TP.HCM: Cận cảnh một đoạn sông Rạch Đĩa bị đóng cọc, san lấp bờ sông

Từ đầu tháng 11/2022 đến nay, người dân khu vực gần sông Rạch Đĩa liên tục phản ảnh về việc một đoạn bờ sông có dấu hiệu bị lấn chiếm gây ảnh hưởng nghiêm trọng dòng chảy.

 Toàn cảnh khu vực bờ sông Rạch Đĩa - nơi đang diễn ra hoạt động san lấp

Toàn cảnh khu vực bờ sông Rạch Đĩa - nơi đang diễn ra hoạt động san lấp

Nhận được phản ánh, giữa tháng 11/2022, Phóng viên (PV) Tạp chí Kinh tế - Môi trường đã tìm đến nơi diễn ra sự việc, sau khi đi vòng qua nhiều cung đường và sự trợ giúp của người dân, PV đã tìm được con đường đi vào khu đất bờ sông đang diễn ra hoạt động san lấp.

Cổng chính của căn biệt thự hầu như luôn trong tình trạng đóng kín, phía trước có sự xuất hiện của 1 chiếc máy múc. Xung quanh khu vực này cũng có rất ít người dân di chuyển qua lại.

Theo quan sát của PV, vị trí bờ sông đang bị lấn chiếm nằm trong khuôn viên khu đất rộng hàng ngàn m2 và nằm sát bờ sông Rạch Đĩa. Tại lối đi vào khu đất có một cổng chính được xây dựng kiên cố và đang trong tình trạng “cửa đóng then cài” và không thể quan sát được hoạt động bên trong. Ngoài ra, ngay lối cửa còn được đặt rất nhiều chậu bonsai và có sự xuất hiện của 1 chiếc máy múc công suất lớn.

Lối dẫn đến khu biệt thự là một con đường được trải đá, 2 bên lối đi không còn gì khác ngoài những hàng cây cỏ mọc um tùm.

Căn biệt thự được xây dựng tại khu vực Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM, cách khu dân cư khoảng 1km và được dẫn vào bởi lối đi mới trải đá.

Dùng thiết bị hỗ trợ trên cao, PV ghi nhận được một số công trình ngói đỏ (được cho là nhà ở) cùng hàng trăm chậu cây cảnh lớn nhỏ ở phía trong căn biệt thự này.

Sử dụng thiết bị chuyên dụng, từ trên cao PV quan sát được trong khu đất này xuất hiện nhiều công trình xây dựng bề thế, cùng với đó là hàng trăm chậu cây cảnh lớn nhỏ.

Dừng lại ở khu vực sát sông Rạch Đĩa (khu vực bán đảo nhỏ nằm giữa 2 con rạch: Cây Me và rạch Cây Bông), ngay bên cạnh một khu biệt thự ngói đỏ có diện tích rộng hàng ngàn mét vuông, một chiếc xe máy múc được hỗ trợ bởi một xà lan vẫn đang “miệt mài” múc đất, san đều ra phần diện tích lòng sông lúc thủy triều rút.

Bên cạnh biệt thự, hướng nhìn ra phía sông Rạch Đĩa bất ngờ có sự xuất hiện của một chiếc máy múc đang thực hiện san lấp đất, “gặm nhấm” một phần nhỏ của bờ sông.

Vị trí bị lấn chiếm, đang diễn ra hoạt động san lấp rộng hàng trăm m2 được bao bọc, “bảo vệ” bởi hàng trăm cọc gỗ, đóng sâu xuống lòng sông như “đánh dấu chủ quyền”.

Hiện trường còn cho thấy, vị trí này không phải mới bị lấn chiếm. Trước kia, từ phía rìa sông sẽ là hàng dừa nước, xếp dọc đều theo ven bờ sông. Tuy nhiên, qua thời gian, lòng sông được lấp đất tới đâu thì những hàng cây cảnh và các loại cây khác sẽ được đưa đến trồng tới đó và có thể thấy rõ lòng sông tại vị trí thực hiện san lấp dần bị thu hẹp.

Hàng loạt cọc gỗ được đóng xuống sông nhằm lấn chiếm lòng sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy

Tiếp tục quan sát, PV nhận thấy có sự xuất hiện của một người đàn ông, trước mắt, vẫn không thể xác định được người này là ai. Tuy nhiên, người đàn ông này di chuyển ra khu vực gần máy xúc và chỉ đạo để người điều khiển máy thực hiện san lấp theo ý mình. Và hoạt động này diễn ra liên tục trong nhiều ngày, nhưng PV không thấy sự có mặt của ngành chức năng đến kiểm tra.

