Top 7 vũ khí kinh hoàng thời cổ đại

Chiến tranh thời cổ đại tuy chưa có 'vũ khí nóng' như súng ống, bom mìn, nhưng những đội quân thời cổ đã sở hữu nhiều loại vũ khí vô cùng lợi hại và tinh vi, đến nỗi có một số vũ khí ngày nay với khoa học hiện đại người ta cũng không thể tái tạo được.

Tháp công thành

Người Hy Lạp gọi tháp công thành là Helepolis và từng được sử dụng trong các trận chiến ở Hy Lạp từ những năm 300 TCN. Được thiết kế cho việc áp sát và xâm nhập những tòa thành cao của kẻ thù, nhìn chung tháp công thành là một cấu trúc tháp gỗ được dựng trên 4 bánh xe hoặc nhiều hơn, được trang bị bánh xe và dùng sức người để di chuyển. Trên tháp công thành cỡ lớn có nhiều cửa sổ để cung thủ và các loại vũ khí yểm trợ hạng nặng khai hỏa.

Khi tháp áp sát vào tường thành, một cầu ván sẽ được hạ xuống và quân công thành sẽ tràn qua tường thành bằng ván này. Tháp công thành có thể biến thành xe đập thành với nhiều tầng và tạo ra “cú đấm ngàn cân” được trang bị ở tầng dưới cùng. Thiết kế này phổ biến trong quân đội La Mã.

Máy bắn tên

Máy bắn tên là loại vũ khí có ở mọi nền văn minh cổ, được người Hy Lạp gọi là Ballista. Máy này được làm chủ yếu từ gỗ bọc sắt, ưu điểm của Ballista là tính cơ động cao, độ chính xác và sức xuyên thấu mạnh hơn so với cỗ máy bắn đá.

Người Trung Hoa có loại máy bắn tên với tên gọi Liên Châu Nỗ. Sử sách nước này ghi lại, khi Mã Viện bình Man mang theo một loại nỏ Liên Châu có thể bắn liên tục được những mũi tên lớn với khoảng cách xa gấp nhiều lần cung nỏ bình thường. Sau này cũng được Khổng Minh sử dụng trong một số trận đánh.

Ở Việt Nam xưa, những chiếc máy bắn tên cũng được sử dụng nhưng không rộng rãi (khác với nỏ thần thời Âu Lạc). Theo An Nam Chí Lược, thời Trần mỗi chiếc thuyền chiến đều được trang bị 2 chiếc nỏ lớn bắn những mũi tên khổng lồ với đầu bọc ngạnh sắt để xuyên phá thuyền địch. Cũng có khi mũi tên kèm theo những chất dễ cháy để đốt thuyền địch.

Móc Acsimet

Acsimet còn phát minh ra một loại vũ khí rất lợi hại để chống lại sự tấn công của các chiến thuyền La Mã: “Móc Acsimet”. Công dụng chính của móc Acsimet là nhấc bổng những chiến thuyền kẻ thù lên cao và lật úp chúng xuống biển.

Móc Acsimet có cấu tạo khá đơn giản gồm hệ thống cần trục bằng gỗ, có dây chắc chắn và móc ở đầu, hoạt động theo nguyên lý đòn bẩy. Khi chiến thuyền La Mã áp sát đê biển, móc Acsimet sẽ được thả xuống để quặp vào thuyền địch rồi nhấc bổng chúng lên khỏi mặt nước. Khi bị thả xuống biển, những chiến thuyến này sẽ bị lật hoặc ít nhất là va chạm mạnh với mặt nước rồi vỡ tan, các thủy thủ cũng bị bắn tung ra ngoài.

Nhà sử học người La Mã Titus Livius cho rằng hạm đội La Mã đã hứng chịu thương vong khủng khiếp trước loại vũ khí kỳ lạ này của Acsimet.

Một nhóm chuyên gia làm việc cho kênh truyền hình Discovery từng tái tạo móc Acsimet bằng cách vận dụng công nghệ thời đại đó, đồng thời thử dùng nó để lật úp một bản sao chiến thuyền La Mã. Kết quả chứng thực rằng móc Acsimet quả thực là một vũ khí cực kỳ hữu hiệu.

Gương hội tụ ánh sáng mặt trời

Nhà toán học kiêm chuyên gia phát minh lừng danh người Hy Lạp Acsimet đã phát triển nhiều vũ khí để hỗ trợ hệ thống phòng thủ tại quê hương ông ở thành phố Syracuse trên đảo Sicily.

Từ năm 218 đến 202 TCN, người La Mã liên tục tấn công nhằm xâm chiếm thành Syracuse. Để bảo vệ thành, Acsimet được cho là đã phát minh ra một loại vũ khí kỳ lạ nhằm chống lại sự tấn công của các chiến thuyền La Mã: vũ khí tia nhiệt. Theo đó, hàng loạt tấm gương sẽ được đặt ở các vị trí chiến lược nhằm hội tụ ánh sáng mặt trời vào một điểm trên thuyền gỗ của địch và thiêu rụi nó. Cơ chế này tương tự như việc dùng kính lúp đốt cháy tờ giấy dưới ánh nắng mặt trời.

