Top 5 máy bay ném bom khủng khiếp nhất lịch sử

Thế kỷ trước, các quốc gia đã đầu tư nguồn lực khổng lồ vào việc phát triển công nghệ máy bay ném bom và có nhiều cái tên đã đi vào lịch sử với độ khiếp đảm mà nó reo rắc xuống mặt đất.

Máy bay ném bom Handley Page O 400. (Nguồn: National Interrest)

Ngày nay, hầu hết các lực lượng không quân đã không còn phân biệt rạch ròi giữa máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, thay vào đó, người ta kết hợp cả 2 tính năng tạo thành vũ khí đa nhiệm, thích hợp cho từng kế hoạch tác chiến, linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu như trinh sát, tiếp tế, tiêm kích ngày và đêm… Tuy nhiên, những cái tên như Handley Page, Ju-88, Mosquito, Avro Lancaster hay B-52... sẽ còn lưu danh mãi.

Handley Page Type O 400 (máy bay ném bom 2 tầng)

Các cuộc không kích bằng bom đầu tiên trong Thế chiến I được thực hiện bởi những chiếc zepelines của Đức, một kiểu máy bay ném bom cỡ lớn gồm hai tầng và sải cánh dài. Chúng có tải trọng lớn và được quân Đức sử dụng oanh tạc nhiều mục tiêu khác nhau, đặc biệt là trong chiến dịch London.

Theo thời gian, khả năng đánh chặn của máy bay và hệ thống pháo phòng không ngày càng phát triển, những chiếc zeppelins buộc phải “chuyển công tác” sang thực hiện các nhiệm vụ khác. Kể từ đó, nhiều nước bao gồm cả Đức, Italy, Anh đã ráo riết chạy đua nghiên cứu phương án thay thế nhằm đáp ứng khả năng vận tải nặng và hoạt động trên quãng đường dài.

Hầu hết các ý tưởng về máy bay ném bom đời đầu đều được tham khảo theo hình mẫu máy bay chở khách thương mại Sikorsky Ilya Muromets do Nga sản xuất trước đó. Mặc dù khả năng chuyên chở của những chiếc máy bay ném bom thời kỳ đầu còn khá khiêm tốn nhưng cũng đủ khiến các chuyên gia quân sự thời đó phấn khích khi tưởng tượng đến viễn cảnh xây dựng hạm đội máy bay ném bom tấn công các thành phố và cơ sở sản xuất công nghiệp của đối phương.

Có sải cánh lớn gần bằng phi cơ ném bom hạng nặng Avro Lancaster của Không lực Hoàng gia Anh (RAF), Handley Page Type O 400 mang ưu thế nhanh hơn và có khả năng mang nhiều bom hơn so với các dòng máy bay đương thời. Với tốc độ tối đa có thể đạt 97 dặm/giờ cùng tải trọng lên đến 900kg, Type O 400 là “át chủ bài” của RAF trong đối chọi với quân Đức.

Được biết, có khoảng 600 máy bay ném bom Type O được sản xuất trong Thế chiến I và chiếc cuối cùng “nghỉ hưu” vào năm 1922. Ngoài ra còn một số lượng nhỏ phục vụ trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc, Australia và Mỹ.

Máy bay Junkers Ju-88. (Nguồn: National Interest)

Junkers Ju-88

Từ năm 1939-1945, Đức đã chế tạo hơn 15.000 chiếc Ju-88 để phục vụ cho chiến tranh. Junkers Ju-88 là một trong những máy bay linh hoạt nhất trong Thế chiến II.

Mặc dù thiết kế ban đầu nhằm phục vụ như một máy bay ném bom hạng trung, nhưng thực tế, Ju-88 hoạt động với vai trò là máy bay tấn công tầm ngắn. Đôi khi chúng cũng đảm nhận nhiều vai trò ứng với mỗi nhiệm vụ như: máy bay cường kích - ném bom, máy bay trinh sát hay chuyên cơ tiêm kích ban đêm. Với tính hiệu quả ổn định và chi phí sản xuất tương đối thấp, quân Đức đã sử dụng triệt để Ju-88 trên khắp mọi mặt trận, đặc biệt là ở mặt trận phía Đông 1941-1945 và khu vực Địa Trung Hải.

Được thiết kế với tính năng nhả bom thẳng đứng, vì vậy, chức năng ban đầu của Ju-88 không phù hợp với vai trò đánh bom chiến lược. Trái lại, tính hiệu quả của Ju-88 vượt xa mọi mong đợi ở bất kỳ nhiệm vụ nào, cũng như vượt xa tiêu chuẩn của một máy bay ném bom thông thường.

Bên cạnh đó, dù Ju-88 không được trang bị đầy đủ vũ trang để tự vệ trong tình huống khẩn cấp, nhưng bù lại nó mang lượng chất nổ đủ sức gây tàn phá các khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Những chiếc Ju-88 trong Chiến dịch Barbarossa đã xé nát đội hình xe tăng và tiêu diệt phần lớn lực lượng lính nhảy dù Liên Xô.

