TP.HCM đang 'mặc áo' chật quá, cần nới ra mới có thể phát triển

Chiều 30.5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Về dự thảo Nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, hầu hết các ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội đều ủng hộ cao và mong muốn Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp thứ 5 này để tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới.

ĐB Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội chia sẻ, TP.HCM vốn năng động, có tốc độ phát triển khá tốt nhưng tăng trưởng vừa qua ở cuối bảng trong các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này không phải hoàn toàn do năng lực của thành phố, mà có nguyên nhân do TP.HCM bị bó buộc bởi cơ chế, chính sách. Do đó, việc phải có một cơ chế cởi mở để "cởi trói" cho TP.HCM là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp-Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp-Ảnh: QH

Theo ĐB, TP.HCM là một địa phương rất đặc biệt, cán bộ, người dân, doanh nghiệp vốn được đánh giá là luôn năng động, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong đổi mới. Bên cạnh đó, hiện nay đã có Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đang tạo động lực dám nghĩ, dám làm cho hệ thống chính trị. Có thể thấy, chính dám nghĩ, dám làm sẽ tạo động lực để đổi mới, tạo sự nhảy vọt về phát triển cho các địa phương. Do vậy, rất cần có một nơi thực sự năng động, thực sự có năng lực để triển khai chủ trương này của Đảng. Đồng thời cần một khuôn khổ pháp lý để thành phố phát huy tối đa được tinh thần dám nghĩ, dám làm này.

Bên cạnh đó, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) lưu ý về vấn đề tổ chức bộ máy của TP.HCM, bởi ĐB cho rằng, 3 nhóm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai, cho dù trao cho TP quyền tích cực hơn nhưng nếu bộ máy không đủ năng lực pháp lý, nhân sự không tương xứng thì ba nhóm kia không có ý nghĩa. ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, cần trao năng lực pháp lý để TP.HCM tự tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện của TP trên cơ sở luật tổ chức chính quyền địa phương quy định.

Mặt khác, ĐB Lê Thanh Vân cũng đề xuất trao cho TP.HCM quyền phân cấp cán bộ mạnh hơn. Đơn cử, Trung ương quản lý tới cấp trưởng, cấp phó ở cấp trụ cột, còn cấp dưới như cấp thường vụ nên cho TP.HCM tự quyết định và chịu trách nhiệm. TPHCM cũng cần được quyền ban hành các cơ chế nổi trội, thậm chí khác với quy định hiện hành để thu hút nhân tài. Trao cho TP quyền tự chủ, thu hút nhân tài thì có thể thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

ĐB Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng hoàn toàn đồng tình với dự thảo nghị quyết, bởi vị trí, vai trò đặc biệt của TPHCM, Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết về phát triển TP.HCM. “TP.HCM là đô thị đặc biệt, là nơi luôn thể hiện tính năng động, sáng tạo, do đó xứng đáng là nơi để chúng ta có thể thí điểm các chính sách mang tính đột phá, để từ đó có thể đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra cả nước” - ĐB Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, TP gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Với yêu cầu, mục tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra thì cần có cơ chế, chính sách vượt trội để TP.HCM có thêm điều kiện phát triển trong thời gian tới. Về lâu dài, để tạo điều kiện cho TP phát triển thì Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu ban hành Luật dành cho đô thị loại đặc biệt, trong đó quy định một số cơ chế, đặc biệt là liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, phương thức vận hành để với cơ chế đó, TP có thể chủ động cao nhất. Từ nguồn lực, đặc điểm sẵn có, các đô thị đặc biệt có thể tạo ra bước chuyển mới hơn, thực hiện các nhiệm vụ khác gắn với vị trí vai trò của thành phố đối với đất nước.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng nhấn mạnh đến vai trò đóng góp của TP.HCM đối với tăng trưởng cả nước, với ngân sách trung ương và nhấn mạnh, cơ chế cho TP.HCM phải “đột phá và vượt trội", phải khác với bình quân, dĩ nhiên, vẫn bảo đảm tính hợp lý, vừa đủ và đáp ứng yêu cầu của trung ương. ĐB cũng đồng tình, phải tiến tới luật hóa đô thị đặc biệt để trên cơ sở đó có hành lang pháp lý trung hạn và dài hạn, thay vì làm nghị quyết đặc thù chỉ có giá trị trong vài năm.

ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại phiên họp-Ảnh: T.U

ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, dự thảo Nghị quyết với hệ thống cơ chế chính sách sẽ tháo gỡ vướng mắc, phát huy tiềm năng sẵn có của TP.HCM, từ đó TP phát triển đúng với vị trí, vai trò của mình, đóng góp cho cả nước. Không riêng cho TP.HCM, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết cũng là việc chung của cả nước trong bối hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Nếu tổ chức thực hiện các nhóm cơ chế, chính sách thành công sẽ mang lại bài học kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật và một số nội dung về sau sẽ được luật hóa. Các cơ chế, chính sách sẽ tập trung khơi thông nguồn lực, huy động nguồn lực đầu tư xã hội qua các phương thức PPP, BOT, BT hay các cơ chế giúp TP.HCM huy động nguồn lực. Nếu làm tốt, trong 5 năm nữa, TP.HCM sẽ huy động hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đầu tư phát triển.

Đại diện cơ quan soạn thảo, trình dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định TP.HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế, mà còn là trung tâm tài chính quốc tế. Muốn hiện thực hóa mục tiêu này, không thể không tạo cơ chế vượt trội, đủ mạnh và mang tính chất đột phá cho TP phát triển, cạnh tranh được với quốc tế. Hiện nay nhu cầu về nguồn lực của TP.HCM rất lớn, nhưng TP.HCM đang mặc áo chật quá, cần nới ra mới có thể phát triển. Đây là cơ chế thí điểm có thời hạn, tập trung vào 3 trụ cột: tạo nguồn lực cho TP.HCM; phân cấp, phân quyền, tạo chủ động cho TP.HCM và thực hiện một số thủ tục rút gọn.

Trước đó, trong phiên làm việc ngày 26.5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét 7 nhóm cơ chế, chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54; 4 nhóm cơ chế, chính sách đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; 6 cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến và 27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, được xác định có tác động lan tỏa.

Theo lịch trình làm việc của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào ngày 8.6.2023.

Tú Viên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-dang-mac-ao-chat-qua-can-noi-ra-moi-co-the-phat-trien-198545.html