Tổng thống Trump nổi giận, Mỹ - Trung sẽ 'ly hôn'?

Giới quan sát nhận định với những dòng tweet chỉ trích Trung Quốc dữ dội, có vẻ như Tổng thống Donald Trump muốn thực hiện chủ trương phân ly kinh tế Mỹ - Trung (decoupling).

Trên Twitter, bên cạnh việc thông báo tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc để trả đũa Bắc Kinh, ông Trump còn “ra lệnh” cho các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi thị trường Trung Quốc. “Đất nước của chúng ta mất hàng nghìn tỷ USD vào tay Trung Quốc trong nhiều năm qua”, ông Trump viết.

“Họ ăn cắp bản quyền của chúng ta ở mức hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Chúng ta không cần Trung Quốc, và thực tình là sẽ sống khỏe hơn nhiều khi không có họ”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Politico dẫn lời một quan chức Nhà Trắng giấu tên tiết lộ ông Trump rất giận dữ sau khi Trung Quốc tuyên bố đánh thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Bởi ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu nghiêm trọng, Bắc Kinh không dám thực hiện những động thái trả đũa Washington.

Ông Trump ngạc nhiên với cú đòn thuế của Trung Quốc. Getty Images.

Ông Trump ngạc nhiên với cú đòn thuế của Trung Quốc. Getty Images.

“Ông ấy rất ngạc nhiên”, quan chức này kể. Trước đó, ông Trump nhiều lần mô tả thuế Mỹ khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại 2,5 triệu việc làm trong một thời gian ngắn. “Đây là năm tồi tệ nhất của kinh tế Trung Quốc trong nửa thế kỷ qua. Và tôi là nguyên nhân”, ông Trump khẳng định.

Sẽ không có thỏa thuận

Một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết hiện tại, ông Trump vẫn rất tự tin rằng Mỹ ở thế cửa trên so với Trung Quốc. “Ông ấy sẽ không lùi bước”, cựu quan chức này nói.

Các nhà quan sát cho rằng với diễn biến bùng nổ ngày 23/8, khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt một thỏa thuận thương mại là vô cùng nhỏ. “Rất khó để lùi bước khi đã leo thang đến mức này. Sẽ không có một thỏa thuận nào cả”, Politico dẫn lời ông Rufus Yerxa, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia.

“Ông Trump có hai lựa chọn. Một là thoái lui và thừa nhận thất bại. Hai là tiếp tục tiến tới bất chấp hiểm nguy. Và ông Trump đang lựa chọn phương án tiến tới”, ông Yerxa bình luận.

Phía Trung Quốc cũng không tỏ dấu hiệu nhượng bộ. Chuyên gia Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định mức thuế 5-10% đánh lên 75 tỷ USD hàng Mỹ không ảnh hưởng gì đáng kể đến nền kinh tế Mỹ.

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, người ủng hộ chủ trương phân ly kinh tế Mỹ - Trung. Ảnh: Getty.

“Nhưng đó là hành động mang tính biểu tượng của Trung Quốc. Nó cho thấy Bắc Kinh xác định đàm phán thương mại giữa hai nước không đi đến đâu”, ông Scissors cho biết. Chuyên gia Agathe Demarais thuộc The Economist Intelligence Unit cho rằng làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang dâng lên tại Trung Quốc không cho phép Bắc Kinh nhượng bộ Washington.

Theo Foreign Policy, có khả năng ông Trump sẽ lựa chọn giải pháp “phân ly kinh tế Mỹ - Trung” (decoupling), nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn mối quan hệ sâu rộng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là chủ trương của cố vấn thương mại Peter Navarro, nhân vật chống Trung Quốc quyết liệt nhất tại Nhà Trắng.

Chia cắt cặp song sinh dính nội tạng

Trên thực tế, những dòng tweet ngày 23/8 của ông Trump thể hiện rõ tính chất của một cuộc “ly hôn” giữa nền kinh tế số một và số hai thế giới. Tất nhiên ông Trump không có quyền ra lệnh cho các doanh nghiệp tư nhân rút khỏi Trung Quốc, nhưng ông chủ Nhà Trắng sẽ khiến họ gặp rất nhiều khó khăn khi kinh doanh tại quốc gia châu Á.

Thậm chí một số nhà phân tích nghi ngờ rằng đây là ý đồ tối hậu của ông Trump kể từ khi phát động chiến tranh thương mại chống Trung Quốc hồi năm ngoái. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Paulson cho rằng ông Trump muốn “thiết lập một bức màn sắt kinh tế” giữa Mỹ và Trung Quốc bởi coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia cũng như kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế và chuyên gia thương mại cho rằng khi đó nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với rất nhiều nguy cơ lớn. Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, là một trong những người nghĩ ông Trump muốn “decouple” ngay từ đầu.

Kinh tế Mỹ - Trung liên kết chặt chẽ, khó tách rời. Ảnh: Reuters.

Ông cảnh báo nếu điều đó xảy ra, các doanh nghiệp Mỹ sẽ đánh mất vị thế toàn cầu và hàng loạt công ty châu Âu sẽ nhảy vào thế chỗ các đối thủ Mỹ. Một số nhà quan sát khác mô tả việc “decoupling” Mỹ và Trung Quốc chẳng khác nào tách rời một cặp song sinh dính liền, có chung nội tạng.

“Nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc kết nối chặt chẽ đến mức nếu bị chia rẽ sẽ cùng tự hủy diệt”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Dù vậy, ông Michael Pillsbury, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc, khẳng định với Foreign Policy rằng ông Trump không muốn một “cuộc ly dị hoàn toàn” giữa Mỹ và Trung Quốc và vẫn muốn có một thỏa thuận.

“Bất chấp những dòng tweet giận dữ, tổng thống vẫn không nói từ decoupling. Ông ấy muốn các công ty Mỹ đi tìm giải pháp thay thế. Tôi mới nói chuyện với tổng thống vài ngày trước. Ông ấy vẫn hi vọng vào một thỏa thuận”, ông Pillsbury nói.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tong-thong-trump-noi-gian-my-trung-se-ly-hon-post982190.html