Tổng thống Putin: Nga có loại vũ khí chưa nước nào có

Tổng thống Nga chỉ thị nước này phải là quốc gia đầu tiên đánh chặn được tên lửa mà hiện nay chỉ duy nhất Nga sở hữu.

Mỹ hiện vẫn đang loay hoay tìm cách chế tạo tên lửa siêu vượt âm. Hiện Nga đã có loại tên lửa "độc cô cầu bại" này: tên lửa Kinzhal, Avangard hay tên lửa Zircon.

Tổng thống Putin đến thăm Nhà máy Hàng không Gorbunov ở Kazan. Ảnh: TASS

Tổng thống Putin đến thăm Nhà máy Hàng không Gorbunov ở Kazan. Ảnh: TASS

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa lấy đó làm hài lòng.

Ông Putin đã có cuộc gặp với các quan chức quốc phòng hôm 13/5 và đưa ra chỉ thị yêu cầu phải sở hữu công nghệ phòng thủ loại vũ khí siêu vượt âm này.

Tuyên bố trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng Nga, ông Putin tuyên bố: "Hiện chỉ Nga sở hữu vũ khí siêu vượt âm. Song chúng ta cũng hiểu rằng các quốc gia lớn trên thế giới sớm muộn cũng sẽ sở hữu loại vũ khí này. Chúng ta cần sở hữu công nghệ phòng thủ trước khi bất kỳ quân đội nào trên thế giới đưa vũ khí siêu vượt âm vào biên chế" - Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Theo nhà lãnh đạo Nga, công tác nghiên cứu hệ thống phòng thủ tên lửa siêu vượt âm và công tác chuẩn bị cho các hoạt động tác chiến trong không gian càng cần được chú tâm sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm Trung (INF).

Washington đã để ngỏ việc phát động cuộc chạy đua vũ trang mới sau khi tự rút khỏi Hiệp ước INF.

Tổng thống Putin chỉ thị, việc tăng cường kiểm soát và phòng thủ trong không gian là một trong những ưu tiên hàng đầu của quân đội nước này trong thời gian tới.

"Sẽ tốt hơn cho chúng ta nếu là quá muộn đối với họ. Điều này có nghĩa là các phương tiện phòng thủ chống lại các loại vũ khí này sẽ xuất hiện trước khi những vũ khí siêu vượt âm đó được chế tạo ra" - ông Putin nhấn mạnh.

Nga hiện là quốc gia duy nhất thử nghiệm thành công để biên chế vũ khí siêu vượt âm, gồm tên lửa Kinzhal và Avangard. Tên lửa siêu vượt âm Zircon hiện đang được tiếp tục nghiên cứu.

Trong số này, Avangard được trang bị trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Nó được phát triển và thử nghiệm từ năm 2004. Avangard có thể tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách trên 10.000 km.

Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov tiết lộ, tốc độ thực sự của loại tên lửa mới Avangard có thể phóng đi với tốc độ kinh khủng là 27 Mach, vượt quá 27 lần tốc độ âm thanh và tương đương hơn 30.000 km/giờ.

Sự linh hoạt vượt trội của tên lửa Avangard khiến nó trở thành một trong những mục tiêu khó tấn công nhất, ông Borisov giải thích: “Gần như không có tên lửa nào có thể bắn hạ nó ở tốc độ như vậy”, vị quan chức hàng đầu của Nga nhấn mạnh.

Sẽ cực kỳ khó để đoán được đường đi của tên lửa siêu vượt âm Avangard và đặc tính này khiến cho bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào cũng rơi vào thế bị bất ngờ, bị động trước cuộc tấn công của tên lửa Avangard.

“Bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào cũng sẽ trở nên vô dụng vì rất khó để có thể phát hiện và tấn công tên lửa Avangard” - ông Borisov cho hay.

Trong khi đó, tên lửa Kinzhal, được mệnh danh là "lưỡi gươm", có thể đạt tốc độ hơn 10 lần vận tốc âm thanh. Nhờ hệ thống điều khiển khí động học, "Kinzhal" đủ khả năng vượt qua các khu vực hiểm trở. Kinzhal có tầm bắn khoảng 2.000km.

Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ ra báo cáo thừa nhận chưa đủ năng lực để đánh chặn các loại tên lửa siêu vượt âm mà Nga vừa triển khai bởi chúng có tốc độ cao, tầm bắn xa và khả năng cơ động ưu việt.

Đầu tháng 5/2019, Giám đốc cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng Mỹ (DARPA) Steven Walker đã tuyên bố, Mỹ có thể thử nghiệm 2 tên lửa siêu vượt âm bao gồm Tactical Boost Glide (TBG) và Hypersonic Air-breathing Weapon Concept (HAWC) muộn nhất cuối năm 2019, nhưng có thể bị lùi đến đầu năm 2020.

Chiếc F-35C với một quả tên lửa siêu vượt âm dưới cánh. Ảnh: Drive.

Mỹ đang đẩy mạnh chương trình phát triển phương tiện lướt siêu vượt âm khi đối mặt với nguy cơ bị các đối thủ như Nga và Trung Quốc vượt mặt trong lĩnh vực mới mẻ này. Lầu Năm Góc hồi giữa tháng 3 công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo, trong đó yêu cầu 2,6 tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm.

Bộ tư lệnh Phòng thủ Tên lửa và Không gian Mỹ hồi đầu tháng tuyên bố Lầu Năm Góc đang triển khai 5 chương trình thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm ở các giai đoạn khác nhau tại bãi thử phòng thủ tên lửa đạn đạo Ronald Reagan (RTS) trên quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương.

Mới đây, Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đã công bố thiết kế Vũ khí siêu vượt âm sử dụng động cơ hút khí tự nhiên (HAWC) cho tiêm kích tàng hình F-35C. Nhà sản xuất sẽ thử nghiệm bay với mô hình đầu tiên trong năm nay, nhưng không công bố thời điểm cũng như thông số kỹ thuật của tên lửa.

Bên cạnh phát triển tên lửa, Mỹ dường như cũng tính đến việc phát triển mô hình phòng thủ tên lửa siêu thanh.

Bên cạnh Mỹ, Trung Quốc cũng đã tuyên bố có thể chế tạo tên lửa siêu vượt âm.

Nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm Lingyun-1 được Trung Quốc ra mắt hồi tháng 5/2018. Ảnh: Twitter.

Các nguồn tin cho biết hải quân Trung Quốc đang thử nghiệm một loại tên lửa chống hạm siêu vượt âm được phát triển để tăng cường hỏa lực cho các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 055.

Tên lửa mới của Bắc Kinh mang tên YJ-XX, có tầm bắn 1.000 km và được cho là có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ sử dụng tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA và SM-6 Block IA tiên tiến nhất được trang bị trên các tàu chiến Mỹ. Theo nguồn tin, tên lửa này đã vượt qua các bài thử nghiệm trên mặt đất.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tong-thong-putin-nga-co-loai-vu-khi-chua-nuoc-nao-co-3380027/