TP.HCM kêu gọi AIIB đầu tư vào dự án tàu điện 1 ray, xe điện mặt đất

TP.HCM kêu gọi Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) cân nhắc đầu tư vào dự án đường bộ trên cao, xe điện mặt đất, tàu điện một ray... của thành phố.

Tại buổi tiếp Phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) Joachim von Amsberg sáng 13/9, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nói rằng thành phố, với dân số 10 triệu dân và đang tăng 1 triệu/5 năm, đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt, nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Trong khi đó, hạ tầng hiện có không đủ phục vụ cho các nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

TP.HCM kêu gọi đầu tư vào dự án đường bộ trên cao, xe điện mặt đất (tramway) số 1, tàu điện một ray (monorail) số 3, 6, một số dự án xử lý chất thải công nghiệp, xử lý rác của TP.HCM.

Phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) Joachim von Amsberg đang ở Việt Nam để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Hà Nội và có ghé thăm TP.HCM. Ảnh: WEF.

Phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) Joachim von Amsberg đang ở Việt Nam để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Hà Nội và có ghé thăm TP.HCM. Ảnh: WEF.

Phó chủ tịch AIIB Amsberg nói rằng vì AIIB còn khá trẻ và quy mô tương đối nhỏ so với các định chế tài chính truyền thống như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á. Vì vậy, ngân hàng này không có đội ngũ tư vấn kỹ thuật rộng lớn như các định chế lâu đời khác.

"Nhưng chúng tôi có thể tiếp cận linh hoạt hơn, ‘châu Á’ hơn", ông nói, cho rằng đối với TP.HCM, AIIB có thể "linh hoạt" để tìm ra một cơ chế cho vay phù hợp với thành phố. Về tổng quan, AIIB quan tâm đến các đô thị, siêu đô thị tại châu Á và các dự án nhắm vào hạ tầng năng lượng, giao thông, nước...

Trong tương lai gần, AIIB dự kiến chú trọng tập trung nhiều đến các dự án vừa và nhỏ, làm việc với các ngân hàng thương mại, cung cấp dòng tín dụng, từ đó các công ty muốn tiếp cận nguồn vốn có thể thông qua ngân hàng thương mại. Với dự án lớn, TP.HCM cũng có thể liên hệ trực tiếp với ngân hàng hoặc thông qua doanh nghiệp.

Ông Lê Thanh Liêm từng cho biết Sở Tài chính đang phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) để xếp hạng tín nhiệm cho TP.HCM, từ đó thành phố có thể tiếp cận các khoản vay thương mại mà không cần bảo lãnh.

TP.HCM đang đối mặt với nguy cơ hạ tầng không đáp ứng với tốc độ tăng dân và nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Quân.

Các phương thức hỗ trợ tài chính mà AIIB có thể cung cấp bao gồm tài trợ thông qua sự bảo lãnh của chính phủ và không có bảo lãnh của chính phủ. Với phương án thứ hai, AIIB có thể hỗ trợ cho nhà đầu tư thực hiện dự án cơ sở hạ tầng của TP.HCM, hoặc tài trợ thông qua trung gian tài chính là hệ thống ngân hàng trong nước, hoặc tài trợ thông qua một ngân hàng thương mại, cấp hạn mức tín dụng cả gói, sau đó ngân hàng sẽ tài trợ cho các dự án; hoặc huy động vốn đồng tài trợ. Đối với các dự án đầu tư không có bảo lãnh của chính phủ, hạn mức tối đa AIIB có thể hỗ trợ là 35%.

AIIB là ngân hàng phát triển đa phương được thành lập từ sự đề xuất của Trung Quốc và hướng đến việc phát triển hạ tầng tại châu Á - Thái Bình Dương. AIIB thường được xem là một đối trọng tiềm năng đối với các định chế tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Việt Nam là một trong 57 thành viên sáng lập AIIB.

Phương Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tphcm-keu-goi-aiib-dau-tu-vao-du-an-tau-dien-1-ray-xe-dien-mat-dat-post876629.html