Tổng thống Trump đơn độc khi đồng minh châu Âu quay lưng

Trong khi các thành phố tại Mỹ chìm trong bạo loạn và đại dịch COVID-19 vẫn còn hoành hành, Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với những thách thức bên ngoài ngày một nhiều.

Tổng thống Donald Trump (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị G7 ở Biarritz, Pháp năm 2019. Ảnh: NYT

Tổng thống Donald Trump (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị G7 ở Biarritz, Pháp năm 2019. Ảnh: NYT

Theo tờ New York Times, các đồng minh truyền thống của Mỹ tại châu Âu đã không còn tìm kiếm vai trò lãnh đạo từ Washington, không còn tin tưởng nhà lãnh đạo Trump và thậm chí còn quay lưng với ông.

Bằng chứng rõ ràng nhất cho nhận định trên là quyết định không tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Mặc dù nữ lãnh đạo lấy lý do mối đe dọa từ virus SARS-CoV-2, song theo một quan chức cấp cao Đức giấu tên, bà Merkel có nhiều lý do khác để từ chối: Bà phản đối ý tưởng mời Nga tham dự của Tổng thống Trump và bà không muốn bị coi như đang can thiệp vào câu chuyện chính trị trong nội bộ nước Mỹ.

Rạn nứt giữa Tổng thống Trump và các đồng minh châu Âu ngày càng sâu sắc ngay cả trước khi các thành phố Mỹ chìm trong bạo loạn. Và giờ đây, với lời cảnh báo triển khai quân đội để giải quyết bạo loạn, ông Trump trở thành một vị tổng thống mà một vài đồng minh thân thiết muốn giữ khoảng cách.

Họ không biết ông sẽ làm gì tiếp theo và cũng không muốn bị lôi vào chiến dịch tái tranh cử của ông.

“Các nhà lãnh đạo tại các quốc gia đồng minh nghĩ rằng giờ chỉ trích ông Trump sẽ mang cho họ lợi thế”, Marietje Schaake - cựu nghị sĩ châu Âu người Hà Lan – cho biết.

Ngay cả người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell Fontelles, cũng thẳng thừng tuyên bố châu Âu “rất sốc và kinh hoàng” bởi vụ việc cảnh sát khiến công dân da màu George Floyd thiệt mạng. Ông lên án việc lạm dụng quyền lực và vũ lực quá mức, hối thúc Mỹ hành động tuân thủ luật pháp và nhân quyền.

Biểu tình đòi công lý cho công dân da màu George Floyd tại Los Angeles. Ảnh: NYT

Ngày 1/6, Tổng thống Trump điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Theo Điện Kremlin, bên cạnh những chủ đề quen thuộc như thương mại, COVID-19, Tổng thống Trump có mời ngài Putin tới hội nghị G7. Cùng ngày, Tổng thống Trump cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro.

“Nó cho thấy sự lạc lõng của Tổng thống Trump với các đồng minh. Ông tìm cách làm bạn với những quốc gia khác, biết rõ quan hệ với các đồng minh truyền thống đang trở nên xấu đi”, Julianne Smith, một cựu quan chức dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận xét.

Bà cho biết lời từ chối của nữ Thủ tướng Merkel tuần qua “đại diện cho những nỗi thất vọng của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đối với Tổng thống Trump”. Với những sức ép từ dịch COVID-19 và bạo loạn, "điểm yếu của nước Mỹ đang dần bị phơi bày", bà Smith cảnh báo.

Ngày 29/5, Tổng thống Trump bất ngờ thông báo sẽ chấm dứt tư cách thành viên của Mỹ tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tương tự như cách làm trong quá khứ như đơn phương rút khỏi thỏa thuận Iran hay hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu, Hiệp ước Bầu trời Mở hay lệnh cấm đột ngột người dân châu Âu nhập cảnh mùa COVID-19 vừa qua, Tổng thống Trump không hề xem xét quan điểm của các đồng minh hay hỏi ý kiến họ.

Quyết định rời WHO đã khiến nhiều đồng minh ngỡ ngàng. Thủ tướng Merkel nhanh chóng cho biết bà sẽ không dự hội nghị thượng đỉnh G7. Chia sẻ trên Twitter, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn mô tả đây là quyết định "đáng thất vọng" và là "một bước thụt lùi" với ngành y tế toàn cầu. Cho rằng điều cần thiết để tạo nên thay đổi lúc này là cải tổ WHO, ông khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải giữ vai trò tiên phong trong các nỗ lực này cũng như tăng cường các cam kết về tài chính.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đều công khai chỉ trích việc đưa Nga trở lại nhóm G7.

“Đối với Anh và Canada, việc chỉ trích công khai như thế này là rất bất thường, đặc biệt khi nói đến mối quan hệ thân thiết của họ với Mỹ. Họ có thể bất đồng sau lưng, nhưng nhưng tôi nghĩ, họ sẽ là những người cuối cùng đề cập một cách công khai vấn đề mà ông Trump quan tâm”, Carl Bildt – cựu Thủ tướng Thụy Điển – bày tỏ.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mang quan điểm truyền thống muốn cải thiện mối quan hệ với Nga. “Tại Pháp, thái độ đối với Tổng thống Trump xen lẫn nỗi buồn và sự tức giận. Đồng minh then chốt của chúng tôi từ chối đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng COVID-19, mỗi ngày tỏ thái độ gây hấn đối với đồng minh và tạo ra những chia rẽ đang bị Trung Quốc lợi dụng. Ít nhất Tổng thống Macron cũng đã từng thử cố gắng với ông Trump”, Thomas Gomart – Giám độc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp – cho hay.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-trump-don-doc-khi-dong-minh-chau-au-quay-lung-20200604070555120.htm