TP.HCM: Hơn 350 đơn vị tham gia Triển lãm Quốc tế về chăn nuôi

Hơn 350 đơn vị triển lãm với rất nhiều khu trưng bày sản phẩm đặc sắc, dự kiến thu hút hơn 11.000 khách tham quan đến từ hơn 30 quốc gia vùng lãnh thổ, tham gia Vietstock 2023, tổ chức tại TP.HCM.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ngày 11/10, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt tại Việt Nam năm 2023 (Vietstock 2023) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là triển lãm đầu ngành mang đến bức tranh toàn cảnh trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam, do Tập đoàn Informa Markets phối hợp cùng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức từ năm 2004 đến nay.

Đại diện Ban tổ chức thông tin, Vietstock 2023 là một phiên bản đặc biệt, đánh dấu cột mốc trở thành triển lãm chuyên ngành chăn nuôi thường niên tại Việt Nam.

Sự kiện quy tụ sự tham gia của hơn 350 đơn vị triển lãm với rất nhiều khu trưng bày sản phẩm đặc sắc như khu gian hàng Trứng (Eggcellent Theater); khu gian hàng phát triển bền vững; khu vực giới thiệu công nghệ và sản phẩm… dự kiến thu hút hơn 11.000 khách tham quan đến từ hơn 30 quốc gia vùng lãnh thổ.

Bên cạnh hoạt động trưng bày, kết nối doanh nghiệp trực tiếp, Vietstock 2023 còn giúp đơn vị triển lãm và khách tham quan kết nối nhanh chóng chỉ với một vài thao tác trên ứng dụng Leadex. Chương trình kết nối trực tuyến cho phép doanh nghiệp cập nhật trực hồ sơ năng lực, sản phẩm tiêu biểu biểu, thông tin liên hệ nhằm tiếp cận khách hàng tham quan online.

Trong thời gian diễn ra triển lãm từ (11-13/10), nhiều hội nghị, hội thảo chuyên ngành cũng được tổ chức, tạo không gian để các chuyên gia đầu ngành và doanh nghiệp phổ biến những giải pháp sáng tạo, kinh nghiệm và kỹ thuật mới nhất cho ngành chăn nuôi.

Trước thềm triển lãm, Vietstock cũng đã tổ chức chuỗi 5 hội thảo về các chủ đề đang được ngành chăn nuôi trong nước và thế giới quan tâm tại các tỉnh thành chăn nuôi trọng điểm của Việt Nam và Campuchia.

Phát biểu tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết nhiều năm qua, chăn nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Trong 10 năm qua, tăng trưởng ngành chăn nuôi duy trì ở mức 5-7%/năm, sản lượng thịt các loại tăng 1,8 lần, trứng tăng 2,9 lần; sữa tươi tăng 3,7 lần.

Riêng năm 2022 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 23,7 tỷ USD chiếm gần 27% giá trị sản xuất nông nghiệp và 5,8% tổng GDP quốc gia. Đặc biệt, chăn nuôi đã tạo sinh sinh kế cho hơn 10 triệu lao động tại nông thôn, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm cho 100 triệu dân cùng hàng triệu khách du lịch và bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu.

Trong 9 tháng của năm nay, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đã đạt 369 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng nhanh và nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng, phát triển chăn nuôi hiệu quả, an toàn thực thẩm và bền vững để đáp ứng nhu cầu này là vấn đề được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, hỗ trợ.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Tuy nhiên, hiện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Thứ nhất, phụ thuộc vào nguyên liệu chăn nuôi nhập khẩu. Việt Nam nhập khẩu khoảng 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, tương đương 60% nhu cầu toàn ngành. Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu này là điểm yếu của ngành chăn nuôi khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang trải qua giai đoạn có nhiều biến động phức tạp và khó lường.

Thứ hai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thiên tai, lũ lụt và các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra liên tục trong những năm gần đây đang ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động sản xuất chăn nuôi. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã gây ra vấn đề “sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu rất ít” đối với ngành chăn nuôi.

“Sự hội nhập quốc tế trong kinh tế và công nghệ chăn nuôi là một yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành chăn nuôi. Vì vậy, việc tạo ra một môi trường thuận lợi để khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi là rất cần thiết. Để đạt được mục tiêu này, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và người nông dân.

Trong bối cảnh đó, Vietstock 2023 không chỉ đem lại cơ hội để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chăn nuôi, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và chuyên gia trong ngành có thể giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm,” ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ triển lãm Vietstock 2023, giải thưởng Vietstock Awards 2023 do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì cũng sẽ được trao cho các các doanh nghiệp và tổ chức có những hoạt động tiêu biểu và nổi trội trong ngành chăn nuôi Việt Nam vào tối 11/10./.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tphcm-hon-350-don-vi-tham-gia-trien-lam-quoc-te-ve-chan-nuoi/901544.vnp