Top 3 thực phẩm có lượng độc tố cực cao nhưng vẫn được ưa chuộng sử dụng

Nấm false morel, quả ackee, cá nóc... có hàm lượng độc tố cực cao, có khả năng gây chết người nếu chế biến sai cách. Tuy nhiên, ở một số nơi, những thực phẩm kể trên sau khi sơ chế và chế biến cẩn thận lại trở thành những món đặc sản ngon, hấp dẫn nhiều thực khách tới thưởng thức.

 Nấm false morel, tên khoa học Gyromitra esculenta, có hình dáng giống bộ não được xếp vào danh sách những loại nấm nguy hiểm nhất thế giới khi trong chúng chứa một lượng lớn chất độc gyromitrin

Nấm false morel, tên khoa học Gyromitra esculenta, có hình dáng giống bộ não được xếp vào danh sách những loại nấm nguy hiểm nhất thế giới khi trong chúng chứa một lượng lớn chất độc gyromitrin

Nếu ăn phải loại nấm này khi còn tươi, chất độc gyromitrin đi vào cơ thể người sẽ chuyển hóa thành monomethylhydrazine (MMH), đây cũng là một chất gây ung thư

Tác động của độc MMH sẽ ảnh hưởng chủ yếu tới gan, có thể ảnh hưởng đến cả thận và hệ thần kinh. Người bị trúng độc có triệu chứng thường gặp như tiêu chảy, nôn mửa, chóng mặt, đau đầu... Trong trường hợp xấu nhất, người trúng độc sẽ bị hôn mê sâu và tử vong sau một tuần

Tuy nhiên, nấm false morel chỉ nguy hiểm nếu bạn ăn sống nó. Còn khi được sơ chế và chế biến đúng cách, loại nấm này sẽ trở nên vô hại và có hương vị vô cùng tuyệt vời (Ảnh: Zing)

Cách sơ chế nấm false morel đúng cách: Đầu tiên, bạn ngâm nấm trong nước lạnh ít nhất 1 giờ hoặc lâu hơn. Sau đó chần trong nước nóng 2 lần, mỗi lần 5 phút (tỷ lệ khi chần là 250 gram nấm với 2 lít nước). Lưu ý, sau mỗi lần chần, nấm cần được rửa kỹ với nước (Ảnh: Zing)

Sau khi sơ chế cẩn thận, nấm false morel có thể chế biến nên nhiều món ăn tao nhã (Ảnh: Zing)

Nấm false morel được coi là thực phẩm phổ biến ở bán đảo Scandinavia và vùng Đông Âu. Nhiều nơi còn dùng nấm này để chế biến thành nhiều món đặc sản ngon, hấp dẫn (Ảnh: Zing.vn)

Cá nóc vốn được mệnh danh là "tử thần" biển cả với khả năng phát độc Tetrodotoxin. Độc tố của cá nóc có được là do các vi khuẩn cộng sinh (chủ yếu là nhóm Pseudomona, Vibrio và một số loại khác) tổng hợp ra

Được biết, thịt cá nóc thường không độc, nhưng khi cá chết, cá bị ươn thối hoặc chế biến không đúng cách khiến độc tố từ các bộ phận khác như gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh)... ngấm vào khiến thịt cá trở nên độc. Đây cũng là nguyên nhân của những vụ ngộ độc do ăn thịt cá nóc

Khi trúng độc cá nóc, sau 5 phút đến 3-4 giờ sẽ xuất hiện biểu hiện như: Ngứa miệng, tê môi và lưỡi. Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, vã mồ hôi, sùi bọt mép, mặt ửng hồng, đau bụng, buồn nôn, tứ chi yếu, đồng tử co...

Trường hợp nặng sẽ bị liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm

Nguy hiểm là vậy, nhưng tại Nhật Bản, cá nóc vẫn là một món đặc sản hấp dẫn nhiều thực khách. Cá nóc được người Nhật chế biến thành nhiều món ăn, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến món sashimi

Người đầu bếp sau khi sơ chế cá nóc cẩn thận sẽ lấy phần thịt trắng ra rồi thái mỏng từng miếng, xếp ra đĩa, như vậy ta đã có món sashimi vô cùng tươi ngon, hấp dẫn

Một đĩa sashimi như vậy có giá không hề rẻ. Giới đại gia ở Nhật Bản còn phải bỏ ra cả bạc tỷ chỉ để thưởng thức món ăn được xem là "sơn hào hải vị" nhưng tiểm ẩn nguy cơ chết người nếu chế biến không cẩn trọng

Do đó, để có thể phục vụ được món cá nóc, những đầu bếp của Nhật Bản cũng như các đầu bếp trên thế giới sẽ phải trải qua tối thiểu 2 năm đào tạo. Họ cũng cần khoảng 3 năm học việc, trước khi có thể tự tay xẻ thịt một con cá nóc cho khách hàng

Quả của cây ackee có nguồn gốc từ vùng Tây phi. Trước năm 1778, loại quả này được nhập khẩu đến Jamaica. Nhờ có hương vị độc đáo, quả ackee nhanh chóng góp mặt trong bữa ăn của người dân Jamaica, thậm chí còn trở thành loại quốc quả của nước này

Quả ackee khi chín thường chuyển từ màu xanh sang màu vàng cam hoặc vàng đỏ rồi nứt ra để lộ ba hạt đen lớn, bóng bẩy bao bọc bởi lớp thịt mềm mịn, xốp, có màu trắng hoặc vàng

Người ta chỉ thu hoạch quả ackee khi nó thực sự đã chín và tự tách vỏ ra, ngoài ra khi sơ chế và chế biến món ăn từ loại quả này cùng vô cùng cẩn trọng. Bởi những phần chưa chín hoặc không ăn được (phần vỏ đỏ và hột đen) có chứa độc tố tên là hypoglycin

Nếu ăn phải những phần có chứa chất độc, bạn có thể bị nôn mửa, co giật thậm chí tử vong do lượng đường trong máu giảm mạnh

Phần thịt chín vàng của quả ackee không độc và được người Jamaica dùng để chế biến nên nhiều món ngon, trong đó phải kể đến món ackee và cá tuyết muối

Để chế biến món ăn, cá tuyết muối được xào với phần thịt vàng của quả ackee, cùng hành tây, ớt Scotch Bonnet, cà chua và gia vị khác. Món ăn thường dùng vào bữa sáng hoặc bữa tối cùng với bánh mì, bánh mì bột cứng, bánh bao, chuối chiên, hoặc chuối xanh luộc...

Như Quỳnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-top-3-thuc-pham-co-luong-doc-to-cuc-cao-nhung-van-duoc-ua-chuong-su-dung/861269.antd