Tốt đời, đẹp đạo, các tổ chức tôn giáo chung sức cùng đất nước đẩy lùi Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở Việt Nam, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch với nhiều đóng góp to lớn, thiết thực về vật chất lẫn tinh thần.

Các tôn giáo hưởng ứng Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 ngày 27/5. (Nguồn: MTTQ)

Hiện nay Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, khoảng 27 triệu tín đồ, chiếm tỷ lệ gần 27% dân số cả nước. Con số đó khẳng định rằng đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng thuận thực hiện chủ trương chống dịch

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ban Tôn giáo Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19, giao nhiệm vụ cho các vụ chuyên môn thuộc Ban phối hợp với các tổ chức tôn giáo để nắm tình hình phòng chống dịch trong các tôn giáo, ban hành văn bản yêu cầu Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước nắm tình hình, hướng dẫn các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương.

Chủ động hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ, cơ sở tôn giáo tổ chức các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo theo hình thức trực tuyến thông qua trang website và truyền thông của Giáo hội.

Mặc dù việc tạm dừng các hoạt động tôn giáo tập trung đông người đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của tín đồ, nhưng đa số các tổ chức tôn giáo và chức sắc, chức việc, tín đồ đều đồng thuận, tự giác chấp hành, đồng hành với chính quyền quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đều ra văn bản hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ, các cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương.

Phật giáo tỉnh Long An tích cực vận động tăng, ni, phật tử đóng góp kinh phí, vật chất ủng hộ địa phương phòng, chống dịch. (Nguồn: MTTQ)

Phát huy tối đa nguồn lực

Song song tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, các tổ chức tôn giáo còn chung tay, tích cực đóng góp dưới nhiều hình thức cho công tác phòng, chống dịch.

* Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra lời kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử chung tay cùng các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tuyệt đối thực hiện quy định 5K, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục kêu gọi tăng ni, phật tử trong và ngoài nước tích cực tham gia ủng hộ cho “Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19” và hỗ trợ cho đồng bào gặp khó khăn tại các vùng dịch.

Giáo hội đã vận động và mua 10 máy thở đa năng trị giá 6,7 tỷ đồng trao tặng cho Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, và tỉnh Long An.

Giáo hội cũng đã có văn bản gửi chính quyền đề nghị sử dụng một số cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho tăng ni.

Ngày 22/7, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu kêu gọi các tầng lớp nhân dân Thành phố, tổ chức Giáo hội các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tu sĩ, đồng bào tín các tôn giáo... tùy theo điều kiện và khả năng của mình, đăng ký tham gia phục vụ tại các bệnh viện, các khu vực cách ly... nhằm tăng cường hỗ trợ lực lượng y tế cơ sở, đảm trách những phần việc nặng nề và đầy hiểm nguy, nhưng cao cả.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có 690 tăng, ni, phật tử tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng chức năng chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn.

Những đóng góp trên vừa là tấm lòng hảo tâm của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Phật giáo trong cả nước, nhưng cũng là trách nhiệm xã hội của Phật giáo với đất nước, dân tộc.

* Giáo hội Công giáo Việt Nam

Ngày 2/6, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra “Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch”. Trong thư kêu gọi giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong nước cũng như hải ngoại, hãy mau mắn vào cuộc, chung tay góp sức, san sẻ công việc với mọi thành phần xã hội và Giáo hội trong công cuộc phòng chống đại dịch; xem đại dịch này như một cơ hội để yêu thương.

Cùng với đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam chỉ dẫn cho linh mục, tu sĩ và tín đồ phối hợp với chính quyền để phòng chống dịch như hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng, tiếp sức cho các y bác sĩ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị,…

Trong bối cảnh dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, ngày 9/7, Hội đồng Giám mục Việt Namtiếp tục ra văn thư kêu gọi đồng bào Công giáo Việt Nam hướng về tâm dịch với chủ đề “Thương lắm Sài Gòn ơi”. Trong đó đề cao tinh thần đoàn kết, hướng về tâm dịch, làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta”.

Đồng thời, văn thư chỉ dẫn cụ thể cách thức thực hiện như khẩn trương lập đường dây nóng, một địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực và kêu gọi hỗ trợ tài chính cho người nghèo, người vô gia cư, người bệnh…

Riêng Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tặng 3 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Chính phủ.

Bà Đào Thị Phương Liên, nữ tu Công giáo dòng Trinh Vương Sài Gòn, tình nguyện viên tham gia chống dịch bày tỏ: "Chúng tôi rất vinh dự khi được thể hiện sự đóng góp của các nữ tu Công giáo. Điều này cũng nói lên sự đoàn kết của dân tộc, của các tôn giáo để cùng nhau cứu trợ khi anh em chúng ta đang gặp khó khăn".

