TP.HCM: Hơn 4.400 thí sinh đăng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt

Ngày 26/5, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2023 với hơn 4.400 thí sinh đăng ký dự thi cả 2 đợt.

Theo thông tin từ Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm nay có hơn 4.400 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gấp đôi so với năm ngoái (năm 2022 là hơn 2.000 thí sinh).

Khoảng 6h sáng ngày 26/5 tại cổng trường, hàng trăm thí sinh đến từ TP.HCM và các tỉnh lân cận đã có mặt để chuẩn bị cho kỳ thi. Nhiều phụ huynh cũng có mặt để đưa đón và động viên cho các thí sinh. Rải rác ở các khu vực trong khuôn viên, rất nhiều sinh viên cũng có mặt để hướng dẫn thí sinh lên phòng thi.

Thí sinh được các tình nguyện viên hướng dẫn vào phòng thi.

Ở kỳ thi năm nay, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM sử dụng máy quét để kiểm tra an ninh cho thí sinh, để đảm bảo các em không mang theo điện thoại, thiết bị điện tử vào trong. Khi kiểm tra an ninh, máy quét phát hiện nhiều thí sinh có kim loại trên người. Nhân viên an ninh phải kiểm tra kỹ để xác định đó chỉ là bông tai, gọng kính kim loại, dày/dép có chứa kim loại... chứ không phải các vật dụng bị cấm.

Chị Nguyễn Thị Huyền (quê Tiền Giang) cho biết, chị và con gái xuất phát từ 3h30 để đến TP.HCM tham dự kỳ thi. Chi phí thuê xe là 800.000 đồng, khi thi xong thì cả hai sẽ quay đầu về lại Tiền Giang ngay trong ngày.

"Tôi khá hồi hộp khi con chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng. Thời điểm trước kỳ thi, gia đình có định hướng cho con thi vào ngành sư phạm Toán. Con cũng thích nên ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Hy vọng cháu làm bài tốt, đạt kết quả cao để vào ngành này", chị Huyền nói.

Kỳ thi năm nay có số thí sinh gấp đôi năm ngoái.

Em Phan Mai Phương (con gái chị Huyền) cho biết, ngoài nguyện vọng một vào ngành sư phạm Toán của Đại học Sư phạm TP.HCM, bản thân sẽ sử dụng các phương thức xét tuyển khác như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tăng cơ hội vào đại học.

Kỳ thi năm nay, thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt thông qua 6 bài thi Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh.

Trong đó, các bài thi Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học có thời gian làm bài 90 phút với 50 câu hỏi gồm 35 câu hỏi trắc nghiệm khách quan (có 4 lựa chọn, có 1 đáp án đúng duy nhất) và 15 câu hỏi ở dạng trả lời ngắn (thí sinh tính toán và điền kết quả vào phần trả lời trên hệ thống).

Riêng môn Ngữ văn, bài thi sẽ gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm khách quan có 4 lựa chọn (một đáp án đúng duy nhất) và một bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội (đề mở) với yêu cầu viết trong khoảng 600 từ. Thời gian làm bài là 90 phút, thí sinh làm bài trực tiếp trên hệ thống.

Thí sinh được quét an ninh trước khi vào phòng thi.

Phần thi trắc nghiệm khách quan môn Ngữ văn sẽ được máy tính chấm tự động. Phần viết luận sẽ được tổ chức theo 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo. Việc chấm thi phần viết luận được thực hiện bằng sự hỗ trợ của phần mềm để các giám khảo chấm thi trên máy tính. Kết quả bài thi sẽ được công bố trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự thi.

Trong khi đó bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Bài thi có 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Thời gian làm bài 180 phút.

Đối với các nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, trong đó phần nội dung kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỉ lệ 70-80%; còn lại là nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-hon-4400-thi-sinh-dang-ky-thi-danh-gia-nang-luc-chuyen-biet-156344.html