Tổng thống Trump phủ nhận cáo buộc

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 24-9 tuyên bố sẽ thúc đẩy một cuộc điều tra nhằm tiến hành luận tội chính thức Tổng thống Donald Trump do ông lạm dụng quyền lực. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump phải đối mặt với cáo buộc gây sức ép với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhằm tiến hành cuộc điều tra đối với Hunter Biden, con trai của ứng cử viên đảng Dân chủ tranh cử tổng thống Joe Biden trong một cuộc gọi vào tháng 7. Tuy nhiên, Tổng thống Trump phủ nhận cáo buộc trên.

Trong một cuộc họp kín với các Hạ nghị sĩ Dân chủ, bà Pelosi nói rằng cuộc luận tội này sẽ tập trung vào khoảng 6 Ủy ban Hạ viện vốn đang tiến hành điều tra Trump. Sau đó, quyết định liệu có thúc đẩy thực hiện các điều khoản luận tội hay không phụ thuộc vào Ủy ban Tư pháp. Nếu đa số Hạ viện ủng hộ luận tội thì phiên điều trần đầu tiên đối với Trump sẽ diễn ra tại Thượng viện.

Cho đến thời điểm này, không một ẩn ý nào cho thấy sự ủng hộ của phe Cộng hòa đối với ông Trump tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ suy yếu. Điều này đồng nghĩa với việc khó có thể đạt được thế đa số cần thiết tại Thượng viện đủ để buộc tội Trump theo những điều khoản luận tội. Pelosi đã chấp nhận rủi ro lớn khi chính thức khởi động yêu cầu luận tội, sau nhiều tháng kiềm chế và do dự khi dường như không rõ nội dung chi tiết của bản khiếu nại. Nếu không có nhiều thông tin chi tiết củng cố luận điểm của bà rằng ông Trump vi phạm luật lệ nghiêm trọng và cách hành xử tồi tệ thì bà Pelosi có thể bị coi là đã đi quá xa và quá mưu đồ.

Bà Pelosi đang chơi bài ngửa với Tổng thống Trump. Ảnh tư liệu

Bà Pelosi đang chơi bài ngửa với Tổng thống Trump. Ảnh tư liệu

Thực tế này cho thấy ván bài ngửa mang tính chất quyết định mà Chủ tịch Hạ viện Pelosi đang sử dụng trong việc tận dụng công cụ hiến pháp tối cao để phát động một cuộc chiến chính trị mà chưa được xác định rõ cũng như không có gì đảm bảo rằng cuộc chiến này sẽ đem lại kết quả có lợi cho bà. Nếu cuộc luận tội này thất bại, Tổng thốngTrump có thể coi vị trí tổng thống không bị hạn chế của mình là hợp lệ và chính đáng. Đồng thời, bà có thể đẩy phe Dân chủ rơi vào cơn ác mộng với việc Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.

Vì vậy, cuộc luận tội sẽ sớm biến thành một cuộc chiến đối với linh hồn chính trị Mỹ.

Cuộc luận tội, vốn có thể đảo ngược một cuộc bầu cử dân chủ, là một thủ đoạn chính trị gây hậu quả nghiêm trọng nhất. Nó có thể phá vỡ cấu trúc chính trị của một quốc gia và có thể gây nên những hệ quả khó lường cũng như những thế lực chính trị gây tác động trong nhiều năm. Một nguồn tin thân cận tiết lộ với CNN rằng, Tổng thống Trump đã quyết định công bố đơn khiếu nại của kẻ tố giác. Trước đó, Nhà Trắng đã gây áp lực với quyền GĐ Tình báo Quốc gia Joseph Maguire không trao đơn kiện này cho các nghị sĩ, một động thái mà đảng Dân chủ cho rằng bản thân việc gây sức ép này là vi phạm pháp luật.

Không rõ lý do gì khiến Tổng thống Trump thay đổi quan điểm, song Pelosi nói bà đã gây sức ép để ông Trump công bố đơn kiện này. Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho rằng, việc công khai đơn kiện là quan trọng. Tuy nhiên, quan chức này đặt câu hỏi về uy tín và sự tin cậy của nhân viên chính quyền người đã khiếu kiện về các cuộc liên lạc của Trump với Tổng thống Ukraine.

Cho dù kết cục như thế nào, Tổng thống Trump cũng bị rơi vào tâm điểm của một cuộc đối đầu hiếm hoi khi là vị tổng thống thứ 4 trong lịch sử Mỹ phải đối đầu với nguy cơ bị luận tội. Trong 223 năm đầu tiên của lịch sử Mỹ, chỉ có hai tổng thống bị luận tội: đó là Andrew Johnson và Bill Clinton. Tuy nhiên, cả hai vị tổng thống này đều qua được “ải” Thượng viện. Cựu Tổng thống Richard Nixon đã từ chức trước khi bị luận tội. Giờ thì khả năng luận tội tổng thống có thể diễn ra lần thứ hai chỉ trong vòng 20 năm, cho thấy một nhà nước rạn nứt trong một quốc gia bị chia rẽ vốn bị phân cực nghiêm trọng hơn dưới thời Tổng thống Trump.

Yêu cầu luận tội là ván bài ngửa cuối cùng giữa phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện vốn tin rằng họ sẽ được trao quyền lực trong các cuộc bầu cử giữa kỳ nhằm kiềm chế Tổng thống Trump - một vị tổng thống vốn liên tiếp phá vỡ những quy tắc và luật lệ của nền dân chủ và thách thức cả Hiến pháp Mỹ.
Theo trang mạng project-syndicate.org, Nhà Trắng đang nỗ lực ngăn chặn Ủy ban Tình báo Hạ viện xem xét bản khiếu nại của người tố giác trong đó phanh phui chi tiết những nỗ lực lặp lại của Trump nhằm gây sức ép đối với nhà lãnh đạo Ukraine. Trong bối cảnh Trump khước từ hợp tác với gần 12 cuộc điều tra khác của quốc hội, diễn biến mới này có thể sẽ lại kết thúc trong tình trạng bế tắc. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân Mỹ hiện không đoái hoài gì đến những “màn diễn truyền hình thực tế” diễn ra thường ngày của Chính quyền Trump. Tuy nhiên, cho dù vụ bê bối mà Trump vướng vào với Ukraine vẫn được duy trì trên trang nhất các báo hay không thì vụ việc này sẽ một lần nữa ám ảnh cộng đồng tình báo Mỹ vốn bị Trump ghét cay ghét đắng kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Trong bối cảnh chính quyền và quốc hội đối đầu và các cuộc điều tra hành động của Trump đang mở rộng, chắc chắn Nhà Trắng sẽ giở các chiêu trò đối phó với cộng đồng tình báo Mỹ, trong đó gồm các chiêu như bác bỏ và câu giờ. Chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với cộng đồng tình báo Mỹ. Do khao khát thể hiện quyền lực và những thành quả của riêng mình, Trump sẽ thậm chí ít thận trọng hơn với những thông tin mật.

Thực tế, cộng đồng tình báo Mỹ khó có thể tin tưởng Tổng thống Trump. Vụ bê bối liên quan Ukraine lần này giúp củng cố hơn nữa mối quan ngại trên khi có những ý kiến cho rằng Tổng thống Trump sẽ không ngần ngại bỏ qua những lợi ích của các đồng minh và đối tác tình báo Mỹ để phục vụ lợi ích chính trị của riêng ông.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tong-thong-trump-phu-nhan-cao-buoc-164046.html