TP.HCM đang tiếp nhận điều trị cho 321 trường hợp mắc COVID-19

Tính đến ngày 3/6, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đang tiếp nhận điều trị cho 321 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 3 trường hợp rất nặng, 21/22 quận, huyện, thành phố ở TP.HCM đã có ca nhiễm.

Các y bác sỹ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh và Quận 7 thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Các y bác sỹ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh và Quận 7 thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 3/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) thông báo, tính từ 7 giờ đến 17 giờ ngày 3/6, trên địa bàn Thành phố ghi nhận thêm 11 ca dương tính mới.

Như vậy, trong ngày 3/6, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 30 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tính đến ngày 3/6, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố đang tiếp nhận điều trị cho 321 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 3 trường hợp rất nặng.

Trong 30 trường hợp mắc mới có 28 trường hợp liên quan đến ổ dịch nhóm truyền giáo Phục Hưng, các ca bệnh này phân bố ở 11 quận/huyện.

Bên cạnh đó, hai trường hợp đang điều tra, xác minh nguồn lây: một trường hợp cư trú tại quận Bình Tân làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn và một trường hợp cư trú tại Thành phố Thủ Đức đi khám bệnh tại Bệnh viện Đức Khang.

Đáng chú ý, trong ngày 3/6, Quận 11 xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên. Như vậy, 21/22 quận, huyện, thành phố ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có ca mắc COVID-19 (chỉ còn huyện Cần Giờ chưa có trường hợp mắc bệnh nào).

Tăng cường tầm soát dịch COVID-19 trong công nhân lao động

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID 19, Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch cho gần 280.000 công nhân và hơn 2.200 chuyên gia người nước ngoài đang làm việc trong 1.500 doanh nghiệp ở 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và 45.000 công nhân ở khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch COVID -19 cho toàn bộ lao động là hết sức cần thiết.

Việc này không chỉ giúp tăng tính chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; giúp thành phố bao vây, tầm soát diện rộng, phát hiện nhanh dịch COVID-19 để kịp thời khoanh vùng chống dịch mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, tránh tình trạng đứt gãy trong sản xuất kinh doanh, nhất là tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao thành phố.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, hiện lực lượng y bác sỹ, nhân viên y tế các bệnh viện và Trung tâm Phòng, chống bệnh tật thành phố phải cùng lúc thực hiện đồng loạt nhiều nơi, nhiều điểm khác nhau trên địa bàn thành phố.

Do vậy, việc lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao thành phố sẽ được thực hiện theo thứ tự.

Trong đó, việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ được tiến hành nhanh, gộp 5 người/mẫu và ưu tiên cho các doanh nghiệp có đông công nhân, công nhân làm việc trong môi trường kín, những trường hợp thường xuyên làm việc với nhiều bộ phận, được đánh giá có nguy cơ cao…

Theo Ban Quản ký các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao thành phố, liên tục trong nhiều ngày qua, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), thành phố Thủ Đức, Quận 7 cùng các bệnh viện (Bệnh viện Nhi Đồng 1, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Bình Dân, Tai mũi họng, Nhân dân Gia Định, Y học dân tộc, Phục hồi chức năng, Da liễu, Chấn thương chỉnh hình, Viện Tim, Viện Răng hàm mặt Trung ương...) đã tập trung thực hiện đồng loạt, cùng lúc lấy mẫu xét nghiệm nhanh dịch COVID-19 trên diện rộng.

Các lực lượng chức năng phong tỏa giám sát khu vực cách ly tại hẻm 611 đường Điện Biên Phủ, phường 1, Quận 3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc gần phần lớn công nhân trong khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghệ cao và một phần trong khu công nghiệp Tân Bình, khu công nghiệp Tân Tạo, khu công nghiệp Lê Minh Xuân, khu công nghiệp Tây bắc Củ Chi, công nhân đang sinh sống tại Khu lưu trú công nhân Linh Trung 2 (thành phố Thủ Ðức) và Khu lưu trú công nhân khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7) với gần 95.000 công nhân lao động.

Ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp có đông công nhân như Công ty Trách nhiệm hữu hạn FAPV Việt Nam với hơn 7.500 lao động, Công ty trách nhiệm hữu hạn Furukawa Automotive Parts Việt Nam có hơn 7.000 công nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim may Organ Việt Nam có hơn 1.600 công nhân... việc lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện ngay tại đơn vị.

Nhiều đơn vị khác được thực hiện lấy mẫu tại các văn phòng, nhà văn hóa công nhân lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố. Hầu hết, công nhân, người lao động đồng tình hưởng ứng, thậm chí chủ động ở lại chờ dù đã hết giờ làm việc...

Nhiều công nhân chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cả trong đêm. Anh Đặng Văn Tuấn (Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim may Oragan Việt Nam), chị Nguyễn Thị Triều (Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Tosok Việt Nam) cho biết, dịch bệnh khiến nhiều công nhân thật sự lo lắng.

Họ tin tưởng việc lấy mẫu xét nghiệm là cách tầm soát dịch bệnh trong cả khu vực, doanh nghiệp, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, giúp người lao động yên tâm hơn khi làm việc.

Tương tự, dù được thông báo gấp tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sau giờ tăng ca, anh Nguyễn Tấn Thanh (Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim may Oragan Việt Nam) cũng vui vẻ chờ đợi và thể hiện trách nhiệm xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu tầm soát, kiểm tra, sàng lọc dịch bệnh trong doanh nghiệp cũng như trong khu chế xuất Tân Thuận.

Anh Thanh cho biết việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc dịch COVID-19 còn để biết mình có hay không nhiễm dịch bệnh. Điều đó giúp anh an tâm trong lao động và ổn định cuộc sống gia đình.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao thành phố đã thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh.

Các doanh nghiệp đã phối hợp cùng tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương xây dựng kịch bản ứng phó phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp phòng tránh, đồng thời khuyến khích động viên công nhân giữ gìn sức khỏe, tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Giám đốc sản xuất Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nidec Tosok Việt Nam cho rằng, để tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, Công ty sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp thiết thực và chặt chẽ hơn.

Trong đó, Công ty bố trí sắp xếp lại công nhân để có chỗ đứng giãn cách xa nhau hơn trên những dây chuyền sản xuất, trong giờ ăn, làm việc và giờ nghỉ...

“Tất cả cần phải thay đổi để phù hợp trước tình hình mới, để đáp ứng đúng tiêu chí 5K, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế. Những đợt kiểm tra, xét nghiệm như thế này là rất cần thiết để sàng lọc, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt được hiệu quả cao hơn,” ông Nguyễn Thanh Tú chia sẻ.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương rà soát toàn bộ công tác phòng, chống dịch tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thành phố.

Đồng thời, Thành phố tổ chức xét nghiệm trên diện rộng để tầm soát dịch bệnh, kịp thời khoanh vùng, ngăn dịch lây lan, bảo vệ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tphcm-dang-tiep-nhan-dieu-tri-cho-321-truong-hop-mac-covid19/717535.vnp