TP HCM kiến nghị tăng mức ngân sách được giữ lại (*): Cần nhiều tiền để tháo hàng loạt điểm nghẽn

Thu ngân sách nhà nước của TP HCM tăng cao qua các năm và chiếm tỉ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước nhưng ngân sách TP được hưởng không tăng tương ứng

Ngày 9-12, tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có bài phát biểu về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2019. Trong đó, ông Nguyễn Thành Phong đã dành thời gian nói về việc xây dựng đề án điều chỉnh tỉ lệ phần trăm (%) các khoản thu phân chia giữa ngân sách (NS) trung ương và NS địa phương.

TP HCM phải chi phát triển nhiều

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng đề xuất tăng mức NS được phân bổ lại rất quan trọng do TP HCM là địa phương tự bảo đảm cân đối NS và tỉ lệ số thu nộp về NS trung ương cao nhất trong 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP, số thu NS thực tế TP được hưởng ngày càng giảm do tỉ lệ điều tiết cho NS TP có xu hướng giảm qua từng thời kỳ ổn định NS: năm 2003 là 33% và đến giai đoạn 2017-2020 chỉ còn được hưởng 18%. Đây là thời kỳ có tỉ lệ điều tiết giảm mạnh so với các giai đoạn trước.

Khi nguồn ngân sách giữ lại được tăng thêm, TP HCM mới có thêm điều kiện cải tạo cơ sở hạ tầng hiện đang quá tải, xuống cấp. Trong ảnh: Đường Lê Quang Sung, quận 6 ngập trong biển nước khi mưa lớn hay triều cường Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khi nguồn ngân sách giữ lại được tăng thêm, TP HCM mới có thêm điều kiện cải tạo cơ sở hạ tầng hiện đang quá tải, xuống cấp. Trong ảnh: Đường Lê Quang Sung, quận 6 ngập trong biển nước khi mưa lớn hay triều cường Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Do đó, dù số thu NS nhà nước trên địa bàn TP tăng cao qua các năm và chiếm tỉ trọng hơn 27% tổng thu NS cả nước nhưng NS TP được hưởng không tăng tương ứng. Tổng chi NS địa phương được hưởng theo tỉ lệ điều tiết chỉ chiếm tỉ trọng hơn 4% tổng chi cả nước. Qua nghiên cứu sự phát triển của nhiều quốc gia và các TP lớn trên thế giới, tỉ lệ NS được giữ lại của các địa phương trên 10 triệu dân bình quân là 46,43%, thấp nhất là 33,09%. "TP đề nghị nghiên cứu tỉ lệ điều tiết hợp lý cho NS địa phương của TP cũng như các tỉnh, TP khác; trong đó tăng tỉ lệ điều tiết đối với TP HCM từng bước trong 10 năm 2020-2030 từ 18% lên 33% nhằm bảo đảm TP có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước" - Chủ tịch UBND TP nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Nguyễn Như Khuê - đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ĐB HĐND TP, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP - nhìn nhận với mức 18% như hiện nay là quá thấp, nhất là đối với một siêu đô thị như TP HCM. Hơn nữa, TP HCM đang thực hiện thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của QH. TP phải chi đầu tư phát triển nhiều; chi cho phúc lợi, an sinh xã hội. Do đó, tỉ lệ 18% cần phải được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Khi có nguồn vốn đầu tư, TP sẽ phát triển mạnh hơn nữa.

Tăng dần là lộ trình hợp lý

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng - nhận định tỉ lệ NS giữ lại của TP HCM ở mức 18% hiện nay là quá thấp. Do đó, đề xuất tăng dần điều tiết NS cho TP lần lượt lên 24% trong 5 năm nữa và lên 33% sau 10 năm nữa là lộ trình khá hợp lý với nhu cầu đầu tư, phát triển của TP đầu tàu. "Việc tăng điều tiết NS cho TP là tất yếu. Tuy nhiên, muốn đề xuất tăng và được phê duyệt thì phải chờ tới kế hoạch tài chính 5 năm tiếp theo, tức từ 2021 trở đi. Thời gian từ nay đến lúc đó là quá trình TP phải chuẩn bị tích cực tất cả các luận chứng để thuyết trình cho thấy sự cần thiết phải tăng tỉ lệ NS giữ lại cho TP" - ông Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân cũng nói rõ cơ sở của việc đề xuất tăng điều tiết NS được nhìn nhận trên tổng thể bối cảnh chung của kinh tế vĩ mô. Theo đó, bội chi NS và nợ công hiện nay giảm chính là điều kiện tốt để NS phân bổ theo hướng hỗ trợ cho những đô thị lớn tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Hơn nữa, TP HCM là một trong những đầu tàu kinh tế đất nước, có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, là bộ mặt quốc gia, là điểm đến của các hoạt động đầu tư, xúc tiến du lịch từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, TP đang gặp những vấn đề lớn về ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm… Nếu không có được tỉ lệ NS điều tiết hợp lý để đầu tư thì chỉ một thời gian ngắn nữa, TP sẽ thụt lùi, bộ mặt quốc gia cũng bị ảnh hưởng, thế giới sẽ chấm điểm thấp hơn cho TP về khả năng thu hút đầu tư, phát triển du lịch. "Cần nhanh chóng hoàn thiện đề án để kịp đề xuất trung ương. Chỉ khi có nguồn vốn thì TP HCM mới có thể chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể đầu tư dài hạn, nhất là trong bối cảnh TP đang làm lại quy hoạch tổng thể" - ông Trần Hoàng Ngân nói thêm.

