TP.HCM kiểm định chất lượng tượng vua Lê Lợi và tượng Trần Nguyên Hãn

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, tượng vua Lê Lợi và tượng Trần Nguyên Hãn đã hiện diện ở TP.HCM trong hơn 50 năm qua là sự thân thuộc, điểm đến tâm linh, một dấu ấn ký ức của người dân thành phố. Do vậy, việc tu bổ, sửa chữa 2 tượng đài cần phải thực sự kỹ lưỡng, nghiêm túc. Tổng số tiền dự toán tu bổ, sửa chữa tượng để kiểm định được đề xuất là gần 2 tỷ đồng, với thời gian triển khai dự kiến 98 ngày…

Ngày 6.6, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo chấp thuận cho Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện công tác kiểm định chất lượng tượng vua Lê Lợi và tượng Trần Nguyên Hãn, theo đề xuất của Sở tại văn bản ngày 17.5 về phương án thực hiện xử lý tượng vua Lê Lợi và tượng Trần Nguyên Hãn.

Giao Sở phối hợp cùng UBND Quận 6 và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… trong quá trình thực hiện.

Báo cáo, tham mưu phương án thực hiện sau khi có kết quả kiểm định chất lượng 2 tượng đài, trình UBND Thành phố xem xét, quyết định. Giao Sở Tài chính thẩm định kinh phí, tham mưu đề xuất UBND Thành phố.

Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố vị trí đặt tượng vua Lê Lợi và tượng Trần Nguyên Hãn, đảm bảo hài hòa, phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực và quy hoạch chung của thành phố.

Khu vực bùng binh trước Chợ Bến Thành với tượng Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang. Năm 2014 để thực hiện dự án xây dựng nhà ga Bến Thành, thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP.HCM có chủ trương di dời tượng Trần Nguyên Hãn về công viên Phú Lâm và tượng Quách Thị Trang về công viên Bách Tùng Diệp. Việc di dời thực hiện ngày 18.2.2017. Ảnh: Lê Quân

Trước đó, tại văn bản ngày 17.5 gửi UBND TP.HCM đề xuất phương án thực hiện xử lý tượng vua Lê Lợi và tượng Trần Nguyên Hãn, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết ngày 16.3 Sở đã tổ chức khảo sát, mời đại diện các đơn vị Sở Xây dựng, Ban Quản lý đường sắt đô thị, UBND Quận 6, Hội Mỹ thuật TP.HCM và các chuyên gia kiểm tra thực tế hiện trạng 2 tượng đang được bảo quản tại Công viên Phú Lâm (Quận 6). Theo đó:

Hiện trạng tượng vua Lê Li: Kích cỡ khung cao 5,8m, ngang 3,3m, sâu l,5m; Hệ thống khung thạch cao hư hỏng hoàn toàn; Hệ khung sắt bảo vệ gia cố tượng cũng đang trong tình trạng hư hỏng do mục; Các thanh giằng liên kết khung thạch cao cũng đã mục hoàn toàn; Chân đế tượng do liên kết trực tiếp với khối bê tông nên vẫn còn nguyên vẹn.

Hiện trạng tượng Trần Nguyên Hãn: Kích cỡ khung cao 5m, ngang 2,2m, dài 5m; Hệ thống khung thạch cao hư hỏng hoàn toàn; Hệ khung sắt bảo vệ gia cố tượng cũng đang trong tình trạng hư hỏng do mục; Các thanh giằng liên kết khung thạch cao cũng đã mục hoàn toàn; Các cấu kiện đi theo tượng là thanh kiếm và con chim bồ câu vẫn còn; Hai chân ngựa khi cắt trong quá trình di dời do tiếp xúc trực tiếp với mặt đất và nước nên nay đã mục. Độ rộng của khu vực mục chưa xác định rõ vì vẫn đang ở trong khuôn.

“Việc kiểm định chất lượng hiện trạng tượng vua Lê Lợi và tượng Trần Nguyên Hãn cần phải sớm thực hiện nhằm kiểm tra các vết nứt, bong tróc hoặc sự xuất hiện vết nứt và ảnh hưởng của những tác động ăn mòn đến chất lượng của tượng”, văn bản cho biết.

Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất UBND TP.HCM cho phép Sở tiến hành mời đơn vị chuyên môn thực hiện kiểm định chất lượng hiện trạng tượng. Từ kết quả kiểm định về chất lượng vật liệu và kết cấu công trình, cũng như sự ổn định tổng thể công trình, sẽ có cơ sở khoa học trong việc đề ra phương án xử lý:

Nếu chất lượng tượng còn tốt sẽ tiến hành tu bổ tượng và bảo dưỡng chuyên sâu để sử dụng lại tượng cũ. Nếu chất lượng tượng không còn khả năng tồn tại hoặc việc tồn tại không đảm bảo an toàn cho trưng bày thì sẽ tiến hành tu sửa, phục dựng lại đúng theo nguyên mẫu và đúc khuôn âm bản phục vụ công tác thực hiện tượng mới, tượng cũ sẽ được di dời và bảo quản theo quy định.

Tượng vua Lê Lợi tại vòng xoay Cây Gõ được xây dựng từ trước năm 1975. Khi thi cầu cầu vượt Cây Gõ tháng 4.2013, tượng di dời về Công viên Phú Lâm đến nay. Ảnh: TLTG

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, tượng vua Lê Lợi và tượng Trần Nguyên Hãn đã hiện diện ở TP.HCM trong hơn 50 năm qua là sự thân thuộc, điểm đến tâm linh, một dấu ấn ký ức của người dân thành phố. Do vậy, việc tu bổ, sửa chữa 2 tượng đài cần phải thực sự kỹ lưỡng, nghiêm túc với phương pháp, cách thức thi công tu bổ, sửa chữa phải được ứng xử và tôn trọng nhất có thể.

Theo đó, Sở đề xuất quy trình thực hiện gồm 4 bước:

Chụp ảnh khảo t: Nhằm ghi nhận lại hiện trạng ban đầu của tượng, làm hồ sơ lưu trữ, đối chiếu, nghiên cứu khi cần thiết phải nội suy các bước hiện trạng, các yếu tố bao quát đến từng chi tiết trên thân tượng.

Gia công hệ khung chịu lực cho tượng: Hiện nay khung chịu lực tượng đã hư hại do mục nhiều, không đủ an toàn trong quá trình thực hiện nên việc gia cố và chịu lực cho tượng là bắt buộc phải thực hiện.

Tháo d lớp khuôn thạch cao bị hỏng: Hiện nay lớp khuôn thạch cao bao phủ toàn bộ bề mặt tượng đã hư hỏng nặng nên phải tiến hành tháo gỡ, trả lại hiện trạng bề mặt tượng để giúp các cơ quan chuyên môn và hội đồng đánh giá chất lượng tượng.

Vệ sinh tượng trả lại màu và lp bề mặt tưng, gia cố các vị trí mất liên kết: Việc vệ sinh phải được thực hiện bằng các thiết bị chuyên nghiệp và giải pháp chuyên môn để vệ sinh trả lại bề mặt tượng. Đồng thời gia cố các vị trí mất liên kết và thực hiện công tác chống thấm để các đơn vị chuyên môn, nhà chuyên gia đánh giá kỹ nhất có thể hoặc phục vụ công tác làm khuôn âm bản để thực hiện đúc tượng mới khi nhận được chỉ đạo của UBND Thành phố.

Tổng số tiền dự toán thực hiện tu bổ, sửa chữa tượng để kiểm định theo các bước trên được Sở đề xuất là 1.995.640.504 đồng, với thời gian triển khai dự kiến là 98 ngày.

Trên cơ sở ý kiến góp ý và khảo sát của các sở, ngành có liên quan, các chuyên gia, ý kiến của UBND Quận 1, UBND Quận 6 và từ kết quả kiểm định chất lượng 2 tượng đài, Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất vị trí dự kiến đặt tượng như sau:

Phương án 1: Nếu chất lượng tượng còn tốt sẽ tiến hành tu bổ tượng và bảo dưỡng chuyên sâu để sử dụng lại tượng cũ, vị trí đặt cụ thể:

Tượng vua Lê Lợi đặt tại vị trí mũi tàu Công viên Phú Lâm, hướng về phía vòng xoay Cây Gõ (vị trí này không bị ảnh hưởng bởi tuyến đường sắt số 3A Bến Thành - Tân Kiên).

