Tổng thư ký mới của Liên Hợp Quốc có thể là phụ nữ

Trong thời điểm dư luận quốc tế tập trung vào cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ, thì cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà ngoại giao trên toàn cầu.

Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova

Có thể bạn quan tâm

Kể từ khi Liên Hợp Quốc (LHQ) được thành lập vào năm 1945, chức vụ Tổng thư ký của tổ chức này đều do nam giới nắm giữ, do đó nhiều người dự đoán cuộc bầu cử chính thức khởi động vào tháng 12.2016 sẽ có những thay đổi đáng kể. Một số chuyên gia ngoại giao cho rằng chiến thắng có thể thuộc về một phụ nữ, và bà ấy trở thành nữ Tổng thư ký đầu tiên trong lịch sử LHQ.

Quá trình lựa chọn các ứng cử viên một cách thiếu minh bạch và có những chỉ tiêu chính thức đã cản trở các ứng cử viên nữ. Theo quy định, Tổng thư ký được bổ nhiệm bởi Đại hội đồng, dựa vào sự tiến cử của Hội đồng Bảo an. Các quan chức LHQ hy vọng một danh sách ứng cử viên sẽ được thống nhất vào tháng 3.2016.

Người thắng cuộc trong cuộc bầu cử sẽ lên nắm quyền ngay sau khi nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thư ký Ban Ki-moon kết thúc vào cuối năm 2016. Một số quan chức cấp cao của LHQ và các nhà ngoại giao có ảnh hưởng đã lên tiếng kêu gọi quá trình lựa chọn ứng viên cần minh bạch và bình đẳng giới trong tổ chức, bao gồm cả thành phần quan chức tại trụ sở chính của LHQ.

Trong một lá thư gửi đến đại diện các quốc gia thành viên của LHQ hồi tháng 12.2015, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Samantha Power và Chủ tịch Đại hội đồng Mogens Lykketoft kêu gọi các quốc gia thành viên “đảm bảo sự bình đẳng cho phụ nữ trong việc tiếp cận các chức vụ cao trong tổ chức”. Đồng thời, bà Power và ông Lykketoft cũng đề nghị Hội đồng Bảo an giới thiệu cả các nhà ngoại giao nữ trở thành ứng cử viên.

Nhiều quốc gia thành viên của LHQ đã bày tỏ sự quan tâm đối với lời kêu gọi trên. Hiện tại, một số nhà lãnh đạo nữ nổi bật như Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, Tổng thống Chile Michelle Bachelet, cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson, và ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel đều có khả năng trở thành ứng cử viên cho chiếc ghế Tổng thư ký LHQ.

Theo quy ước, chức vụ Tổng thư ký được chọn tuần tự theo các khu vực địa lý. Do đó, các nhà lãnh đạo tại Đông Âu hiện là những người có nhiều khả năng được bầu chọn nhất khi cho đến nay vẫn chưa có một Tổng thư ký nào đến từ khu vực này.

Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova, người Bulgaria, được dự đoán nhiều khả năng sẽ thay thế ông Ban Ki-moon trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, sự phản đối từ các quan chức UNESCO tại Palestine có thể ảnh hưởng đến cơ hội của bà Bokova.

Hàn Giang (theo Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/tieu-diem/tong-thu-ky-moi-cua-lien-hop-quoc-co-the-la-phu-nu-293329.html