TP.HCM kiến nghị hàng loạt giải pháp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018

Đề xuất có cơ chế chính sách dành cho giáo viên buổi 2, chính sách ưu đãi về đất đai, thủ tục hành chính... là những vấn đề được UBND TP.HCM kiến nghị với các bộ, ngành để thực hiện chương trình mới đạt hiệu quả.

Sáng 27-3, đoàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với TP.HCM về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT).

Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dẫn đầu (thứ 3 từ trái qua) làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dẫn đầu (thứ 3 từ trái qua) làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Buổi làm việc có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch TP Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở trung ương cùng địa phương.

Buổi làm việc tập trung nhiều vấn đề

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Mẫn cho biết việc giám sát đổi mới chương trình, SGK được thực hiện trên tinh thần xây dựng, phát hiện mô hình tốt để nhân rộng cả nước. Trước đó, đoàn giám sát đã chia ra các tổ công tác đi giám sát tại một số trường học ở các địa phương trên địa bàn.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: BP

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, buổi làm việc sẽ tập trung vào các vấn đề.

Thứ nhất, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn triển khai chương trình ra sao, có đúng quy định không?

Thứ hai, khi thực hiện chương trình, việc đổi mới SGK, nâng cao chất lượng giáo dục, tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất vẫn diễn ra được khắc phục ra sao?

Thứ ba, việc lựa chọn SGK và biên soạn tài liệu giáo dục địa phương được triển khai thế nào?

Thứ tư, việc đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục ra sao khi triển khai chương trình mới?

Thứ 5 là kinh phí được TP đầu tư để triển khai chương trình như thế nào?

Sau buổi làm việc hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có Nghị quyết chung nêu những mặt đạt được, tồn tại và giải pháp khắc phục trong việc triển khai chương trình GDPT mới.

TP.HCM kiến nghị hàng loạt giải pháp

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong 3 năm thực hiện chương trình GDPT 2018, các cơ sở giáo dục đã triển khai đầy đủ kịp thời văn bản chỉ đạo từ các cấp về việc đổi mới chương trình, SGK GDPT.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại buổi làm việc sáng nay. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Việc đổi mới chương trình, SGK GDPT được triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đối mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn gặp một số vướng mắc như tình trạng thiếu giáo viên tại một số bộ môn mới, giáo viên còn lúng túng khi triển khai chương trình mới.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học một số trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế khi triển khai chương trình. Thiết bị dạy học cho các lớp mới triển khai hằng năm chưa được cung cấp kịp thời.

Do hạn chế về quỹ đất, tiến độ xây mới và mở rộng trường thực tế chưa đáp án yêu cầu về diện tích sân chơi...

Trước những khó khăn trên, tại buổi làm việc, UBND TP.HCM đã có những kiến nghị đối với các bộ ngành liên quan để chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai hiệu quả.

Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ

TP đề xuất sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học Chương trình GDPT 2018.

Toàn cảnh buổi làm việc sáng nay. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đối với Chính phủ

Chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các Bộ liên quan cần có văn bản - hướng dẫn liên Bộ về việc ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí và bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn bồi dưỡng chương trình phổ thông 2018 để Sở GD&ĐT có căn cứ đề xuất TP Thủ Đức, huyện cấp bổ sung kinh phí và các quận dự toán kinh phí cho các cơ sở giáo dục thực hiện. Cần có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo TP.

Chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên tiếng Anh, Tin học để thu hút và giữ chân đội ngũ này gắn bó với giáo dục tiểu học.

Có thêm các chính sách ưu đãi cụ thể, đất đai, thủ tục hành chính để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước phát triển mạng lưới trường học.

Đối với Bộ GD&ĐT

Quy định cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình mới, xây dựng bổ sung vị trí việc làm, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định và thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình.

Có quy định về việc tổ chức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhất là giáo viên trực tiếp đứng lớp đánh giá công tác quản lý và giảng dạy sau mỗi năm thực hiện chương trình, SGK mới.

Có quy định cho phép các địa phương linh hoạt trong việc mua sắm thiết bị dạy học theo tình hình phát triển kinh tế.

Ban hành hướng dẫn thống nhất về việc quy định học sinh thay đổi môn học chọn, chuyên đề học tập tự chọn sau mỗi năm học.

Ban hành hướng dẫn in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương cho các địa phương.

Đối với Bộ Tài chính

Mua sắm máy tính phục vụ cho chương trình mới nên phân quyền để từng địa phương giao cho các trường chủ động tự đấu thầu nhằm đảm bảo đúng tiến độ thực hiện chương trình giáo dục.

Xem xét điều chỉnh Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30-3-2018 của Bộ Tài chính cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Xem xét, điều chỉnh quy trình, thủ tục đấu thầu, mua sắm tài sản công cần rút ngắn thời gian, đơn giản hóa, giao quyền chủ động để các trường kịp thời trang bị, mua sắm thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn thiết bị.

Đối với Bộ Xây dựng

Ban hành quy định đặc thù, linh hoạt trong quy chuẩn xây dựng trường học đối với các địa phương đặc thù.

Đối với Bộ Nội vụ

Có cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng giáo viên; nhà trường tổ chức tuyển dụng và thời gian tuyển dụng linh hoạt ngay khi có nhu cầu.

Cần có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, xây dựng bổ sung vị trí việc làm, đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo định mức...

BẢO PHƯƠNG - NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-kien-nghi-hang-loat-giai-phap-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-post725796.html