Góp ý về điều hành NS nói chung, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng trung ương cần có cơ chế khuyến khích các tỉnh, TP vươn lên tự chủ để giảm gánh nặng NS quốc gia. Hiện vẫn còn 47 địa phương chưa tự chủ, dẫn đến mất cân đối thu chi rất lớn. Đáng lưu ý, có nhiều tỉnh ở đồng bằng, có nhiều điều kiện phát triển nhưng chưa vươn lên tự chủ và phải trông chờ nguồn NS nhà nước. "Cần có chính sách khuyến khích, động viên các địa phương vươn lên tự chủ, như trao thêm ưu đãi, quyền lợi, phân quyền. Cơ chế ra sao tùy thuộc vào từng loại đô thị để có phân bổ hợp lý, từ đó sẽ giảm bớt gánh nặng NS nhà nước" - ông Ngân nói.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng từ nhiều năm trước, khi tỉ lệ NS được giữ lại của TP giảm xuống mức 23% và sau đó chỉ còn 18% giai đoạn 2017-2020, nhiều chuyên gia đã phân tích và đưa ra đánh giá cho thấy chính sách cắt giảm này không mang lại hiệu quả kinh tế, khiến vai trò đầu tàu kinh tế cả nước và động lực tăng trưởng kinh tế của TP bị suy giảm một cách rõ rệt. Bằng chứng là trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của TP không bứt phá được. Dù tăng trưởng kinh tế của TP ở mức 8,3% nhưng so với tiềm lực, động lực vốn có thì vẫn thấp. Đang có quá nhiều nút thắt về cơ sở hạ tầng đô thị, cung cấp dịch vụ công cho người dân; nhiều điểm nghẽn nổi lên mà một trong những giải pháp tháo gỡ là vấn đề NS. "Thu 100 đồng mà chỉ được giữ lại 18 đồng để tái đầu tư là quá nhỏ, rất khó đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, giải quyết các bài toán của TP. Do đó, việc TP kiến nghị để trung ương xem xét điều tiết ngược trở lại, tăng tỉ lệ giữ NS từ 18% lên 24% như đề xuất là cần thiết và hợp lý" - ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, xét trong quan điểm tổng thể của nền kinh tế thì cần phải nâng tỉ lệ điều tiết NS của TP lên tương xứng với mức đóng góp vào GDP cả nước là khoảng 23%-25%. Bởi vì, nếu tính phép trừ cơ học theo tỉ lệ % thì NS trung ương dành phân bổ cho các địa phương khác sẽ giảm nhưng khi TP HCM được khơi thông nguồn lực thì sẽ không chỉ thu về trên 400.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 27,2% tổng thu cả nước.

"Quan trọng hơn, phải đặt TP trong bài toán cạnh tranh với những TP lớn khác trong khu vực như Bangkok, Manila, Jakarta hay Thâm Quyến… để từ đó có chính sách điều tiết NS phù hợp nhằm tạo nguồn lực, động lực phát triển. Ngoài ra, chính quyền TP cũng cần thực hiện quyết liệt hơn những cơ chế đặc thù đã được Bộ Chính trị, QH thông qua nhằm tạo sự bứt phá cho riêng TP" - ông Tuấn lưu ý thêm.

Xây dựng đề án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách được giữ lại

Đại diện Sở Tài chính TP HCM cho biết sở này đang nhận nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích điều kiện đầu tư phát triển; so sánh, đối chiếu sự tác động của các tỉnh, TP khác đến tốc độ phát triển của TP HCM. Với lộ trình điều tiết tỉ lệ NS để lại giai đoạn 2021-2025 tăng từ 18% lên 24%, đến giai đoạn 2026 tăng lên 33% thì TP HCM sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, việc làm... như thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra. Hiện Sở Tài chính TP đã xây dựng đề án tăng tỉ lệ điều tiết NS để lại và sẽ báo cáo với UBND TP trong thời gian tới. Sau đó, lãnh đạo TP HCM sẽ cho ý kiến để sở tiếp tục hoàn thiện đề án này trước khi UBND TP trình lên cấp trên.

T.Thơ

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-12

Phan Anh - Phương Nhung - Thái Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-kien-nghi-tang-muc-ngan-sach-duoc-giu-lai-can-nhieu-tien-de-thao-hang-loat-diem-nghen-20191209220931013.htm