TP.HCM: Mở rộng dịch vụ xe đạp công cộng, phát triển bền vững giao thông xanh

Dự kiến đầu năm 2023, dịch vụ xe đạp công cộng sẽ mở rộng dịch vụ ra toàn TP.HCM nhằm tạo thói quen sử dụng, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM được thí điểm triển khai từ cuối năm 2021, với 500 xe đặt tại 43 vị trí trên địa bàn quận 1, dịch vụ đã được người dân hưởng ứng tích cực.

Theo thông tin từ cuộc họp giữa Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM với Lãnh sự quán Hà Lan về phát triển xe đạp công cộng, dự kiến đầu năm 2023, dịch vụ xe đạp công cộng sẽ mở rộng dịch vụ ra toàn TP.HCM nhằm tạo thói quen sử dụng, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Theo đó, ngoài thí điểm khu vực quận 1, Sở GTVT TP.HCM xác nhận đang nghiên cứu mở rộng thí điểm mô hình xe đạp công cộng trên địa bàn TP.Thủ Đức và các quận 3, 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận...

 Dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM được thí điểm triển khai từ cuối năm 2021 được người dân hưởng ứng tích cực.

Dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM được thí điểm triển khai từ cuối năm 2021 được người dân hưởng ứng tích cực.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT, cho biết đầu năm 2023 sẽ mở rộng dịch vụ xe đạp công cộng trên toàn thành phố. Hiện nhiều quận, huyện như Gò Vấp, Phú Nhuận, Nhà Bè... cũng đã gửi danh sách các vị trí dự kiến đặt trạm xe đạp công cộng. Sở cũng đang nghiên cứu các làn đường dành riêng cho xe đạp để tạo điều kiện cho loại hình này phát triển.

Đại diện UBND quận Phú Nhuận cho biết đã đề xuất 15 vị trí để nghiên cứu đặt trạm xe đạp công cộng như công viên Gia Định, công viên Văn hóa Phú Nhuận, trên vỉa hè và công viên đường Trường Sa… Mô hình này dự kiến sẽ kết nối với khu chợ đêm như phố ẩm thực Phan Xích Long mà quận đang xây dựng nhằm tạo sự phong phú, kết nối người dân đến vui chơi, tham quan.

Lãnh đạo UBND quận Gò Vấp cũng cho biết đã đề xuất 13 vị trí để nghiên cứu mở rộng mô hình xe đạp công cộng. Các vị trí này chủ yếu gần khu vực đông dân cư như các đầu mối giao thông, chung cư, siêu thị để Sở GTVT chủ động khảo sát.

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm, thành phố cũng sẽ nghiên cứu triển khai làn đường riêng cho xe đạp để ưu tiên, tạo sự an toàn, thuận lợi cho người sử dụng. Đồng thời, thành phố đang hướng đến phát triển giao thông xanh nên khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng các mô hình xe công cộng, xe điện và các phương tiện năng lượng sạch. Từ đó, kết nối các đầu mối giao thông, tiến tới mục tiêu hạn chế xe cá nhân.

Sở GTVT đã có phương án thí điểm làn ưu tiên cho xe đạp trên đường Pasteur (quận 1) đoạn từ giao lộ Lý Tự Trọng đến Nguyễn Đình Chiểu và trên trục đường Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn (TP.Thủ Đức).

Theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, TP.HCM đưa ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp (phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế).

Một trong những chương trình của TP để giảm khí thải là nghiên cứu các giải pháp thay thế, dùng nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông, do hoạt động giao thông chiếm tỷ lệ phát thải lớn so với các lĩnh vực còn lại. Cụ thể, TP sẽ thực hiện chuyển đổi xe buýt chạy bằng diesel sang chạy điện hoặc CNG; xây dựng các chính sách ưu tiên đối với ô tô, xe máy chạy điện; triển khai các dịch vụ xe đạp điện nơi công cộng, hạn chế hoạt động của mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh…

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị và có ý nghĩa đặc biệt trong xây dựng đô thị theo hướng xanh và bền vững. GTCC là bộ phận cấu thành của hệ thống giao thông vận tải đô thị. Chiến lược Phát triển giao thông vận tải của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng đặt ra yêu cầu cơ bản về phát triển GTCC. Mục tiêu đặt ra là nhanh chóng phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn đối với các đô thị lớn; đảm bảo tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng từ 25 - 30% đến năm 2020; phát triển vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại - an toàn - tiện lợi; đồng thời kiểm soát gia tăng phương tiện cá nhân…

Bên cạnh đó, thực hiện xây dựng các tuyến phố đi bộ, khuyến khích cộng đồng tham gia giao thông bằng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp, xe điện và đi bộ. Đồng thời, khuyến khích việc đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe buýt nhanh…

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-mo-rong-dich-vu-xe-dap-cong-cong-phat-trien-ben-vung-giao-thong-xanh-74180.html