Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Trung tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020

Nhiều tỉnh miền Trung tăng trưởng kinh tế âm, như Đà Nẵng thu ngân sách đạt 70% kế hoạch, tỉnh Khánh Hòa kinh tế suy giảm sau nhiều năm nay...

Năm 2020, lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,77%, thu ngân sách đạt 70%, một số chủ trương lớn chưa được triển khai hiệu quả, việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm; giải ngân đầu tư công đã rất nỗ lực nhưng kết quả còn khiêm tốn so với kế hoạch. Một số hạn chế còn kéo dài trên các lĩnh vực đời sống xã hội như: ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, ùn tắc giao thông, trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp; tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển của thành phố trong một số cán bộ, công chức chưa cao.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, năm 2020, thành phố đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Những vấn đề này cần được đánh giá đầy đủ để từ đó có những giải pháp tích cực, phục hồi nhanh chóng tình hình kinh tế - xã hội, phát triển nhanh, bền vững trong những năm đến.

“Năm 2021, thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh và ban hành các chính sách để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tập trung nguồn lực cho cơ sở hạ tầng và thu hút mạnh sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn, quyết liệt triển khai giải ngân vốn đầu tư công. Đây là giải pháp quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn khi đầu tư xã hội bị ngưng trệ vì ảnh hưởng của dịch bệnh và mưa lũ” - ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Năm 2020, lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,77%.

Năm 2020, lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,77%.

Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ước giảm đến 9,8%. Tỉnh Khánh Hòa là địa phương đầu tiên trong cả nước ghi nhận trường hợp người Việt Nam bị mắc Covid-19. Cùng với đó, trong năm 2020, hạn hán đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân. 9/16 chỉ tiêu kinh tế xã hội không đạt kế hoạch; Tổng sản phẩm ước giảm 9,8%; thu ngân sách ước đạt 14.200 tỷ đồng, bằng 82% so với kế hoạch; kim ngạch xuất- nhập khẩu đạt 1,36 tỷ USD, đạt 90% kế hoạch…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các lĩnh vực văn hóa, y tế, an sinh xã hội của địa phương vẫn được đảm bảo, nhiều chỉ tiêu thuộc lĩnh vực này đạt khá như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo, lao động qua đào tạo, nước sạch nông thôn, bảo hiểm y tế... Năm 2021, tỉnh Khánh Hòa thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu tăng trưởng 7.4%.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 và các đợt thiên tai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân tỉnh Quảng Nam. Một số chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 chưa đạt hoặc đạt thấp.

Trong đó, 3 chỉ tiêu quan trọng không đạt Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam đề ra đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giảm, chỉ bằng 92,8% so với năm 2019; tổng thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 78,7% so với dự toán; tỷ lệ chất thải rắn đô thị chưa được thu gom.

Các đợt thiên tai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân tỉnh Quảng Nam.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất phải tạm ngừng, sản xuất công nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mức tiêu thụ giảm. Lượng khách đến tham quan và lưu trú giảm 81% so với cùng kỳ; Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch giảm 82%. Trong những tháng cuối năm, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra nhiều đợt mưa bão, sạt lở lớn gây thiệt hại nặng nề, 61 người chết và mất tích, tổng giá trị thiệt hại ước tính 10.500 tỷ đồng.

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tỉnh Quảng Nam xem xét cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó, lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Dịch bệnh và thiên tai bão lụt làm ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ thực hiện kinh tế-xã hội của Thừa Thiên Huế, gây thiệt hại 13.000 tỷ đồng. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 2%.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Đầu năm, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cuối năm thiên tai, bão lụt lịch sử, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế vẫn đạt mức tăng trưởng 2,06%. Trong đó, 10/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt kế hoạch. Điểm sáng của năm là thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.455 tỷ đồng, vượt 11,2% so với dự toán, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 24.450 tỷ đồng, tăng 7,9%...

Nhóm PV/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/da-nang-va-nhieu-tinh-mien-trung-tang-truong-kinh-te-am-trong-nam-2020-822514.vov