TP.HCM định hướng là trung tâm kinh tế - tài chính châu Á vào năm 2045

TP.HCM được định hướng đến năm 2030 là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu kinh tế số, xã hội số; đến năm 2045 trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á.

Ngày 2/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại đây, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM với mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Địa phương được định hướng đến năm 2045 trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

 TP.HCM được định hướng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á từ nay đến năm 2045. Ảnh: Quỳnh Danh.

TP.HCM được định hướng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á từ nay đến năm 2045. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đánh giá kết quả sau 10 năm TP.HCM thực hiện Nghị quyết 16, Bộ Chính trị cho biết địa phương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo đó, quy mô kinh tế của thành phố năm 2020 tăng gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010; kinh tế tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ; đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; thu ngân sách Nhà nước hàng năm trên địa bàn vượt kế hoạch.

Các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên...

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Chính trị chỉ ra những hạn chế, yếu kém của TP.HCM như: chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với giai đoạn trước; năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp; môi trường đầu tư chậm cải thiện; liên kết vùng chưa đạt kết quả thực chất.

Ngoài ra, vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước giảm sút, chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người không đạt. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có mặt hạn chế, yếu kém...

Sau khi ban hành Nghị quyết mới, Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và người dân TP.HCM tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết.

Đồng thời, tiếp tục quán triệt, thống nhất, nâng cao nhận thức, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

Địa phương cần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế; tăng cường liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm hạ tầng đi trước một bước.

Chất lượng công tác quy hoạch cũng cần được nâng cao, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thành phố hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-dinh-huong-la-trung-tam-kinh-te-tai-chinh-chau-a-vao-nam-2045-post1381158.html