TP.HCM: Bao giờ cho hết… kẹt xe, ngập nước?

Chính quyền TP.HCM đã chi 32.086 tỷ đồng cho 99 dự án chống ngập, nhưng thực tế cho thấy đến nay vẫn ngập nhiều nơi.

Tình trạng chung cư xây dựng tràn lan dọc các tuyến đường, tạo nên đô thị nén khiến hạ tầng quá tải, kẹt xe xảy ra triền miên.

Tốn hàng chục nghìn tỷ đồng, đường vẫn ngập

Mới đây, HĐND TP.HCM đã tổ chức buổi giám sát về công tác chống ngập của UBND TP.

Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị, cho biết số điểm ngập đã giảm nhiều so với năm 2008. Theo thống kê, đến cuối năm 2018, TP.HCM còn 18 tuyến đường ngập do mưa và 5 tuyến đường ngập do triều cường, so với 126 điểm ngập do mưa, 95 điểm ngập do triều trong năm 2008.

 Hình ảnh ngập sau mưa là chuyện thường ngày của TP.HCM. Ảnh: TL.

Hình ảnh ngập sau mưa là chuyện thường ngày của TP.HCM. Ảnh: TL.

Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu không hài lòng với việc TP đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để chống ngập nhưng nhiều dự án khi hoàn thành thì đường vẫn còn ngập.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, dẫn chứng đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) đầu tư khá lớn, làm xong rồi mưa vẫn ngập vì còn phải chờ cải tạo rạch Cây Liêm. Còn ở quận 9, hai dự án cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng nhưng ngập vẫn hoàn ngập.

Trong khi đó, Phó ban Đô thị Nguyễn Minh Nhựt cho rằng các dự án không được kết nối đồng bộ nên khi hoàn thành đường vẫn ngập gây lãng phí ngân sách. Vị đại biểu này dẫn chứng TP đã tốn nhiều tiền, nhiều biện pháp nhưng khu vực trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ngập. “Khi giám sát ở quận Tân Bình thì có tình trạng hệ thống thoát nước giữa bên ngoài và bên trong sân bay có sự chênh lệch nên nước mưa không thoát được”, ông Nhật cho biết.

Trình bày với Hội đồng giám sát, tân Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng cần dùng nhiều biện pháp để chống ngập và trong vài trường hợp chấp nhận đường vẫn bị ngập cục bộ nhưng sẽ không để nhà dân bị ngập.

Theo ông Hoan, sau gần 3 năm thực hiện chương trình giảm ngập nước, TP không còn ngập như 5-7 năm trước đây. Tuy vậy, vẫn còn một số công trình sau khi hoàn thành thì đường vẫn ngập cục bộ trong một thời gian ngắn rồi mới rút hết. Nghiêm trọng nhất là dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (quận 6 và quận Bình Tân) sau khi hoàn thành thì đường hết ngập nhưng nước lại tràn vào nhà dân.

“Chống ngập không chỉ thuần túy là nâng đường, phải dùng nhiều biện pháp tổng hợp. Có thể để ngập đường trong thời gian ngắn nhưng đồng thời không để cho nhà dân bị ngập”, ông Hoan nêu quan điểm.

Ông Hoan nhìn nhận tình trạng ngập úng còn xuất phát từ nguyên nhân các quy hoạch như thoát nước, xây dựng, cốt nền đã quá cũ kỹ, lạc hậu và không phù hợp với tình hình hiện tại. Đồng thời, công tác chỉ đạo còn lúng túng, tầm nhìn các đơn vị tham mưu mới chỉ dừng lại ở ứng phó, đối phó những gì đang diễn ra chứ chưa có tầm nhìn chiến lược, xây dựng cơ chế chính sách giải quyết triệt để.

Không cấp phép xây dựng khu vực quá tải

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, lý giải do hạ tầng giao thông mới đáp ứng được 30% so với quy hoạch nên vấn đề kẹt xe chưa được giải quyết căn cơ tại các trục đường lớn, khu vực trung tâm.

