TP.HCM cần làm gì để thu hút người tài? - Bài 3: Hành động để TP.HCM thành 'thỏi nam châm' hút người tài

TP.HCM vốn đã có lực hút để người tài từ khắp nơi tựu về nhưng vẫn rất cần một cơ chế cụ thể, rõ ràng để thu hút họ làm việc lâu dài.

“Chính sách thu hút Việt kiều cũng như người nước ngoài về làm việc là tốt và đúng đắn nhưng không được thực thi hiệu quả là điều vô lý” - GS Võ Văn Tới, nguyên Trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM khi đề cập chính sách thu hút người tài hiện nay của Việt Nam cũng như tại TP.HCM.

Ông là một trong những người trở về để cống hiến cho đất nước.

GS Võ Văn Tới, nguyên Trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Quy trình cần rõ ràng, nhất quán

. Phóng viên: Qua nhiều năm làm việc trong nước, ông thấy chính sách thu hút Việt kiều cũng như người tài giỏi hiện nay như thế nào?

+ GS Võ Văn Tới: Chính sách của Nhà nước ta về thu hút Việt kiều cũng như người nước ngoài về làm việc là tốt, tạo điều kiện cho những người sinh sống ở nước ngoài quay về cống hiến cho quê hương.

Tuy nhiên, các chính sách cần phải ra được quy trình rõ ràng, nhất quán. Những người thi hành chính sách phải tích cực, có tâm. Chính sách rõ ràng nhưng những người thừa hành không thực thi sẽ làm trì trệ một cách vô lý.

Tôi đã về, đã mời gọi được nhiều người về và làm được rất nhiều việc ở đây. Tôi đã xây dựng và phát triển ngành kỹ thuật y sinh, một phần là nhờ vào chính sách rõ ràng, nhất quán và nhờ có những người xung quanh hỗ trợ.

Tôi nghĩ TP.HCM có thể làm được tốt hơn. Vấn đề nằm ở chỗ phải có sự sắp xếp lại hạ tầng cơ sở, nhân sự làm sao để những người có tâm, có tài muốn tham gia và trở về.

Thu hút một con người về làm việc không phải chỉ kêu gọi, hứa hẹn, trông chờ vào tinh thần yêu nước hay tự giác mà đòi hỏi những hành động cụ thể.

. Qua các đợt tổng kết, Chính phủ và ngay cả TP.HCM đánh giá chính sách thu hút người tài chưa hiệu quả. Đặc biệt, TP.HCM trong năm năm không tuyển được sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào khu vực nhà nước, ông có nhìn nhận gì?

+ Đó là điều đáng suy ngẫm. Theo tôi, hiệu quả chính sách chưa như ý là do quá trình thực thi. Việc xây dựng chính sách phải đi vào trọng tâm là cần thu hút đối tượng nào, để làm gì và bằng cách nào.

Thu hút một con người không phải chỉ kêu gọi, hứa hẹn, trông chờ vào tinh thần yêu nước hay tự giác mà đòi hỏi những hành động cụ thể, có tổ chức và hệ thống.

GS Võ Văn Tới là người đầu tiên đưa lĩnh vực kỹ thuật y sinh về Việt Nam.

Ông từng được cựu Tổng thống Mỹ George Bush chọn làm giám đốc điều hành Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) năm 2007 và quỹ này có chương trình đưa sinh viên Việt Nam sang học ở các trường ĐH danh tiếng của Mỹ.

Kể từ khi đảm nhận chức giám đốc điều hành của quỹ, GS Tới luôn khuyến khích sinh viên Việt Nam tốt nghiệp chương trình VEF trở về nước với tên gọi “Đường về Tổ quốc”. Năm 2022, ông giành giải thưởng Thành tựu trọn đời của Hiệp hội Y khoa và kỹ thuật y sinh quốc tế.

Đặt người tài đúng nơi, đúng chỗ

. Vậy theo GS, đâu là yếu tố quan trọng để thu hút người tài?

+ Tôi thấy môi trường làm việc, môi trường sống cộng với người đi thu hút chất xám phù hợp là quan trọng. Lương cũng là một yếu tố để giúp họ sẽ an tâm làm việc.

Tuy nhiên, lương không quyết định tất cả. Chẳng hạn tại TP.HCM, bên cạnh chính sách thu hút người tài cần nhất quán thì TP phải giải quyết được bài toán về cơ sở hạ tầng của chính sách.

Nước Mỹ thu hút nhân tài khắp nơi trên thế giới dù họ chưa từng kêu gọi. Đó là bởi họ có một hệ thống rõ ràng, chặt chẽ. Người nào đến thì họ biết sẽ đặt người đó ở vị trí nào.

Còn chúng ta mời gọi người tài nhưng khi họ đến rồi thì lại chẳng biết làm gì. Dù mình có trả lương cao hơn nhưng không “xài”, người ta cũng nản rồi rời đi. Bởi với người tài, họ cần cơ hội để phát triển bản thân. Chúng ta phải biết mình muốn dùng họ vào vị trí nào, đặt ở đâu để họ phát huy tốt nhất năng lực.

TP.HCM có môi trường rất hấp dẫn với Khu công nghệ cao, ĐH Quốc gia và nhiều viện, trường… Do vậy, cần làm thế nào để những nơi này trở thành “thỏi nam châm” thu hút người tài, chuyên gia. Để làm được thì phải có khung rõ ràng, tạo được sự hứng thú.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại ĐH Quốc gia TP.HCM,. Ảnh: THANH THÙY

Khuyến khích thành công chứ không phải theo quy trình

. Chính quyền cũng thừa nhận hiện nhiều cán bộ công chức đang rời bỏ khu vực công sang khu vực tư. Góc nhìn của ông về vấn đề này thế nào?