Máy bay De HavillandMosquito. (Nguồn : National Interest)

Máy bay đa năng De Havilland Mosquito

De Havilland Mosquito là máy bay cỡ nhỏ có khả năng thực hiện đa nhiệm trong chiến đấu. Tương tự Ju-88, Mosquito hoạt động dưới nhiều vai trò khác nhau như máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, máy bay tiêm kích ban đêm, tấn công trực diện và trinh sát. Mosquito trực thuộc RAF có phần "nhàn" hơn dòng Ju-88, vì chỉ được thực hiện đúng theo khả năng của nó mà không bị ép buộc vào những nhiệm vụ bất khả thi.

Cấu tạo tương đối nhẹ và hoàn toàn bằng gỗ, Mosquito có phần khác biệt so với các “đồng đội” . Điểm nhấn trong thiết kế của dòng này là chỗ buồng lái rộng và thoáng, điều hòa áp suất ổn định, trang bị vũ khí tương đối nhẹ và thích hợp bay ở tầm cao. Nhưng vượt trội nhất chính là tốc độ rất nhanh, bởi Mosquito trang bị động cơ Merlin tiên tiến, có thể vượt qua Bf 109 của Đức và hầu hết các máy bay chiến đấu khác của phe Trục (các quốc gia chiến đấu chống lại lực lượng Đồng Minh trong Thế chiến II). Mặc dù tải trọng bom có phần hạn chế, nhưng khi kết hợp với thiết bị đo đạc tinh vi, máy bay ném bom có độ chính xác cao hơn.

Trong chiến tranh, RAF đã sử dụng Mosquito cho các cuộc tấn công trực diện mục tiêu trọng yếu, cơ sở của Chính phủ Đức và các địa điểm phóng vũ khí. Với vai trò là “người tìm đường”, Mosquito luôn dẫn đầu các cuộc tấn công ném bom ban đêm. Mosquito cũng đóng vai trò nghi binh, đánh lạc hướng các máy bay chiến đấu ban đêm của địch.

Được biết, công ty De Havilland đã sản xuất hơn 7.000 chiếc cho RAF và đồng minh, đồng thời còn xuất khẩu sang Israel, Trung Quốc, Nam Tư (cũ) và Cộng hòa Dominica.

Máy bay LANCASTER. (Nguồn: National Interest)

Máy bay ném bom hạng nặng Avro Lancaster

Đóng vai trò là “Ngựa chiến” của RAF trong Thế chiến II, Lancaster đã đảm nhiệm hầu hết vai trò của Anh trong cuộc tấn công bằng máy bay ném bom liên hợp (CBO) do Nguyên soái Arthur Harris chỉ đạo. Bộ Chỉ huy cho rằng hành động ném bom ban đêm nhắm vào dân thường Đức, sẽ hủy hoại tinh thần và năng lực kinh tế của quân Đức, từ đó mau chóng kết thúc cuộc chiến. Kết quả là Lancaster phá hủy hầu hết các đô thị của Đức và làm thiệt mạng hàng trăm nghìn người dân vào giai đoạn 1942-1945.

Những chiếc Lancasters đầu tiên được đưa vào chiến đấu năm 1942, có tải trọng lớn hơn nhiều so với B-17 hoặc B-24, trong khi hoạt động với tốc độ tương tự và ở tầm bay cao xa hơn. Có khoảng hơn 7.000 chiếc Lancasters ra đời và hoạt động trong gần 20 năm. Chiếc cuối cùng Canada dùng làm máy bay tuần tra hàng hải và trinh sát cũng đã “thôi việc” vào năm 1960.

Siêu pháo đài bay B-52. (Nguồn: National Interest)

Siêu pháo đài bay Boeing B-52

Trước tình thế phần lớn các máy bay ném bom hiện thời gây lãng phí ngân sách và không đạt được những yêu cầu kĩ thuật cần thiết, cộng thêm thất bại thảm hại của pháo đài bay B-29 Superfortresses tại chiến tranh Triều Tiên, Mỹ buộc phải bước vào cuộc đua chế tạo thế hệ máy bay ném bom chiến lược mới.

Siêu Pháo đài bay B-52 ban đầu được thiết kế để ném bom xâm nhập tầm cao vào Liên Xô, thay thế B-36 và B-47 trước đây quá chậm và dễ bị bắn hạ khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời linh hoạt để chuyển sang khả năng thâm nhập độ cao thấp để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa SAM đất đối không của Liên Xô.

Tuy nhiên, dù được mệnh danh là “bất khả xâm phạm trên không”, B-52 vẫn bị Phòng Không Việt Nam bắn hạ bằng tên lửa SAM trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không".

Ước tính, có khoảng 742 chiếc B-52 đã được chuyển giao sử dụng trong giai đoạn 1954-1963, và hiện vẫn còn 78 chiếc vẫn trong biên chế đến năm 2030 hoặc hơn, chứng tỏ độ độ bền và tuổi thọ đáng kể của B-52.

(theo National Interest)

Trường Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/top-5-may-bay-nem-bom-khung-khiep-nhat-lich-su-121411.html