trợ quốc phòng chưa từng có tiền lệ cũng như Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng với Lực lượng vũ trang Philippines (AFP).

Hai bên cũng cho thấy ý định mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung, hướng tới một liên minh tam giác Mỹ-Nhật Bản-Philippines mạnh mẽ hơn, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc trong khu vực đang gia tăng.

Nâng cao khả năng răn đe tích hợp

Có thể thấy, điều khiến chuyến đi của Tổng thống Marcos Jr trở nên đặc biệt quan trọng là bên cạnh kinh tế, chuyến đi này còn mở rộng tập trung vào vấn đề hợp tác quốc phòng, đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản đang bắt tay vào xây dựng hệ thống phòng thủ quy mô lớn của riêng mình và Philippines khôi phục hợp tác quân sự với đồng minh mà nước này có hiệp ước phòng thủ chung là Mỹ.

Trong chuyến công du của Tổng thống Marcos Jr, hai bên đã nhất trí sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng (“2+2”) và Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng và Đối thoại Chính trị-quân sự (PM).

Tổng thống Philippines cũng hoan nghênh Chiến lược An ninh quốc gia (NSS) mới, Chiến lược Phòng thủ quốc gia (NDS) và Chương trình Xây dựng quốc phòng (DBP) của Nhật Bản, cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi để quốc gia Đông Bắc Á này nổi lên là một chủ thể quan trọng về quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hai bên cũng thống nhất các điều khoản tham chiếu liên quan đến các hoạt động Hỗ trợ Nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR) của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) tại Philippines, trong đó đơn giản hóa các hoạt động quân sự chung và hoạt động trao đổi giữa lực lượng vũ trang của hai nước.

Cuối cùng, Nhật Bản và Philippines hy vọng sẽ hoàn tất Thỏa thuận các Lực lượng Thăm viếng, qua đó cho phép hai bên tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn hơn, bên cạnh các thỏa thuận quốc phòng Philippines-Mỹ và Philippines-Australia đã có từ trước.

Điều quan trọng là Nhật Bản cũng đã đồng ý cung cấp một gói viện trợ quốc phòng mới và các hình thức khác của các chương trình chuyển giao thiết bị quốc phòng.

Đặc biệt, hai bên đang xem xét việc chuyển giao các hệ thống radar giám sát trên không mới, tàu tuần tra dài 97 m do Nhật Bản sản xuất và các khí tài quân sự khác, vốn có thể giúp nâng cao khả năng an ninh hàng hải của Philippines trong tương quan với Trung Quốc.

Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ phát triển một căn cứ hậu cần của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines, vốn “có thể đóng vai trò là nơi đặt và lắp đặt hệ thống liên lạc vệ tinh trên các tàu tuần tra”.

Hiện nay, Philippines và Nhật Bản cũng đang xem xét một thỏa thuận an ninh ba bên với Mỹ như một phần của “chiến lược răn đe tích hợp” rộng lớn hơn để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung lớn ở Philippines, bao gồm các cuộc tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Philippines là Balikatan, KAMANDAG và Sama-Sama cũng như cuộc tập trận Lumbas giữa Philippines và Australia.

Trong tương lai, hai bên cũng nhất trí thể chế hóa Hội nghị thượng đỉnh các lực lượng trên bộ Nhật Bản-Philippines-Mỹ và nhấn mạnh cam kết tăng cường trao đổi quốc phòng thông qua các cơ chế ba bên như Đàm phán Tham mưu ba bên Nhật Bản-Philippines-Mỹ và Đối thoại Chính sách quốc phòng ba bên Nhật Bản-Philippines-Mỹ, cũng như việc JSDF tham gia các cuộc tập trận chung Philippines-Mỹ.

Đề cập các cuộc thảo luận đang diễn ra về một thỏa thuận an ninh ba bên Philippines-Mỹ-Nhật, Tổng thống Marcos Jr nói: “Đó là điều mà chúng tôi chắc chắn sẽ nghiên cứu khi tôi trở lại Philippines. Tôi nghĩ đó chỉ là một phần của tiến trình tiếp tục củng cố các liên minh của chúng ta…”.

(theo Asia Times)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-philippines-tham-nhat-ban-khong-chi-la-buoc-dao-dau-cho-nhung-lien-minh-tam-co-217546.html