Khúc lòng sông được thực hiện lấp đất tới đâu thì những hàng cây cảnh và các loại cây khác sẽ được đưa đến trồng tới đó.

Việc lòng sông Rạch Đĩa bị lấn chiếm trong thời gian dài, khiến người dân vô cũng bức xúc và lo ngại. Đáng nói hơn là dù những hoạt động này diễn ra rất công khai nhưng lại không vấp phải bất kì sự kiểm tra nào của cơ quan chức năng địa phương đã dấy lên nhiều nghi vấn trong việc quản lý nhà nước.

Sau thời gian quan sát, PV bắt gặp một người đàn ông di chuyển đến cạnh chiếc máy múc và liên tục “chỉ đạo” thực hiện san lấp.

Theo thống kê trước đó của Trung tâm quản lý đường thủy về tình hình thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy, đến nay TP.HCM có 105 trường hợp công trình xây dựng, san lấp lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch.

Trong đó, số vụ vi phạm lớn nhất ở huyện Bình Chánh với 30 trường hợp, huyện Nhà Bè xảy ra 27 trường hợp, TP.Thủ Đức có 20 trường hợp. Tiếp theo là quận 12 có 3 trường hợp, quận Bình Thạnh có 3 trường hợp, huyện Cần Giờ có 4 trường hợp, huyện Củ Chi có 6 trường hợp, huyện Hóc Môn có 3 trường hợp, quận 7 có 6 trường hợp.

Căn biệt thự cách khu dân cư khoảng hơn 1km

Sở Giao thông - Vận tải đề nghị UBND TP.Thủ Đức cùng các quận, huyện để xảy ra các trường hợp vi phạm như trên tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép vi phạm thuộc địa bàn quản lý.

Khu vực đối diện nơi diễn ra hoạt động san lấp bờ sông.

Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, đơn vị trực thuộc vận động người dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình xây dựng không phép, trái phép trên hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn của mình.

TP.HCM nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở, làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng bảo vệ bờ sông, suối, kênh nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra thường xuyên.

Đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng địa bàn tăng cường kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm để kiểm tra, xử lý các công trình lấn chiếm, xây dựng, không phép, trái phép.

Để tìm hiểu thêm thông tin và phương án giải quyết của chính quyền địa phương về việc lấn chiếm lòng sông Rạch Đĩa, ngày 28/11 Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ với lãnh đạo xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), trao đổi qua điện thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Kiển Nguyễn Thanh Phong cho biết, xã Phước Kiển đã có báo cáo thông tin sự việc liên quan đến UBND huyện Nhà Bè khoảng 1 tháng trước. Đồng thời, đề nghị Phóng viên liên hệ với UBND huyện Nhà Bè để được cung cấp thêm thông tin. Khi được hỏi thêm về hướng xử lý hay những đề xuất của xã với cấp trên về vấn đề nêu trên ông Phong tiếp tục đề nghị Phóng viên liên hệ với huyện Nhà Bè và mong được thông cảm. “Cái đấy anh liên hệ huyện giúp giùm, tại vì quyền phát ngôn ở huyện và xã cũng đã báo cáo với huyện rồi. Anh cứ liên hệ chỗ huyện, huyện sẽ cung cấp thông tin lại cho anh ha. Anh thông cảm”, ông Phong nói.

Theo lời đề nghị của lãnh đạo xã Phước Kiển, chiều cùng ngày, Phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với ông Triệu Đỗ Hồng Phước – Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, trong cuộc trao này ông Phước cho biết đang bận tiếp công dân và cung cấp số điện thoại của đồng chí Võ Phan Lê Nguyễn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè để phỏng vấn. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc điện thoại từ ngày 28, 29/11 và ngày 1/12, đến nay Phóng viên vẫn không nhận được bất kì phản hồi nào từ phía lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè về những thông tin có liên quan đến phản ánh của người dân.

Chính sự im lặng này khiến người dân đặt ra nghi vấn: Phải chăng, ngành chức năng địa phương huyện Nhà Bè đang có dấu hiệu tránh né trách nhiệm đối với những phản ánh của người dân và báo chí?

Trước những dấu hiệu về việc vi phạm về lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch và những hệ lụy kèm theo, đề nghị lãnh đạo UBND TP HCM nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt để kiểm tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm và có phản hồi thông tin đến người dân.

Thanh Tùng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-can-canh-mot-doan-song-rach-dia-bi-dong-coc-san-lap-bo-song-73762.html