Kẹt xe, nỗi kinh hoàng của người Sài Gòn sau giờ tan tầm và các ngày lễ. Ảnh: TL.

Về tình trạng xây dựng chung cư dọc các trục đường lớn hình thành các đô thị nén, ông Lâm cho hay việc này đã được TP nhìn thấy từ lâu.

Khi đô thị phát triển nhanh nhưng giao thông chưa đồng bộ. Đặc biệt là cao ốc mọc lên ở những tuyến đường chưa được mở rộng để kết nối khu dân cư với các tuyến đường hiện hữu.

Đối với tình trạng kẹt xe ở khu Nam Sài Gòn, ông Lâm thông tin Sở GTVT TP đã thực hiện một số giải pháp cấp bách như mở rộng cầu Chữ Y và cầu Kênh Tẻ. Tuy nhiên, về lâu dài thì TP phải xây dựng các công trình như cầu Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 4.

Theo quy hoạch, từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có cầu Thủ Thiêm 3 kết nối với quận 4 còn cầu Thủ Thiêm 4 kết nối với quận 7 để giảm áp lực cho các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tất Thành vốn đã quá tải. Các dự án này được TP.HCM kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT). Tuy nhiên, hình thức đầu tư này bị vướng một thời gian vì chờ Chính phủ sửa đổi nên dự án chưa thể triển khai.

Để chủ động đầu tư dự án, ông Trần Quang Lâm cho biết Sở GTVT TP đã báo cáo và đề xuất UBND TP thay đổi hình thức đầu tư sang hợp đồng BLT kết hợp với vốn ngân sách. Nếu được chấp thuận, TP sẽ bố trí quỹ đầu tư vào giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông làm thủ tục đề xuất đầu tư dự án và kêu gọi đầu tư.

Đối với các khu dân cư dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc Sở GTVT đánh giá việc hình thành các khu đô thị tập trung rất là tốt. Tuy nhiên, hạ tầng vẫn chưa đồng bộ nên vẫn xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm dọc tuyến đường này.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án để giải cứu kẹt xe cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, Sở GTVT đang nghiên cứu phương án đề xuất chuyển sang đầu tư công, sử dụng nguồn vốn ngân sách ngay trong năm nay. Không chỉ “chia lửa” cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường ven sông còn đóng vai trò kết nối với cầu Thủ Thiêm 2 trong tương lai.

Ông Trần Quang Lâm cho biết do thiếu nguồn lực nên việc đầu tư hạ tầng ở TP.HCM chưa theo kịp sự phát triển của đô thị cũng như theo quy hoạch.

Theo quy định mới của Chính phủ, khi xây dựng các khu dân cư cao tầng thì Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP phải lấy ý kiến của Sở GTVT. Sau đó, Sở GTVT sẽ đánh giá tác động của khu dân cư dự kiến xây dựng lên giao thông khu vực.

“Hiện nay mô hình mô phỏng giao thông đã có, chỉ cần đưa dữ liệu đầu vào là sẽ đánh giá được khả năng đáp ứng năng lực hạ tầng hiện có và trong 5-10 năm nữa sẽ như thế nào. Trên cơ sở đó, Sở GTVT sẽ có ý kiến để UBND TP quyết định. Nếu không thỏa mãn điều kiện thì TP sẽ không cấp phép xây dựng như nghị quyết của Chính phủ đã quy định”, ông Lâm thông tin.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đang triển khai 99 dự án và chương trình với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 32.086 tỷ đồng, bao gồm 90 dự án, 2 chương trình giải quyết ngập do mưa, 6 dự án giảm ngập nước do triều, 1 công trình kết hợp thu gom, xử lý nước thải…

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/tp-hcm-bao-gio-cho-het-ket-xe-ngap-nuoc-165013.html