Top 12 đặc sản siêu ngon bạn nhất định phải thử khi vi vu An Giang dịp lễ 30/4 này

An Giang là một địa điểm du lịch vô cùng nổi tiếng của miền Tây sông nước. Với phong cảnh sông nước hữu tình, những cánh đồng bát ngát vô tận, hàng trăm cây thốt nốt xếp thành hàng chạy dài...Không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp mà An Giang còn là vùng đất với nét văn hóa vô cùng đặc trưng và nền ẩm thực phong phú. Nếu bạn đang lên kế hoạch tới An Giang cùng gia đình, bạn bè của mình dịp lễ 30/4 này nhất định phải thưởng thức những món đặc sản vô cùng hấp dẫn nhé.

1. Bánh Bò Thốt Nốt

Đây là một món được nhắc đến khá nhiều khi bạn đến vùng An Giang, bánh bò được làm bằng đường thốt nốt – loài cây đặc trưng của xứ An Giang. Bánh được nướng trên lửa vừa, đảo đều tay nên vỏ vàng ươm, dẻo dẻo, đặc biệt là vị ngọt thanh không lẫn vào đâu được.

Ngoài ra, một số nơi còn cho thêm ít cơm dừa cắt nhuyễn lên trên bánh bò tạo nên vị bùi bùi hấp dẫn. Với những nguyên liệu đơn giản như bột gạo, đường thốt nốt và nước dừa, bạn sẽ có một cảm nhận khác biệt của món bánh bò nơi đây, hiếm nơi nào có được.

2. Bánh Phồng Phú Mỹ

Bánh phồng Phú Mỹ là đặc sản quen thuộc hầu như ai đến An Giang cũng tìm mua. Phát triển đã 70 năm, bằng bàn tay khéo léo của người thợ làng nghề, bánh phồng Phú Mỹ được khéo léo tạo ra mang theo hương vị nếp thơm hòa quyện cùng gia vị mè, sữa và đậu.

Bánh khi nướng sẽ phồng to như chiếc quạt, mềm, xốp, giòn tan, thơm béo. Đặc biệt, hương vị đã ngon giá còn cực rẻ. Bởi vậy, đây chính là đặc sản làm quà không thể thiếu của nhiều du khách.

3. Mắm Châu Đốc

Nếu bạn đang du lịch An Giang và muốn tìm một món quà mang đặc trưng vùng bảy núi, thì mắm Châu Đốc chính là một lựa chọn khá hợp lý. Tại chợ mắm An Giang có vô vàn loại mắm cho bạn lựa chọn như mắm cá linh, mắm đu đủ, mắm tôm chua,… với hương vị đặc trưng và đặc biệt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mọi hương vị của vùng An Giang sẽ được thể hiện qua những món mắm thơm ngon đã được chế biến sẵn, khi mua bạn sẽ được người bán tư vấn tận tình và đóng gói chắc chắn để tránh những trường hợp đổ bể, ám mùi trong quá trình vận chuyển.

4. Thốt Nốt

Tại An Giang, thốt nốt là đặc sản cũng là nguồn sống của nhiều người dân nơi đây. Thốt nốt có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như bánh thốt nốt, nước hay đường thốt nốt. Mỗi thức quà làm từ thốt nốt lại cho người ta cảm giác thật ngon lạ thường. Nước thốt nốt thơm ngọt thanh mát hơn nước dừa, cảm giác như mùi hoa rừng dại vậy. Khi du lịch An Giang du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những rặng cây thốt nốt nối đuôi nhau. Khi chiều tà sẽ là một khung cảnh yên bình đến lạ.

5. Lẩu Mắm Châu Đốc

Khi được hỏi đặc sản An Giang là gì, người ta thường hay nhớ đến món lẩu mắm Châu Đốc. Đến với Châu Đốc thì mắm là một đặc sản quá nổi tiếng với mùi thơm đặc trưng và độ ngon thì miễn bàn. Do đó, các món ăn từ mắm ở vùng này khá phong phú, và món lẩu mắm là một trong những món hấp dẫn nhiều thực khách nhất.

Những loại mắm thường dùng để nấu lẩu thường là mắm cá sắc, cá linh, cá chốt,… sẽ dậy mùi thơm lẩu rất quyến rũ. Những topping trong món lẩu mắm phải kể đến là các món cá, thịt, tôm,.. cùng với hàng chục loại rau đặc trưng như bông súng, bông điên điển, rau đắng, cà tím,… tạo nên một món ngon khó cưỡng.

6. Bún Cá Long Xuyên

Là món ăn đầu tiên trong danh sách đặc sản An Giang muốn giới thiệu cho bạn món bún cá Long Xuyên. Đây là một món ăn khá quen thuộc và bình dị đối với dân địa phương, nó còn có tên gọi khác là bún nước lèo.

