TP.HCM cần thêm khoảng 8.000 xe buýt

Hiện nay, hơn 3.200 xe buýt chạy trên 200 tuyến đường TP.HCM nhưng chỉ có 6% dân sử dụng xe buýt. Đến năm 2025, dự kiến TP.HCM cần thêm khoảng 8.000 xe buýt.

Sáng 18-9, các sở Giao thông Vận tải (GTVT), Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Quy hoạch và Kiến trúc... đã có buổi lắng nghe các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho việc quy hoạch phát triển xe buýt ở TP.HCM đến năm 2025 Phát triển mạnh xe buýt khu vành đai Theo tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Trường đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội), kiêm giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông, đơn vị tư vấn cho TP.HCM về quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng, đến năm 2025 không gian đô thị và các đô thị vệ tinh của TP sẽ mở rộng đến các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Tây Ninh. Do đó, nhu cầu đi lại và mạng lưới xe buýt sẽ mở rộng với bán kính trên 30 km, thay vì 15-20 km như hiện nay. Từ đây, mạng lưới xe buýt sẽ phải phát triển mạnh về hướng các khu vực vành đai, các tiểu khu vực thay vì chỉ hướng tâm, xuyên tâm như hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới tuyến và số lượng khách đi xe buýt gia tăng thì đến năm 2025 TP.HCM cần khoảng 8.000 xe buýt. Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng cần phải có quy hoạch mạng lưới xe buýt và xác định nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân theo từng giai đoạn 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2025 để có định hướng về phát triển số lượng xe cho phù hợp. Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, đồng tình với quan điểm này. “Hiện nay hơn 3.200 xe buýt đã phủ khắp hơn 200 tuyến đường, ra đường là gặp xe buýt nhưng chỉ có khoảng 6% dân số sử dụng xe buýt là chưa hiệu quả!” - ông Phượng nói. Xe buýt lớn như “lô cốt” di động Nhiều ý kiến cho rằng kế hoạch đầu tư tập trung vào xe lớn những năm qua đã thất bại. “Đường thì hẹp, “lô cốt” thì nhiều, lại được góp sức của những chiếc xe buýt loại lớn như những “lô cốt” di động càng làm cho ùn tắc gia tăng, tốc độ di chuyển của xe buýt càng chậm. Như vậy, thời gian tới tiếp tục tập trung vào phát triển xe lớn thì có hợp lý?” - tiến sĩ Phạm Xuân Mai đặtvấn đề. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường đại học Giao thông Vận tải tại TP.HCM, sau nhiều năm nữa diện tích mặt đường dành cho giao thông vẫn không thể nâng lên. Nhiều tuyến đường không thể mở rộng nên rất khó đưa các loại xe buýt lớn vào chạy. Trong khi đó, thời gian qua đã chứng minh các loại xe nhỏ hoạt động hiệu quả vì phù hợp với điều kiện mặt đường của TP. “Ta nên tiếp tục duy trì hoạt động của loại xe chở khách 12 chỗ ngồi thay vì cứ máy móc đòi xe buýt phải từ 17 chỗ trở lên” - bà Hằng nói. Ông Trần Quang Phượng cho biết Sở GTVT sẽ có ý kiến với cấp trên về vấn đề bà Hằng nêu ra. Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, nói các ý kiến đóng góp trên của các nhà khoa học, nhà quản lý cần được sớm tập hợp để đưa vào hoàn chỉnh bản quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng. Bản quy hoạch này sẽ được trình Thường trực UBND TP và Thường trực Thành ủy thông qua làm cơ sở để thực hiện đến năm 2025.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/xa-hoi/view.aspx?news_id=270577