Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường: Cần có chương trình phát triển nhà ở hàng năm

Đóng góp ý kiến với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên thảo luận ở Tổ sáng 5.6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, nên xem xét giảm bớt số lượng văn bản quy định chi tiết thi hành dưới Luật Nhà ở, đồng thời phải có chương trình phát triển nhà ở hàng năm, từ đó quyết định những dự án phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ. Ảnh: Hồ Long

Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá, hồ sơ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được chuẩn bị tương đối công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đầy đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; tiếp tục nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đang được quy định trong các văn bản dưới luật mà đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ về dự án Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cần xem xét giảm bớt số lượng văn bản quy định chi tiết thi hành dưới luật. Bởi thực tế cho thấy, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và các Bộ ban hành, có những văn bản chậm ban hành tới 8 năm, có văn bản chậm 4 năm, có văn bản chậm 4 tháng. Như vậy, "các văn bản đó không có hiệu lực khi Luật đã được ban hành từ lâu mà văn bản quy định chi tiết lại quá chậm", Tổng thư ký Quốc hội thẳng thắn.

Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cho biết, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh như dự thảo Luật, nhưng đề nghị giải trình, làm rõ và chỉnh lý chặt chẽ hơn một số nội dung. Cụ thể, một số nội dung của Chương trình phát triển nhà ở, như điểm c và điểm đ khoản 1 Điều 29 là các nội dung quản lý quá cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng can thiệp hành chính quá mức cần thiết vào quan hệ thị trường bất động sản, nếu bị lạm dụng có thể trở thành “quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm, được sản xuất, tiêu thụ” đã bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Quy hoạch.

Đồng thời, cần rà soát lại nội dung của Kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để tránh trùng lặp, chồng chéo với các nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy hoạch tỉnh đang được quy định tại Luật Quy hoạch, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật. Đề nghị không mở rộng đối tượng phải lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, đồng thời làm rõ sự cần thiết tiếp tục quy định các thành phố trực thuộc trung ương phải lấy ý kiến Bộ Xây dựng về nội dung này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị nghiên cứu tích hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng, tránh làm phát sinh thêm chi phí ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung này, giảm chi phí tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư.

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đồng tình với loại ý kiến thứ nhất.

Khẳng định các quan điểm của Ủy ban Pháp luật đưa ra trong Báo cáo thẩm tra "rất xác đáng", song theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, việc quy hoạch cũng chỉ là tính toán chung, còn Chương trình phát triển nhà ở phải rất cụ thể. Thực tiễn các địa phương cho thấy, khi UBND tỉnh trình các dự án để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và khi được hỏi, 5 năm tới hay từng năm, nhu cầu phát triển nhà ở là bao nhiêu thì không báo cáo được, vì chưa có Chương trình cụ thể.

Do đó, "phải có Chương trình phát triển nhà ở hàng năm, từ đó quyết định những dự án phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn", Tổng thư ký Quốc hội đề nghị.

Cùng quan tâm với nội dung này, bày tỏ tán thành với quy định trong dự thảo Luật, nhưng ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng, việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh cần có sự tham gia của UBND cấp tỉnh để bảo đảm điều kiện nhà ở cho người dân địa phương, đồng thời cần có mức độ can thiệp hợp lý, không hành chính hóa thái quá, can thiệp quá sâu, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản của địa phương.

Liên quan đến nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu vấn đề, chủ trương sửa đổi quy định dành 20% diện tích đất cho các dự án thương mại cho nhà ở xã hội là phù hợp.

Bên cạnh nhà ở xã hội, theo Tổng thư ký Quốc hội, nhà ở công nhân cũng là vấn đề rất lớn, là chủ trương rất đúng của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nhà ở cho công nhân đang còn rất ít. "Trong nội dung sửa đổi lần này cũng đã nêu tương đối chi tiết, nhưng quan điểm cho rằng, nhà lưu trú công nhân chỉ là điểm để lưu trú thì cũng không hẳn". Chỉ rõ điều này, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, đây sẽ trở thành khu có thể phục vụ cho công nhân và sau đó có thể thành những khu dân cư để công nhân ở lâu dài”.

Về nội dung cải tạo chung cư, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị xem xét, quy định kỹ lưỡng tỷ lệ đồng tình sửa chữa, cải tạo khu chung cư cũ để bảo đảm an toàn cho người dân. "Có thể đối chiếu với quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để đưa ra tỷ lệ phần trăm hợp lý, khả thi trong áp dụng thực tiễn", Tổng thư ký Quốc hội đề xuất.

Thụy Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tong-thu-ky-quoc-hoi-bui-van-cuong-can-co-chuong-trinh-phat-trien-nha-o-hang-nam-i331580/