TP.HCM: Mô hình bác sĩ gia đình chưa thu hút người bệnh

(HQ Online)- Nhằm giảm tải cho các bệnh viện, từ năm 2012, TP.HCM đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình, đến nay đã triển khai tại 20/23 bệnh viện quận - huyện. Tuy nhiên, do trong giai đoạn thí điểm nên hiện mô hình này còn gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được sự quan tâm của người dân.

Phòng khám bác sĩ gia đình tại quận Bình Thạnh. Ảnh: T.D

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, toàn thành phố hiện có 20/23 bệnh viện có phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa Khám bệnh với cơ cấu từ một đến 4 bàn khám, do các bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn về Y học gia đình phụ trách. Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại các bệnh viện có khu vực riêng biệt, quy trình khép kín từ khám chữa bệnh, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và thu phí điển hình như phòng khám bác sĩ gia đình tại Bệnh viện quận 10 hoặc lồng ghép trong khoa khám bệnh của bệnh viện (các bệnh viện khác), bao gồm các hình thức khám dịch vụ BHYT hoặc thu phí hoàn toàn.

Bên cạnh đó, hiện thành phố có 136/319 trạm Y tế phường - xã thành lập một phòng khám Bác sĩ gia đình với cơ cấu từ một bàn khám, do bác sĩ có chuyên môn về Y học gia đình phụ trách. Như vậy đến nay đã có hơn 43% số trạm Y tế phường – xã đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nhân sự để thành lập phòng khám bác sĩ gia đình.

Đa số các trạm Y tế phường xã thực hiện phòng khám bác sĩ gia đình theo mô hình khám chữa bệnh bác sĩ gia đình, đồng thời thực hiện các hoạt động y tế khác của trạm. Ngoài ra, các phòng khám bác sĩ theo mô hình hoạt động độc lập với công tác của trạm là các phòng khám phường Cô Giang (quận 1), phường Tân Hưng (quận 7), phòng khám vệ tinh của bệnh viện quận, huyện (phường 9, phường 10 của quận 10) và phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với hoạt động phòng khám liên chuyên khoa của Trung tâm y tế dự phòng quận 2 đặt tại trạm Y tế.

Sau nhiều năm triển khai, mô hình bác sĩ gia đình tại TP.HCM vẫn chưa nhận được sự quan tâm của người dân. Đa số phòng khám bác sĩ gia đình thuộc tuyến phường xã đều trong tình trạng vắng khách. Một số ít người bệnh đến khám chữa chủ yếu chỉ mắc những bệnh lý thông thường như cảm cúm, nhức đầu hoặc theo dõi bệnh mạn tính. Phần lớn người dân khi bị bệnh đều tự ý đến bệnh viện tuyến trên điều trị mà không thông qua khám, chỉ định cũng như giới thiệu chuyển tuyến của bác sĩ gia đình. Điều đó khiến cho tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên không được cải thiện.

Mặt khác, danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho trạm y tế phường xã còn hạn chế, nhiều nơi chưa đủ điều kiện ký hợp đồng triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên không đáp ứng được nhu cầu cho người dân.

Ngoài ra, sự thiếu thốn về trang thiết bị dẫn tới trạm y tế chưa thực hiện nhiều kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng hoặc các xét nghiệm kiểm tra ban đầu. Việc người dân chưa có thông tin về mô hình bác sĩ gia đình tại địa phương cũng như chưa tin cậy cũng là những nguyên nhân khiến các phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm Y tế khó thu hút được bệnh nhân…

Theo Sở Y tế TP.HCM, tổng số lượt khám và điều trị năm 2015 gần 40 triệu lượt, trong đó số lượt bệnh nhân điều trị nội trú là 1.495.360 triệu lượt, tương đương cùng kỳ năm 2014.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-mo-hinh-bac-si-gia-dinh-chua-thu-hut-nguoi-benh.aspx