Với hương vị nước lèo ngọt thanh, vị hơi nhạt, và đặc trưng là cá được ướp qua nghệ vàng ươm, giúp màu nước lèo vàng và có mùi thơm nghệ và khiến món bún cá thêm đậm đà hơn. Cá lóc hoặc cá kèo thường được chọn để nấu nước dùng, ngoài ra bạn cũng có thể ăn kèm với thịt heo, và không thể thiếu những món rau đặc trưng vùng sông nước như giá, bông điên điển, bắp chuối, rau răm,…

7. Cốm Dẹp

Giã cốm dẹp là nét văn hóa đặc trưng lâu đời của người đồng bào Khmer tại An Giang. Cốm dẹp gắn liền với lễ hội Ooc-om-boc vào rằm tháng 10 âm lịch. Những hạt lúa nếp đầu mùa thơm hương sữa sẽ được người dân chế biến thành quà dẻo và thơm mùi lúa. Du khách có thể ăn kèm cùng cơm dừa nạo nhuyễn, nước dừa tươi hay đường thốt nốt để cốm dẻo, thơm hơn.

8. Gỏi Sầu Đâu

Là một món khá lạ, đặc sắc mà bạn không nên bỏ qua khi đến An Giang. Được biết đến với tên gọi sầu đâu, sầu đông hay cây xoan, loài cây đặc trưng của vùng đất An Giang với thân và hoa màu xanh sẫm, ít đắng, có tính mát.

Bạn có thể thưởng thức món gỏi sầu đâu với thịt, tôm, hải sản hay gỏi cá,… Nổi tiếng nhất là sự kết hợp của sầu đâu khô cá lóc, bạn có thể thưởng thức thử. Điểm nổi bật của món gỏi sầu đâu này chính là đọt non của lá sầu đâu, sau khi trụng nước sôi sẽ trộn đều với những nguyên liệu khác và nước mắm chua ngọt.

9. Tung Lò Mò (Lạp Xưởng Bò)

Tung lò mò là món ăn đặc trưng của người Chăm ở An Giang. Tung lò mò được làm từ thịt xay trộn cùng cơm nguội và nhiều loại gia vị. Đây là món ăn ngon, bổ dưỡng và thường có mặt trong mâm cơm tiếp đãi khách. Nó có vị chua, dai dai, đồng thời có vị ngọt pha lẫn vị béo của mỡ bò. Nó dần trở thành một trong những đặc sản ở An Giang. Không chỉ người Chăm mà còn được thực khách ưa chuộng.

10. Bánh Phồng Cá Linh

Cá linh là một loài cá đặc sản của miền Tây. Thường chúng xuất hiện nhiều vào mùa nước lũ hằng năm. Cá nhỏ, xương không quá cưng, lại ăn có vị béo. Có thể nói cá linh dường như là món ăn không thể thiếu. Để tận dụng người dân biến nó thành món ăn vô cùng đặc biệt là bánh phồng cá linh.

Sau khi hoàn thành các bước nấu thì đến công đoạn gói bánh. Thịt cá được đem gói như gói bánh tét hấp cách thủy rồi để nguội. Cuối cùng đem cắt thành lát mỏng đem phơi khô là trở thành món bánh phồng cá linh.

11. Bánh Chăm An Giang

Đến huyện An Phú tỉnh An Giang – nơi có đông đúc người Chăm sinh sống. Bạn nhớ ghé qua nếm thử món bánh đặc sản ở An Giang nhé. Bánh chăm có màu vàng ươm nhìn rất bắt mắt. Nó được làm từ bột mì trọn với trứng vịt và đường thốt nốt đánh đều.

Để có được chiếc bánh giòn ngon người ta chiên bánh trên chảo nhôm dày lửa cháy đỏ rực. Hoàn tất mọi công đoạn ta được một chiếc bánh hình nón ngộ nghĩnh. Bên ngoài giòn, phía trong lại xốp mềm ăn rất vừa miệng. Thưởng thức vị dân dã mộc mạc, vừa gọi nhớ tuổi thơ.

12. Cà Na Đập

Cà Na đập là đặc sản An Giang, đặt tên theo cách chế biến của người dân ở đây. Cà nà tươi sau khi đập nát, vắt bớt nước và chà xát để ra hết chất chát. Sau đó đem giầm đường, để vài tiếng đồng hồ là dùng được. Cà Na đập nát ăn chung với muối ớt, vừa ngọt, vừa giòn cũng rất ngon. Mùa nước nổi lên hoa sẽ cho ra những trái cà na xanh căng mọng. Trái cà na non có màu xanh hình bầu dục to bằng đầu ngón tay. Khi chín ngả sang màu vàng nhạt vị chua chua chát chát hấp dẫn vô cùng.

Mỗi một vùng đất đều có những đặc điểm thu hút du khách riêng biệt. Trên đây là những đặc sản An Giang rất nổi tiếng để gợi ý cho du khách. Nếu có cơ hội đến bạn hãy thử và mua về làm qua cho người thân, bạn bè của mình nhé. Hy vọng tất cả mọi người sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời khi tới đây.

Như Khánh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/am-thuc-mua-sam/top-12-dac-san-sieu-ngon-ban-nhat-dinh-phai-thu-khi-vi-vu-an-giang-dip-202304250655259931.html