+ Sự dịch chuyển này phần nào cho thấy khu vực công không còn sức hút để giữ chân họ.

Với khu vực tư nhân, họ sòng phẳng trong mọi chuyện. Họ thuê một người và chấp nhận trả lương 10 đồng thì phải mang lại cho họ lợi nhuận 100 đồng. Khi anh không đáp ứng được đòi hỏi công việc, họ sẵn sàng chấm dứt hợp đồng.

Còn ở khu vực công, nếu anh làm “lè phè”, không hiệu quả thì lại được điều chuyển sang chỗ khác. Nhưng ở nơi mới, liệu họ có làm việc hiệu quả hơn không?

Hiện tượng rời bỏ khu vực công cũng không quá lo sợ, thay vào đó Nhà nước cần điều chỉnh chính sách, cơ chế cho phù hợp và sòng phẳng.

. Theo ông, TP.HCM cần làm gì tiếp theo để trở thành “thỏi nam châm” thu hút người tài?

+ Để thu hút người tài, rất cần sự quyết tâm. Trong cơ chế và sự lãnh đạo đó, cần đưa ra những yêu cầu đơn giản, thông thoáng, mềm dẻo nhất; tránh quy định phức tạp, chồng chéo, thay đổi thường xuyên.

Người cán bộ quản lý phải có tâm, có tài, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, tạo động lực cho người khác làm việc. Các thủ tục hành chính cũng phải đơn giản để người trí thức chỉ cần tập trung vào chuyên môn; đồng thời nguồn ngân sách phải ổn định, tránh cảnh “đầu voi đuôi chuột”.

TP.HCM có thể thành lập “ốc đảo” - sandbox để thử nghiệm với cơ chế linh hoạt, cởi mở. Trong “ốc đảo” đó, người cộng tác được toàn quyền làm những gì không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, làm những gì pháp luật không cấm thay vì chỉ làm những gì theo quy định, được cho phép. Bởi nếu làm theo quy định phần nào cũng là rào cản của sự đổi mới sáng tạo.

Cần tạo thế “chân vạc” giữa giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và đưa sản phẩm hàn lâm ra thị trường, đưa nhu cầu trong xã hội vào ĐH để tìm giải pháp phù hợp.

Hãy tạo ra một môi trường để khi họ làm việc, họ luôn cố gắng cho sự thành công chứ không phải là làm đúng quy trình. Và phải có sự kết nối các bên, để khi thu hút được người tài rồi thì đặt họ đúng nơi, đúng chỗ để làm. Đồng thời phải đào tạo những người tại chỗ để họ tốt hơn, phát triển lên. Cuối cùng, điều tôi muốn nói nhất là chính sách không nên là vòng luẩn quẩn.

. Xin cảm ơn giáo sư.

Phải loại bỏ cơ chế xin - cho

Vừa qua, Sở KH&CN TP.HCM đã xây dựng đề án mức chi tiền lương, tiền công các chức danh lãnh đạo, người nghiên cứu khoa học trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Theo đề án, người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TP thành lập hưởng lương 60-120 triệu đồng/tháng; cấp phó của người đứng đầu được hưởng mức thù lao 50-100 triệu đồng/tháng…

Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM về điều này, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho hay: Đề xuất nhằm thu hút nhân tài để quản lý, hướng đến mục tiêu xây dựng một số đơn vị nghiên cứu hàng đầu ở TP.HCM, xây dựng trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế. Trong tương lai, các trung tâm này sẽ làm đầu tàu thúc đẩy kinh tế bằng các kết quả nghiên cứu.

Cơ sở cho đề xuất là Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP được quyết định vấn đề tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi với các vị trí lãnh đạo và người làm khoa học trong các tổ chức khoa học và công nghệ. Mức lương trên đã được sở khảo sát tại nhiều tổ chức khoa học và công nghệ khối nhà nước, tư nhân và của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Sở KH&CN cũng đề xuất nhà khoa học sẽ được miễn trừ trách nhiệm dân sự nếu xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học… Bởi hoạt động nghiên cứu khoa học luôn có những rủi ro nên điều này sẽ giúp người làm khoa học yên tâm hơn, tạo tinh thần dám nghĩ, dám làm để tạo ra sản phẩm nghiên cứu có giá trị tương xứng.

Về việc thu hút nhân tài cho TP.HCM, ông cho rằng bên cạnh vấn đề thu nhập thì TP cần chỉ rõ thu hút nhân tài để làm gì, giải quyết vấn đề gì một cách cụ thể để nhà khoa học nắm rõ mục tiêu cho hoạt động nghiên cứu của mình một cách hiệu quả.

“Người làm khoa học cần một cơ chế làm việc rõ ràng với các mục tiêu cụ thể. Thủ tục hành chính thông thoáng, thể hiện đúng tinh thần TP.HCM mời người tài về làm việc, chứ không phải là cơ chế xin - cho” - ông Dũng nhấn mạnh.

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-can-lam-gi-de-thu-hut-nguoi-tai-bai-3-hanh-dong-de-tphcm-thanh-thoi-nam-cham-hut-nguoi-tai-post753665.html