TP.HCM giao các ngành nghiên cứu mở dần các hoạt động còn lại

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 128, giao nhiệm vụ cho từng ngành và sẽ nghiên cứu mở dần dần các hoạt động còn lại.

Trao đổi với Zing bên lề Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức chiều 1/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ.

"Tinh thần của TP.HCM là từng bước đi tới bình thường mới, chuyển biến dần dần nên sẽ căn cứ theo tình hình...", ông Mãi nói.

Có thể cho phép các địa phương khác thí điểm bán đồ có cồn trước 15/11

Người đứng đầu UBND TP.HCM cho biết chiều 1/11, Phó chủ tịch Dương Anh Đức đã chủ trì cuộc họp thảo luận kế hoạch mở lại một số hoạt động căn cứ trên đề xuất của Sở Y tế hôm 28/10. Quan điểm của thành phố là "mở dần dần" nhưng chưa thể nói trước thời gian mà phải tùy theo tình hình.

Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM các điều kiện để mở lại 4 hoạt động theo Nghị quyết 128, gồm:

- Hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời.

- Vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm đẹp và các cơ sở khác do địa phương quyết định.

- Cơ sở làm tóc (bao gồm cắt tóc).

- Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo...

Chủ tịch TP.HCM làm rõ thành phố hiện "chưa thực sự chuyển hoàn toàn sang sống chung với dịch Covid-19". Ông nhấn mạnh cần tư duy rằng các vùng nguy cơ luôn thay đổi và có thể phải liên tục tăng/giảm cấp độ dịch. Việc mở cửa từng bước nhằm cố gắng đảm bảo sự chắc chắn, hạn chế tình trạng nghiêm ngặt, cực đoan như trước đây.

"Tới lúc tình hình dịch bệnh xấu quá thì phải hành động phù hợp, lúc đó làm gì thì thực tiễn sẽ dạy", ông nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Chí Hùng.

Zing đặt vấn đề về việc nếu thí điểm sử dụng đồ uống có cồn tại quận 7, TP Thủ Đức cho kết quả tốt thì các địa phương khác có được triển khai sớm hơn 15/11 như kế hoạch.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong tuần đầu, thành phố sẽ đánh giá sơ bộ và "có thể sẽ mở".

"Nếu từng bước thì các quận, huyện khác cũng sẽ có những địa bàn thí điểm", ông cho hay.

Vị chủ tịch nhận định thực tế nhiều địa bàn cũng còn ngần ngại với việc mở lại nhóm hoạt động này. Sức tiêu dùng không như xưa và người dân có dấu hiệu chi tiêu dè dặt hơn.

Không thể chủ quan

Chia sẻ tại hội nghị về định hướng thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia, nhà khoa học vẫn chưa thể dự báo khi nào dịch bệnh kết thúc, tình hình còn diễn biến phức tạp, chủng Delta tiếp tục biến đổi khó lường.

Thành phố đang từng bước thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tinh thần là thực hiện từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn chứ không phải làm bằng "bất cứ giá nào".

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Thu Hằng.

"Dù trong điều kiện đã từng chịu khó khăn, thắt lưng buộc bụng, đồng cam cộng khổ thì rất cần ngày hoạt động bình thường. Nhưng tình hình này không thể chủ quan vì nguy cơ tiềm ẩn còn ở phía trước", ông nói.

Bí thư cho biết theo Nghị quyết 128, TP.HCM hiện ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình, tuy nhiên có thể thay đổi liên tục nếu thành phố không kiểm soát tốt. Nếu người dân chủ quan, không thực hiện khuyến cáo 5K mà cứ hành động, không thay đổi thói quen so với bình thường thì rất khó khăn.

Ông đề nghị người dân bình tĩnh, tăng cường các hoạt động kiểm soát. Nếu người dân có ý thức cảnh giác cao thì thành phố có thể hành động đúng chiến lược đề ra. Ngược lại, nếu làm không tốt thì "không lường trước được" điều gì xảy ra.

Quận, huyện, TP quyết định hoạt động tạm ngưng theo cấp độ dịch

Theo Kế hoạch triển khai Nghị quyết 128 của UBND TP.HCM, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện đánh giá cấp độ dịch theo địa bàn phường, xã, thị trấn, gửi về Sở Y tế trước 12h thứ sáu hàng tuần.

Sở Y tế rà soát, kiểm tra kết quả tự đánh giá cấp độ dịch của địa phương, đồng thời đánh giá cấp độ dịch của TP và gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 để công bố cấp độ dịch vào sáng thứ hai hàng tuần trên Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM.

Trường hợp nâng cấp độ dịch và điều chỉnh các biện pháp áp dụng tương ứng, Ban Chỉ đạo thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

Các biện pháp chuyên môn y tế sẽ triển khai gồm: Củng cố năng lực ứng phó với dịch Covid-19; triển khai xét nghiệm giám sát dịch có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức cách ly y tế an toàn, thuận lợi; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 hướng đến bao phủ cho người dân; đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch trong các hoạt động thương mại, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa và thể thao theo các Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống Covid-19 của lĩnh vực tương ứng.

TP.HCM sẽ từng bước mở dần các hoạt động theo tinh thần chắc chắn, đảm bảo an toàn. Ảnh: Phương Lâm.

Thành phố yêu cầu không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Các địa phương tuân thủ nghiêm các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch quy định tại Mục VI Nghị quyết 128 của Chính phủ, Chỉ thị số 18 của UBND TP.HCM, các Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên các lĩnh vực và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM.

Đối với các hoạt động thuộc nhóm có thể lựa chọn giữa “Ngừng hoạt động/Hoạt động hạn chế” và “Hoạt động/Hoạt động có điều kiện” theo Nghị quyết 128, tùy thuộc vào cấp độ dịch của từng địa phương, Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chịu trách nhiệm quyết định và báo cáo về Ban Chỉ đạo.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-giao-cac-nganh-nghien-cuu-mo-dan-cac-hoat-dong-con-lai-post1274518.html