TP.HCM: Bứt phá từ 7 nhóm sản phẩm

Sau một thời gian dài loay hoay với câu hỏi 'đâu là sản phẩm chủ lực', việc TP.HCM công bố 7 nhóm sản phẩm chính được xem là động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp thành phố phát triển bền vững.

Trước đó, lãnh đạo TP.HCM đã liên tục có nhiều buổi làm việc với các sở, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; đồng thời cũng yêu cầu các đơn vị sớm chỉ ra đâu là những sản phẩm chủ lực của địa phương mình.

Động lực cho doanh nghiệp

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM kể, thành phố đã từng thực hiện chương trình chủ lực nhưng bị gián đoạn trong thời gian qua khiến doanh nghiệp không mặn mà.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM tham quan các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Ảnh: N.V

"Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung danh mục nhóm sản phẩm dịch vụ chủ lực ở các ngành: Khách sạn nhà hàng, ăn uống, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử và giải trí. Qua đó định hình bức tranh toàn cảnh các thế mạnh kinh tế của thành phố”.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong

Trước năm 2015, thành phố chọn ra 15 sản phẩm chủ lực, đến nay có những sản phẩm không còn tồn tại do áp lực cạnh tranh trên thị trường. Theo Sở Công Thương TP.HCM, thời gian qua công nghiệp thành phố đã có những bước phát triển đáng kể. Giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp ước tăng 7,52%; đóng góp 1,49 điểm phần trăm trong mức tăng chung 8,25% GRDP của thành phố. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP năm 2017 ước tăng 7,9% so với năm 2016. IIP 9 tháng năm 2018 ước tăng 7,89% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây, đóng góp quan trọng vào kinh tế chung.

Tuy nhiên, công nghiệp thành phố vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và dư địa. Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của khu vực, đòi hỏi việc phát triển kinh tế ở mức cao nên việc xác định sản phẩm chủ lực của thành phố là rất quan trọng.

Vẫn cần nhiều chính sách hỗ trợ

Để hỗ trợ nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố phát triển, đủ sức lan tỏa, dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và làm động lực cho toàn ngành, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn với nhiều điểm mới. Về vốn, Nghị quyết 16 ban hành đầu tháng 10 quy định vốn kích cầu cho doanh nghiệp hỗ trợ lãi vay đầu tư nhà xưởng, công nghệ mới với thời gian hỗ trợ 7 năm; mức vốn hỗ trợ tối đa cho một dự án lên đến 200 tỷ đồng.

Về mặt bằng, thời gian tới thành phố sẽ tạo quỹ đất công nghiệp để thu hút kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư như hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành. Ưu tiên bố trí mặt bằng để đầu tư mở rộng các nhóm sản phẩm CNCL với giá thuê đất phù hơp.

Nguồn nhân lực của các doanh nghiệp khi đào tạo xong thường bị “chảy máu chất xám” sang các doanh nghiệp FDI. Nhu cầu đào tạo nhân lực ở các doanh nghiệp rất lớn.

Theo ông Kiên, trước đây phải chờ sở ngành, trường nghề mở lớp rồi doanh nghiệp mới đăng ký học. Chính sách mới sẽ thay đổi lại. Doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo thì các sở ngành sẽ tổ chức lớp theo yêu cầu của doanh nghiệp, chứ không đợi tập trung số lượng mới dạy.

Cuối cùng, thành phố sẽ đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu các doanh nghiệp.

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/tphcm-but-pha-tu-7-nhom-san-pham-923615.html