TP.HCM: Án dân sự quá hạn vì phức tạp

Khi xác minh, thu thập chứng cứ, tòa cũng gặp khó khăn vì chậm nhận được phản hồi từ các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Thiếu hướng dẫn pháp luật, đương sự nhiều và không hợp tác, các đơn vị liên quan chậm đáp ứng yêu cầu… là những khó khăn mà ngành tòa án TP.HCM gặp phải khi giải quyết án dân sự, dẫn đến tình trạng án quá hạn còn cao.

Theo Phó Chánh án TAND TP.HCM Hà Thúy Yến, án dân sự là loại án quá hạn nhiều nhất do hầu hết đều liên quan đến tranh chấp nhà, đất.

Phức tạp vì chứng cứ, đương sự…

Các tranh chấp nhà, đất phần lớn đều phức tạp, có nhiều khó khăn trong việc đánh giá, thu thập chứng cứ. Do người tham gia tố tụng nhiều, đương sự ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, thậm chí ở nước ngoài nên quá trình triệu tập, hòa giải gặp khó khăn.

Đặc biệt, nhiều trường hợp đương sự không hợp tác, gây khó khăn, cản trở trong quá trình lấy lời khai, tiến hành đo vẽ, định giá… Nhận thức pháp luật của một số đương sự còn hạn chế nên việc cung cấp chứng cứ bảo vệ mình chưa đầy đủ.

Ngoài ra, khi xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết, tòa cũng gặp khó khăn vì chậm nhận được phản hồi từ các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan. Nhiều trường hợp, tòa có văn bản đề nghị, nhắc việc nhiều lần nhưng cũng không nhận được phản hồi.

Cạnh đó, bà Yến còn cho biết tại một số quận ở TP hiện nay, việc tranh chấp phiếu tái định cư đang ngày càng diễn biến phức tạp. Việc giải quyết tranh chấp này gặp rất nhiều khó khăn do tính chất pháp lý không rõ ràng của phiếu tái định cư.

Chánh án Bùi Hoàng Danh trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo TAND quận 10, TP.HCM. Ảnh: H.YẾN

Án dân sự cũng là loại án bị hủy, sửa nhiều (hủy 383 vụ, sửa 425 vụ trong năm 2012). Theo đánh giá của TAND TP, nguyên nhân là do tính chất phức tạp của các quan hệ tranh chấp, áp dụng pháp luật chưa nhất quán. Mặt khác, nhiều vụ tại cấp sơ thẩm, đương sự không giao nộp chứng cứ đầy đủ, đến cấp phúc thẩm mới đưa ra nên phải hủy hoặc sửa án. Ngoài ra, cũng có một phần do lỗi chủ quan của thẩm phán như giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện, phạm vi ủy quyền, thủ tục cấp, tống đạt thông báo không đúng quy định, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, xác định tư cách đương sự không chính xác...

Phó Chánh tòa Dân sự Nguyễn Hoàng Đạt bổ sung một số vướng mắc khiến việc giải quyết án của tòa gặp khó khăn, làm án bị kéo dài: Việc định giá tài sản, thẩm định giá chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi đương sự không hợp tác, tòa không thể thực thi pháp luật. Cạnh đó, có những lấn cấn về các trường hợp trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ, xác định tạm trú, thường trú hay lưu trú để xác định thẩm quyền của tòa… Từ đó, ông Đạt mong muốn cấp trên nên chú trọng công tác tập huấn trong ngành về chuyên môn hơn.

Án hành chính cũng quá hạn

Ngoài tình trạng quá hạn vì liên quan đến tranh chấp nhà, đất, một điểm đáng chú ý khác là trong năm 2012, án hành chính tăng nhiều so với năm 2011 (tỉ lệ tăng là 54,88%).

Theo TAND TP, nguyên nhân là do Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành đã mở rộng điều kiện khởi kiện của người dân. Các khiếu kiện tập trung chủ yếu là khiếu kiện về quản lý đất đai trong trường hợp bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu kiện quyết định, hành vi hành chính trong việc áp mã thuế, truy thu thuế của cơ quan thuế, cơ quan hải quan. Không ít trường hợp đương sự có thái độ gay gắt khi tham gia tố tụng, thậm chí còn gây mất trật tự phiên tòa, tại bàn làm việc hoặc có lời lẽ xúc phạm hội đồng xét xử, tạo rất nhiều áp lực cho thẩm phán.

