TP.HCM có 174 ổ dịch sốt xuất huyết mới, thêm một ca tử vong

Số bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong tích lũy đến tuần 25 tại TP.HCM là 10 trường hợp, trong đó, ca mới đây là trẻ nhỏ ở quận Bình Tân.

Từ tháng 4 đến nay, số ca bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn TP.HCM tiếp tục trên đà tăng nhanh, bao gồm ca mắc mới, bệnh nặng và tử vong. Mặc dù kế hoạch tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đã được ngành y tế phát động liên tục, tuy nhiên, tình hình chưa có dấu hiệu khả quan.

174 ổ dịch sốt xuất huyết phát sinh trong tuần

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 25, thành phố ghi nhận thêm 2.548 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 31,6% so với trung bình 4 tuần trước.

Trong đó, số ca bệnh nội trú là 1.467 ca nội trú và 1.081 ca ngoại trú. Tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay là 18.976, tăng 151,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm ngoái là 7.542 ca).

Trên toàn thành phố, có 21/22 quận, huyện ghi nhận số ca bệnh trong tuần tăng so với số ca trung bình 4 tuần trước (trừ quận 12), cao nhất là quận 3, quận 8, quận 11.

Những phường, xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Cô Giang (quận 1), phường 11 (quận 3), phường 15 (quận 8), phường An Phú Tây (huyện Bình Chánh), phường 11 và phường 22 (quận Bình Thạnh), phường 1 (quận Gò Vấp).

Cũng trong tuần 25, toàn thành phố ghi nhận 174 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 89 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện, TP Thủ Đức, tăng 38 ổ dịch mới so với tuần trước đó.

Trong tuần vừa qua, thành phố tiếp tục ghi nhận một trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong quận Bình Tân (là trẻ em). Như vậy, tính đến nay, thành phố có tổng cộng 10 ca tử vong, ghi nhận tại Bình Chánh (2), Củ Chi (3), Bình Tân (2), quận 11 (1), Hóc Môn (1), TP Thủ Đức (1).

Bộ Y tế làm việc với TP.HCM về tình hình sốt xuất huyết

Sáng 27/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác sẽ đến một số quận, huyện và bệnh viện đầu ngành tại TP.HCM để kiểm tra tình hình phòng, chống dịch và điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.

Đây là lần đầu tiên trong năm nay Bộ Y tế cử đoàn công tác làm việc với ngành y tế TP.HCM về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm. Theo nhận định của Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết Dengue tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp với số ca nhập viện lẫn tử vong đều tăng nhanh.

 Người bệnh sốt xuất huyết nằm kín giường tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Người bệnh sốt xuất huyết nằm kín giường tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Chia sẻ với Zing, PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định dịch sốt xuất huyết trong năm nay tăng mạnh phù hợp với chu kỳ 3-4 năm bùng phát dịch mạnh.

Bên cạnh đó, mùa mưa năm nay đến sớm hơn nên tạo điều kiện muỗi vằn phát triển nhiều hơn. Không chỉ số ca bệnh tăng cao, trường hợp diễn biến nặng, tử vong cũng tăng tương ứng. Chuyên gia này nhận định đỉnh cao của dịch có thể rơi vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 7.

Trong tuần này, ngành y tế TP.HCM đề nghị trạm y tế phường, xã tiến hành điều tra dịch tễ các ca bệnh sốt xuất huyết khi nhận được thông báo và xử lý theo quy định.

Các ca bệnh được phát hiện tại mỗi khu phố, ấp được thống kê và cập nhật trên hệ thống ứng dụng thông tin địa lý trong quản lý bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM (GIS), nhằm đánh giá đầy đủ nguy cơ hình thành các ổ dịch và kiểm soát dịch tốt.

Trong văn bản mới đây, UBND TP.HCM đánh giá việc gia tăng số ca nặng và tử vong do sốt xuất huyết đang dần tạo ra gánh nặng lớn cho công tác điều trị, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân thành phố.

Để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lãnh đạo thành phố đề nghị các địa phương tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi vằn, không cho muỗi mang mầm virus Dengue truyền bệnh sốt xuất huyết cho người.

Các hoạt động trong kế hoạch của TP.HCM sẽ được tổ chức trong tháng 7 và tuần cuối tháng 9, có thể kéo dài hơn tùy theo tình hình dịch bệnh, cụ thể:

- Hộ gia đình (nhà dân, nhà trọ, nơi kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi... trong phạm vi hộ gia đình): Tự thực hiện tổng vệ sinh ít nhất 1 lần/tuần.

- Các địa điểm có người quản lý (cơ quan, xí nghiệp, trường học, cơ sở tôn giáo, bệnh viện, bến xe, nghĩa trang, nhà hàng, khách sạn, công trình xây dựng...): Người quản lý chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tổng vệ sinh ít nhất 01 lần/tuần, phù hợp với lịch làm việc, hoạt động của đơn vị.

- Các địa điểm không có người quản lý trực tiếp (các khu vực tập trung rác thải tự phát, các khu quy hoạch nhưng chưa triển khai thực hiện, bãi đất trống vắng chủ...): UBND phường, xã, thị trấn thực hiện ra quân tổng vệ sinh ít nhất 1 lần/tuần vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-co-174-o-dich-sot-xuat-huyet-moi-them-mot-ca-tu-vong-post1330126.html