Top cổ phiếu sinh lời: 'Sốc' với các đại gia

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là xung lực khá tốt giúp VN-Index chinh phục thành công mốc 1.150 điểm.

Với 5 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index trong tuần giao dịch vừa qua (12/3-16/3) ghi nhận tăng 23,9 điểm lên mốc 1.150,19 điểm.

Với việc thanh khoản phiên giao dịch cuối tuần (16/3) các quỹ ngoại cơ cấu danh mục, thanh khoản bình quân VN-Index tuần này tăng 4,5% lên 7.786 triệu đơn vị, tương đương hơn 253 tỷ đồng.

Đà tăng của thị trường có sự hỗ trợ tốt từ xung lực của nhóm cổ phiếu Ngân hàng tuần. Trong tuần giao dịch vừa qua, nhóm này tăng tổng cộng 17,52% - cao nhất trong các nhóm ngành. Trong phiên giao dịch cuối tuần (16/3), nhiều mã đã bất tăng tốt như BID (+2,6%), VCB (+1,2%), VPB (+0,8%).

Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu như chứng khoán, bất động sản cũng tăng khá tốt. Cùng với đó, nhiều mã cổ phiếu trong nhóm Dầu khí cũng ghi nhận hồi phục như PVS (4,3%-24.300 đồng/cổ phiếu), OIL (2,3%-22.500 đồng/cổ phiếu), POW (1,8%-17.100 đồng/cổ phiếu) hay GAS (5,8%-128.000 đồng/cổ phiếu).

Sàn HNX-Index ghi nhận đạt 133,10 điểm, tương đương mức tăng 4,04 điểm. Thanh khoản bình quân HNX đạt hơn gần 72 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.195,25 tỷ đồng.

Sàn UpCom đạt 61,8 điểm, tăng nhẹ so với đầu tuần. Thanh khoản bình quân UpCom đạt hơn 25 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 554,7 tỷ đồng.

Top cổ phiếu sinh lời: ‘Sốc’ với các đại gia

Trên sàn HOSE

‘Quán quân’ tăng điểm mạnh nhất trên HOSE tuần giao dịch vừa qua là mã HOT của Công ty CP Du lịch – Dịch vụ Hội An với mức tăng 30,47% lên mức giá 4.800 đồng/cổ phiếu. Đây là tuần giao dịch thứ hai liên tiếp HOT lọt top các mã sinh lời nhất trên HSX. Tuy vậy, thanh khoản HOT khá èo uột khi chỉ có vài chục cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên giao dịch.

Cơ cấu HOT khá cô đặc khi Văn phòng tỉnh ủy Quảng Nam (56,5%), Công tyt CP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (17%) và Công ty CP Chứng khoán VN Direct (12,1%) là các cổ đông lớn nhất. Các cổ đông khác chỉ chiếm 7%.

EMC của Công ty CP Cơ điện Thủ Đức đứng thứ hai khi tăng 30,22% lên 17.450 đồng/cổ phiếu. Được biết, thời gian qua đã có thông tin EVN muốn thoái toàn bộ 40,5% sở hữu tại EMC. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 6/3 đến 4/4 theo phương thức khớp lệnh.

Đáng chú ý, mã đầu cơ FIT đã lọt top cổ phiếu tăng mạnh với tổng mức tăng 12,15% lên 7.290 đồng/cổ phiếu. Thời gian qua, FIT đã công bố giải trình lý do lợi nhuận sau thuế 2017 giảm so với cùng kỳ 31,1 tỷ đồng.

Theo đó, nguyên nhân đến từ việc các Công ty con (Công ty CP Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ, FIT Consumer, Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) và Công ty liên kết (Công ty CP Nước Khánh Hòa – FIT Beverage, Công ty CP Fit Cosmetics) có kết quả kinh doanh kém.

ASM cũng tăng tốt sau thông tin muốn gom thêm 50 triệu cổ phiếu IDI, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 66,8%. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 16/3 đến 13/4.

Top cổ phiếu tăng/giảm trên HOSE

Ở chiều ngược lại, hai ‘ông lớn’ của ngành bất động sản là ROS và CTD bất ngờ lọt vào danh sách các mã khiến nhà đầu tư ‘cháy túi’ nhiều nhất trong tuần giao dịch này.

Cụ thể, ROS trong tuần giao dịch qua đã giảm 8,16% còn 127.300 đồng/cổ phiếu.

Đà giảm của ROS chủ yếu đến từ phiên giao dịch cuối tuần khi mã này đã giao dịch ở mức giá sàn. Nguyên nhân có thể do V.N.M ETF bán ra 0,25 triệu USD cổ phiếu ROS.

