TP HCM: Chiếm công viên, vỉa hè thành nơi kinh doanh, để xe

Dọc tuyến đường Phạm Huy Thông (quận Gò Vấp, TP HCM) từ điểm đầu là đường Phan Văn Trị đến điểm cuối là Dương Quảng Hàm đang được nhiều hộ dân biến vỉa hè, công viên thành nơi kinh doanh, chỗ để xe…

Biến công viên thành nơi buôn bán

Con đường Phạm Huy Thông dài chưa đầy 1km, dải phân cách lớn, một bên thuộc UBND phường 6 quản lý, một bên do phường 7 quản lý.

Đoạn đầu đường Phan Văn Trị được quy hoạch thành công viên chỉnh trang với cây xanh, thảm cỏ, lắp đặt dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời... là nơi sinh hoạt chung cho người dân.

Công viên đang bị các hộ dân biến thành nơi kinh doanh

Trước cửa nhà văn hóa khu phố cũng bị biến thành nơi buôn bán.

Thế nhưng, không ít hộ dân sống quanh khu vực này đã "nhảy" ra chiếm dụng công viên thành nơi kinh doanh cà phê, hàng ăn, quán cơm di động. Dù vị trí này có đặt nhà văn hóa khu phố 10 phường 7.

Hàng quán quây kín công viên

Dải phân cách lớn đoạn đầu đường Phan Văn Trị cũng được quy hoạch thành một phần công viên. Nơi đây cũng bị một số hộ dân biến thành điểm kinh doanh. Hàng ngày, từ 18 - 22h, bàn ghế được bày la liệt, chiếm hầu hết công viên để khách ngồi ăn uống và có hộ kinh doanh xe trượt, xe đụng trẻ em, cầu tuột hơi.

Xe cộ của khách đậu kín trên vỉa hè, nhiều khi đỗ cả dưới lòng đường, khiến việc đi dạo, luyện tập thể thao của người dân bị ảnh hưởng.

Xe máy tràn xuống lòng đường

Dù ngày hay đêm thì công viên cũng là điểm kinh doanh.

Lòng, lề đường thành bãi đậu xe

Phần vỉa hè 2 bên đường nơi dành cho người đi bộ lại đang được các hộ gia đình có mặt tiền tận dụng làm nơi kinh doanh, xe của khách tràn luôn xuống lòng đường cả ngày hay đêm gây cản trở giao thông.

Theo bà Lê Minh - một hộ dân sinh sống tại đây: Con đường Phạm Huy Thông mới được làm lại, ở giữa có công viên dành cho người đi bộ, nhưng những người kinh doanh đã biến lòng đường là nơi để xe máy, vỉa hè để làm ăn một thời gian dài rồi.

"Hầu như nhà nào cũng lấn chiếm như vậy dẫn đến việc lưu thông của người dân khó khăn, thậm chí đã từng xảy ra nhiều vụ va quệt. Thỉnh thoảng công an có đi thì người ta gom lại, khi công an đi thì đâu lại vào đó", bà Minh nói.

Người đi bộ chỉ có thể đi dưới lòng đường

Ngày cũng như đêm, lòng đường là nơi để xe

Ông Tấn Long - sống tại phường 7 cho biết: Hàng ngày cũng có xe của quản lý trật tự đô thị đi qua, nhưng không thấy nhắc nhở, mà có nhắc thì chỉ được một lúc sau khi khuất bóng là xe cộ lại được để tràn ra đường.

"Chưa kể một khúc công viên đầu Phan Văn Trị đến Lê Đức Thọ buổi tối đang bị một số hộ dân biến thành nơi kinh doanh như bán hàng ăn, trò chơi như câu cá, cầu trượt hơi, xe trượt… xe của khách để tràn xuống lòng đường", ông Long nói.

Lòng đường làm nơi kinh doanh

Liên quan đến vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lề đường làm nơi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, chỗ đậu xe gây mất trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường Phạm Huy Thông, quận Gò Vấp, Luật sư Nguyễn Văn Lập – Đoàn Luật sư TP HCM chia sẻ:

"Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008: Lòng lề đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Việc sử dụng lòng lề đường và hè phố làm nơi buôn bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, chỗ để xe là vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho người đi đường, mất trật tự, an toàn giao thông.

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phế để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ, làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức. Riêng đối với hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi giữ xe có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 4.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức tùy vào diện tích lòng đường đô thị hoặc hè phố bị chiếm dụng.

Cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên ngoài bị xử phạt tiền, còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải thu dọn hàng hóa, phương tiện, vật tư, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Đối với hành vi chiếm dụng nơi công cộng vào mục đích kinh doanh, buôn bán gây mất trật tự xã hội thì người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng; hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính".

Hà Nam

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tin-247/tp-hcm-chiem-cong-vien-via-he-thanh-noi-kinh-doanh-de-xe-168041.html