Tượng Trần Nguyên Hãn tiếp tục bảo quản tại Công viên Phú Lâm cho đến khi khu vực quảng trường phía trước Chợ Bến Thành hoàn thành. Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiến hành phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông - Vận tải, UBND Quận 1 để tham mưu UBND Thành phố đặt tại vị trí phù hợp trước Chợ Bến Thành.

Phương án 2: Nếu chất lượng tượng không còn khả năng tồn tại hoặc việc tồn tại không đảm bảo an toàn cho trưng bày thì sẽ tiến hành tu sửa, phục dựng, gia cố lại đảm bảo đúng theo nguyên mẫu và đúc khuôn âm bản phục vụ công tác làm tượng mới.

Đề xuất 2 tượng đài sau khi được tu sửa, phục dựng, gia cố sẽ tiến hành di dời về Công viên Lịch sử - Văn hóa các dân tộc tiếp tục bảo quản theo quy định; khuôn âm bản sẽ được giao Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Thành phố bảo quản, chờ ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố đối với việc thực hiện 2 tượng mới.

“Đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp cùng các đơn vị liên quan tham mưu, rà soát các vị trí dự kiến đặt tượng vua Lê Lợi và tượng Trần Nguyên Hãn do Sở Văn hóa và Thể thao đã đề xuất, đảm bảo hài hòa, phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực và quy hoạch chung của Thành phố”, văn bản cho biết.

Minh Hoàng

Liên quan đến chỉ đạo của UBND TP.HCM, từ năm 2018, Người Đô Thị đã đăng tải nhiều bài viết của tác giả Phúc Tiến nhận diện những giá trị di sản, lịch sử của khu vực Chợ Bến Thành và đề nghị tại khu vực quảng trường trước Chợ Bến Thành cần kiên quyết dựng lại tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang:

- Công viên quảng trường trước cửa Bắc của Chợ Bến Thành vào những năm 1940-1950 là chợ hoa Tết của Sài Gòn, trước khi dời về đường Nguyễn Huệ. Quảng trường thời Pháp mang tên Cuniac - một thị trưởng của Sài Gòn, sau năm 1955 đổi tên Diên Hồng.

Vào tháng 3.1950, một cuộc biểu tình lớn chống thực dân đế quốc đã diễn ra trước cổng Chợ. Vào cuối năm 1963, sau khi xảy ra sự kiện cô Quách Thị Trang bị bắn chết trong một cuộc biểu tình chống độc tài diễn ra tại đây, quảng trường được mang tên nữ sinh này. Từ năm 1966, công viên quảng trường có thêm tượng đài tướng Trần Nguyên Hãn - anh hùng chống quân Minh, tô điểm thêm nét lịch sử, hài hòa với khung cảnh thương mại... (Xem tại đây).

- Đề nghị Nhà nước công nhận không chỉ Chợ Bến Thành mà toàn bộ các khu phố chung quanh và quảng trường Quách Thị Trang là khu phố di sản văn hóa - lịch sử! Các nhà quy hoạch, các nhà đầu tư thay vì đập bỏ ký ức vàng của quá khứ, thay vì “sáng tạo” những khối nhà bê tông và sắt thép nặng nề hay hào nhoáng, hãy dành con tim và khối óc cho việc khám phá, giữ gìn và phát huy di sản hay đẹp của tiền nhân ngay trên vùng đất xưa thiêng liêng này... (Xem tại đây)

- Riêng công viên Quách Thị Trang, tượng đài Trần Nguyên Hãn cùng cây xanh và các công trình công cộng quanh các nhà ga metro, cầu trên bộ, cầu qua sông và kênh rạch, rất cần được tái lập hoặc tôn tạo, một cách hài hòa giữa truyền thống và hiện đại... Sau khi hoàn tất nhà ga metro, ở khu vực quảng trường phía trước Chợ Bến Thành, cần kiên quyết dựng lại tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang... (Xem tại đây)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-kiem-dinh-chat-luong-tuong-vua-le-loi-va-tuong-tran-nguyen-han-39787.html