TP HCM không để doanh nghiệp 'tự bơi'

TP HCM rất coi trọng việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được đặc biệt quan tâm

Tính đến tháng 11-2018, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP HCM ước tăng 7,85%. Riêng ngành cơ khí và điện tử tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng.

Tính cạnh tranh cao hơn

Đối với ngành cơ khí, chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2018 ước tăng 8,35% (cùng kỳ năm trước tăng 6,52%). Chỉ số sản xuất ngành điện tử cũng tăng trưởng tốt (17,29%).

Kết quả này, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Phương Đông, là do thời gian qua một số doanh nghiệp (DN) trong ngành cơ khí và điện tử đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu cao của các DN sản xuất sản phẩm đầu cuối. Đơn cử như trong lĩnh vực điện tử, nhiều DN đã quan tâm đầu tư phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao về sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử... dần xây dựng được uy tín thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định.

Doanh nghiệp TP HCM giới thiệu sản phẩm tại một triển lãm về thiết bị điện năm 2018

Doanh nghiệp TP HCM giới thiệu sản phẩm tại một triển lãm về thiết bị điện năm 2018

Từ hoạt động thực tế tại DN mình cũng như các DN cơ khí - điện khác, ông Huỳnh Kiều Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt, cho biết đối với bản thân từng DN, đặc biệt là DN lĩnh vực CNHT, đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu mang tính chất sống còn. DN muốn cạnh tranh được thì bắt buộc phải cập nhật và đổi mới công nghệ hằng quý, hằng năm.

Gia tăng liên kết, hỗ trợ

Cuối tuần trước, tại buổi làm việc với các sở ngành, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và DN trên địa bàn về chủ đề "Tứ giác sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0", Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ thực tiễn quá trình phát triển kinh tế yêu cầu DN phải có sản phẩm mới hoặc có sản phẩm chất lượng cao hơn với chi phí thấp hơn. Lâu nay, nhiều DN chưa coi trọng việc đổi mới công nghệ, chưa coi đây là chìa khóa phát triển lâu dài trong khi các nhà tài chính, nhà đầu tư chưa giúp DN làm nội dung này. "Tứ giác sáng tạo là mối quan hệ giữa 4 nhà: nhà nước, DN, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính. Phải trân trọng từng hợp tác cụ thể giữa DN và nhà trường, viện nghiên cứu với sự hỗ trợ của TP và kêu gọi các nhà đầu tư tài chính" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Riêng đối với DN CNHT, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TP HCM, cho biết trung tâm đang tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho các DN CNHT trên địa bàn thông qua nhiều chương trình: đào tạo DN phát triển bền vững (SCORE), đào tạo DN phát triển toàn diện theo chương trình đào tạo của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tư vấn cải tiến cho DN Việt Nam của Samsung, chương trình đào tạo tư vấn viên về năng suất và chất lượng cho các DN Việt, thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) đầu tiên tại Việt Nam do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp Tổ chức Tài chính quốc tế/Nhóm Ngân hàng Thế giới (IFC/WB) tổ chức.

Bên cạnh đó, TP HCM đã tích cực hỗ trợ các DN CNHT thông qua việc rà soát bố trí quỹ đất phục vụ phát triển CNHT để đáp ứng nhu cầu cho DN nhỏ và vừa, với quy mô diện tích và giá thuê phù hợp; thực hiện tốt chương trình kích cầu đầu tư nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tổ chức kết nối DN - ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp - CNHT.

Sở Công Thương TP cũng đang phối hợp các sở ban ngành tham mưu UBND TP xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển với 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG AN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/tp-hcm-khong-de-doanh-nghiep-tu-boi-20181118201756304.htm