TP.HCM: Đề xuất làm dự án chống sạt lở bờ kè, bờ sông

Để tránh sạt lở bờ sông, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trương đầu tư dự án thực hiện phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố.

Theo đề xuất nói trên, chủ đầu tư thực hiện dự án là Trung tâm Quản lý Đường thủy 5. Địa điểm thực hiện dự án tại vị trí 1 ở bờ trái Rạch Giồng – sông Kinh Lộ (từ km3+503 đến ngã ba với rạch Mương Bằng) thuộc ấp 4 xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Vị trí 2 ở bờ phải sông Đồng Nai (khu vực Trạm cảnh sát đường thủy Cát Lái) thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức, TP.HCM.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 150 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố. Thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2025, trong đó năm 2023 sẽ lập, thẩm định, trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư công dự án; khảo sát, lập, trình duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi. Năm 2024 thực hiện giải phóng mặt bằng; khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt. Năm 2025 hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng công trình kè kiên cố để kịp thời khắc phục tình trạng sạt lở, bảo vệ tính mạng, tải sản của người dân, trụ sở làm việc của Trạm cảnh sát đường thủy Cát Lái. Góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy kết hợp chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường, cảnh quan khu vực, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Một đoạn kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Minh Tuấn.

Một đoạn kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Minh Tuấn.

Theo Sở GTVT, qua khảo sát hiện trạng khu vực sạt lở số 1, có khoảng 22 hộ dân sinh sống ven bờ sông, với chiều dài khoảng 400m, đường bờ mái dốc lớn, xói vào bờ, hở hàm ếch. Người dân đã gia cố tạm bằng cừ dừa, hiện nay cừ dừa đã bị gãy, nghiêng ra phía sông, có nguy cơ sạt trượt cao, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Bên cạnh đó, khu vực lòng sông sâu, có trình đáy sông sâu khoảng -8m đến -12m, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở bờ sông.

Tương tự, qua khảo sát tại vị trí số 2 cho thấy, trên bờ là trụ sở làm việc của các cán bộ chiến sĩ công an Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái - Công an thành phố Thủ Đức với chiều dài khu đất khoảng 145m. Do tác động của sóng tàu, dòng chảy, khiến bờ sông bị xói lở, hàm ếch, xuất hiện nhiều vết nứt, đã được gia cố tạm bằng cừ dừa, hiện nay cừ dừa đã bị gãy và nghiêng ra phía bờ sông, có nguy cơ sạt trượt cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ công an.

Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khi hậu, ảnh hưởng của triều cường dâng cao kết hợp mưa lớn, tác động của sóng tàu khiến diễn biến sạt lở bờ sông ngày càng gia tăng và diễn ra mạnh mẽ. Do đó, việc xây dựng công trình kè chống sạt lở, bảo vệ bờ sông tại 2 vị trí nêu trên là cần thiết, để đảm bảo an toàn về người, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-de-xuat-lam-du-an-chong-sat-lo-bo-ke-bo-song-159699.html