Sau án dân sự, án hành chính cũng là loại án có số lượng án quá hạn nhiều bởi lượng án thụ lý tăng đột biến. Việc giải quyết án này cũng gặp nhiều khó khăn do liên quan đến nhiều người, quá trình làm việc tòa phải làm việc với UBND các cấp nhưng chưa nhận được sự phối hợp kịp thời của các cơ quan này.

Chánh tòa Hành chính Vũ Kim Thoa cũng có báo cáo chỉ ra 13 thiếu sót trong việc áp dụng luật, dẫn đến án sơ thẩm bị hủy, sửa hoặc cấp phúc thẩm phải mất thời gian thu thập thêm chứng cứ, củng cố hồ sơ. Cạnh đó, Tòa Hành chính cho biết bên cạnh những thuận lợi mà Luật Tố tụng hành chính mang lại thì vẫn còn những vướng mắc cần có hướng dẫn của TAND Tối cao để việc áp dụng luật thống nhất. Chẳng hạn hành vi không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của người đứng đầu cơ quan hành chính đối với quyết định, hành vi hành chính có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không? Hay người không có quyền kháng cáo nhưng tòa sơ thẩm nhận đơn và lập thủ tục kháng cáo, tòa phúc thẩm “lỡ” thụ lý thì giải quyết thế nào?

Phải nỗ lực hơn

Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, đánh giá cao những kết quả mà TAND TP làm được trong năm 2012. Ông Đua ghi nhận việc các thẩm phán trung bình một tháng phải giải quyết tám vụ án là một sự cố gắng cao của ngành trong thời gian qua. Cạnh đó, ông Đua cũng đưa ra các vấn đề lưu ý ngành tòa án TP cần nỗ lực hơn để hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có vấn đề án bị hủy, sửa. Theo ông Đua, tuy tỉ lệ án hủy sửa của ngành thấp hơn mức cho phép của TAND Tối cao nhưng cũng cần phải suy nghĩ và tìm cách khắc phục…

Tiếp thu ý kiến, Chánh án Bùi Hoàng Danh cho biết sẽ cố gắng có các biện pháp khắc phục. Cụ thể năm nay, ngành đã có biên chế bổ sung nên sẽ tổ chức thi tuyển thêm một số nhân lực. Cạnh đó, ngành cũng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thông qua việc đưa đi đào tạo tập trung hoặc ngoài giờ... TAND TP sẽ thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về án bị hủy, sửa (trước đây định kỳ sáu tháng một lần, nay chỉ ba tháng là đã ngồi lại rút kinh nghiệm).

Năm 2012, toàn ngành tòa án TP thụ lý 7.812 vụ (tăng gần 500 vụ), giải quyết đạt tỉ lệ 99,4%. Toàn ngành có 41 vụ bị hủy, 441 vụ bị sửa. Đa số án hủy, sửa là các vụ xét xử từ những năm trước.

Án kinh doanh thương mại tăng mạnh tại các quận, huyện, riêng cấp thành phố giảm. Các tranh chấp chủ yếu là hợp đồng tín dụng chiếm tỉ lệ 96%, tranh chấp liên quan đến cổ phiếu chiếm 1%, còn lại là các hợp đồng khác.

Án lao động thụ lý năm 2012 cũng tăng gần 22%, trong đó tăng mạnh ở cấp quận, huyện. Đặc biệt nổi lên tranh chấp như thân nhân thuyền viên bị mất tích khởi kiện yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán tiền lương trong thời gian bị mất tích và bồi thường tai nạn lao động khi tòa tuyên bố thuyền viên đã mất tích hoặc chết. Việc giải quyết tranh chấp loại này gặp khó khăn do pháp luật lao động chưa có quy định, hướng dẫn.

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130131121915956p0c1063/tphcm-an-dan-su-qua-han-vi-phuc-tap.htm