Hưởng ứng Thư kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiều giáo phận đã tổ chức các hoạt động vận động, quyên góp ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhóm tu sĩ thiện nguyện cũng được thành lập để giúp đỡ các nhân viên y tế trong các bệnh viện ở các tỉnh, thành phía Nam.

Có thể nói, bên cạnh việc đóng góp bằng vật chất thì việc đóng góp nguồn nhân lực chất lượng của các tôn giáo đã góp phần cùng các tình nguyện viên cả nước giúp đỡ cho y, bác sĩ chăm sóc người bệnh được tốt hơn, san sẻ vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đây cũng chính là điểm mạnh của các tôn giáo, nhiều trong số họ không chỉ được đào tạo cơ bản về chuyên môn mà hơn hết là tinh thần phục vụ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành truyền thống, là tinh thần từ bi, bác ái, chân thiện mỹ trong giá trị của mỗi tôn giáo.

Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ đăng ký tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: MTTQ)

* Các tôn giáo khác

Khi dịch bệnh bùng phát, bằng cách này cách khác các tổ chức tôn giáo trong cả nước đều tham gia vào công tác phòng chống dịch.

Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam đã ủng hộ 1,1 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, cùng 100 máy thở, 300 suất quà bằng tiền mặt trị giá 150 triệu đồng cho lực lượng công nhân vệ sinh môi trường quận Tân Bình, cử 9 tình nguyện đi hỗ trợ các ca F0 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, số tiền mà các Hội thánh Cao đài đã ủng hộ phòng chống dịch đến hết năm 2020 là khoảng 80 tỷ đồng.

Hưởng ứng lời phát động toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 13/4/2020, 65 chức sắc, chức việc, tín hữu của 7 tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội xung phong hiến 56 đơn vị máu để cứu, chữa bệnh nhân Covid-19.

Qua tập hợp kết quả từ các kênh thông tin cho thấy kể từ khi có dịch cho đến nay các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ bằng tiền và trang thiết bị y tế, hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ đồng để ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh. Đây là con số giá trị đáng trân quý của các tổ chức, cá nhân tôn giáo cùng với toàn dân chống dịch.

Khơi dậy tinh thần dân tộc

Trong suốt quá trình chống dịch, bằng cách này cách khác, bằng thực lực của mỗi tôn giáo mà có sự đóng góp, hỗ trợ khác nhau, TS. Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, nhận định rằng điều đó thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, trách nhiệm đồng hành và là nghĩa cử cao đẹp, là tinh thần, là giá trị của đạo đức tôn giáo, là sự minh chứng cho tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc.

Khi đất nước gặp khó khăn thì tiềm năng, nguồn lực trong mỗi con người, mỗi tổ chức được bộc lộ, phát huy. Điều đó cho thấy nguồn cội dân tộc, nghĩa đồng bào luôn ẩn sâu trong tâm thức của mỗi tín đồ tôn giáo người Việt.

Đồng thời, nghĩa cử "tốt đời, đẹp đạo" này cũng cho thấy chức sắc, tín đồ các tôn giáo đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch.

Qua đó, nhận thức, ý thức của cá nhân và tổ chức tôn giáo về an toàn tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng được nâng cao. Các tổ chức tôn giáo thấu hiểu rằng niềm tin tôn giáo, việc thực hành các nghi lễ chỉ có được khi điều kiện sống được bảo đảm.

Sự đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức tôn giáo trong công tác phòng chống dịch chính là sự kết tinh của quá trình đổi mới chủ trương, chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo.

Chủ trương, chính sách đó được thực hiện thường xuyên, lâu dài cùng với sự ổn định và phát triển của các tôn giáo. Chủ trương, chính sách đó đã khơi dạy trực tiếp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm xã hội của khối tôn giáo Việt Nam, mà trong khó khăn, đại dịch đã thể hiện một cách trọn vẹn nhất.

Thầy Thích Minh Phú, Chủ nhiệm và chịu trách nhiệm chính tại “Bếp ăn từ thiện Tường Nguyên” chế biến món ăn gửi tặng tới các y bác sỹ ở bệnh viện dã chiến, những người nghèo ở khu cách ly, điều trị. (Nguồn: MTTQ)

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tot-doi-dep-dao-cac-to-chuc-ton-giao-chung-suc-cung-dat-nuoc-day-lui-covid-19-158521.html