Thời gian tới, ROS dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018. Ngày đăng ký cuối cùng và ngày giao dịch không hưởng quyền lần lượt là 20/3/2018 và 19/3/2018. Thời gian thực hiện sẽ được thông báo sau.

Trong khi đó, ‘ông lớn’ ngành xây dựng CTD tuần qua đã giảm 8,14% còn 161.500 đồng/cổ phiếu.

Mã giảm điểm mạnh nhất trên HOSE cũng là cái tên đáng chú ý. Đó là cổ phiếu APC của Công ty CP Chiếu xạ An Phú. Cụ thể, mã này đã giảm 18,49% còn 47.200 đồng/cổ phiếu.

Sự giảm điểm vừa qua của APC đến từ các thông tin tài chính bất thường trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp này (Thông tin đọc thêm tại đây).

Ngoài ra, ĐHĐCĐ thường niên 2018 vừa qua của APC đã không thông qua tờ trình phương án phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược 6 triệu cổ phiếu giá tối thiểu 20.000 đồng/cổ phiếu, các tờ trình còn lại đều được cổ đông thông qua.

NAV là mã giảm điểm thứ hai trên HOSE với mức giảm 16,16% còn 4.930 đồng/cổ phiếu. Trong năm 2017, doanh thu thuần NAV đạt hơn 102 tỷ đồng, giảm hơn 3 tỷ đồng so với cùng kỳ. LNST NAV hơn 2,6 tỷ đồng trong khi năm 2016 lỗ 12 tỷ đồng.

Trên sàn HNX

KHL tăng điểm mạnh nhất 33,33% lên mức giá 400 đồng/cổ phiếu. Đà tăng của KHL tập trung chủ yếu trong phiên giao dịch cuối tuần 16/3, 4 phiên giao dịch còn lại của KHL đều trong tình trạng ‘chết thanh khoản’.

Đứng thứ hai là DPC. Theo đó, mã này tăng 32% lên 16.500 đồng/cổ phiếu. Trong cơ cấu cổ đông DPC, BMP là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 29,1%. Ngoài ra, các cổ đông lớn khác của DPC là Phạm Ngọc Linh (13,4%) – Thành viên HĐQT DPC, Maritimebank nắm 8,9% cổ phần,…

Top cổ phiếu tăng/giảm trên HNX

Ở chiều ngược lại, SPP giảm điểm mạnh nhất 32,14% còn 5.700 đồng/cổ phiếu. Nhân đà giảm mạnh của SPP, ông Nguyễn Quang Đức đã ‘tranh thủ’ gom thành công 569.790 cổ phiếu lên gần 1,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 7,25%.

Ngoài ra, Hoàng Ngọc Đạt - con ủy viên HĐQT – đã mua vào 182.000 cổ phiếu, qua đó nâng số cổ phiếu nắm giữ lên 476.360 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,81%

Đứng thứ hai là API giảm mạnh thứ hai 27,74% còn 21.100 đồng/cổ phiếu.

Một cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý khác là CIA. Theo đó, mã này giảm tổng cộng 23,33% còn 41.400 đồng/cổ phiếu. Thực tế, đà giảm của CIA đã đến từ tuần giao dịch trước. Tính ra, mã này đã giảm trong 8 phiên giao dịch liên tiếp.

Nguyên nhân CIA giảm đến từ việc nhà ga T2 chính thức hoạt động, nhà ga T1 sẽ trở thành nhà ga hành khách quốc nội. Do đó, hoạt động kinh doanh của CIA sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (do nhà ga T1 - địa điểm CIA hoạt động, sẽ không còn hoạt động dịch vụ kinh doanh bán hàng miễn thuế).

Việc mất đi mảng kinh doanh bán hàng miễn thuế được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của CIA. Theo đó, mảng kinh doanh bán hàng miễn thuế đóng góp 79,67% tổng doanh thu Công ty mẹ trên BCTC riêng lẻ và 59,45% tổng doanh thu hợp nhất trên BCTC hợp nhất 2017.

Trên sàn UpCom

NNG là mã tăng mạnh nhất với mức tăng 50% lên 9.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, VIH là ‘á quân’ với mức tăng 43,28% lên 26.783 đồng/cổ phiếu.

Top cổ phiếu tăng/giảm trên UpCom

Ở chiều ngược lại, SON giảm mạnh 48,97% còn 7.400 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, CKH giảm mạnh thứ hai 47,89% còn 3.700 đồng/cổ phiếu.

Nguồn: Nhà Đầu Tư

Nguồn VTC: https://vtc.vn/top-co-phieu-sinh-loi-soc-voi-cac-dai-gia-d374672.html