Hầu hết các chiến thuyền La Mã thời đó đều có phủ một lớp hắc ín để giúp bịt kín các kẽ hở nhằm ngăn nước tràn vào trong thuyền. Tuy nhiên, lớp hắc ín này khiến chiến thuyền rất dễ cháy khi bị chiếu tia nhiệt.

Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng loại vũ khí này khó có thể áp dụng rộng rãi trong thực tế bởi nó phụ thuộc vào vị trí mặt trời cũng như đòi hỏi bầu trời phải quang mây hoặc chỉ áp dụng với các mục tiêu đứng yên. Tác dụng trong thực tế của nó chỉ là làm lóa mắt quân địch mà thôi, nhưng có thể nói rằng gương chiếu tia nhiệt lại là tiền đề cho sự ra đời của vũ khí laser hiện đại ngày nay.

Súng phun lửa

Các loại vũ khí phun lửa và chất lỏng gây cháy từng xuất hiện thời cổ đại, nhưng chỉ đế quốc La Mã được cho là nơi phát minh ra một loại vũ khí phun lửa độc đáo có tên Naphtha hay còn gọi là “lửa Hy Lạp”.

Theo một số ghi chép, Naphtha sẽ được đốt cháy lên trong các bình đất sét, sau đó người ta sẽ ném chúng bằng tay hoặc máy bắn đá nhắm vào các chiến thuyền, các phương tiện quân sự và binh sĩ đối phương. Naptha cũng được dùng trong một số phiên bản sơ khai của súng phun lửa: “Các binh sĩ cổ đại sẽ đổ đầy Naphtha vào các ống đồng lớn rồi đặt trên mũi chiến thuyền. Sau đó, họ đẩy hơi vào ống đồng để bắn chất lỏng gây cháy này sang thuyền kẻ thù”.

Naphtha chỉ có thể dập tắt bằng cát chứ không được dùng nước, nếu dùng nước để dập thì lửa sẽ càng lan rộng và việc này chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Theo đánh giá của các nhà sử học, Naphtha là tiền thân của bom Napalm ngày nay.

Máy bắn đá Trebuchet

Là một trong những thứ vũ khí công thành đáng sợ nhất được đưa vào sử dụng trong thời kỳ Trung Cổ, khi Trebuchet xuất hiện thì một điều chắc chắn rằng tường thành sẽ đổ, dù nó kiên cố đến mức nào.

Một chiếc máy bắn đá “mini” có thể ném những tảng đá nặng tới 140 kg đi xa khoảng 300m, còn máy bắn đá Trebuchet có thể bắn những tảng đá nặng đến 1.500 kg và phá tan tất cả những gì trên đường đi của chúng, điển hình là trận đánh năm 1412 của Vua Charles II (Pháp) hay trận bao vây Lisbon (1147).

Máy bắn đá Trebuchet hoạt động bằng nguyên lý cơ học về lực đòn bẩy: “Cấu tạo của nó gồm sợi dây treo, cánh tay đòn và đối trọng nặng. Khi sợi treo và cánh tay đòn vung lên thành tư thế thẳng đứng, đoạn cuối sợi dây treo tung ra đẩy tảng đá về phía mục tiêu với sức mạnh khủng khiếp”.

Trong lịch sử Trung Quốc, trong cuộc vây hãm Phàn Thành và Tương Dương, quân đội Mông Cổ ban đầu không thể chiếm được thành mặc dù họ bao vây quân Tống nhiều năm trời. Cuối cùng, họ phải mời 2 kỹ sư người Ba Tư chế tạo những chiếc Trebuchet để tấn công và ngay sau đó cả 2 thành trì này đều trở thành những đống gạch vụn trước sự công phá khủng khiếp của Trebuchet.

Súng thần công

Đây là loại vũ khí sử dụng thuốc súng hoặc các nhiên liệu có nguồn gốc chất nổ khác để đẩy một viên đạn đi xa. Chỉ cần một dàn thần công khoảng 12 - 20 khẩu đủ để biến một thành phố cổ đại thành đống gạch vụn.

Súng thần công được sử dụng lần đầu tiên ở Trung Quốc vào thời nhà Tống; còn ở Việt Nam, súng thần công được sử dụng lần đầu tiên dưới triều đại nhà Hồ. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, quân đội nhà Hồ nhờ sử dụng súng thần công do Hồ Quý Ly sáng chế đã khiến cho quân Minh hồn siêu phách lạc.

Không chỉ có các nước châu Á mà phương Tây cũng từng sử dụng súng thần công trong các cuộc chiến tranh. Điển hình như trong trận Friedland (1807), súng thần công của Napoleon đã bắn khoảng 3.000 viên đạn tròn và 500 viên đạn chùm gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân Nga với 20.000 người bị chết và bị thương.

Việt Hồng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/top-7-vu-khi-kinh-hoang-thoi-co-dai-482453/