TP.HCM: Nan giải bài toán khủng hoảng nhà ở tái định cư

Theo thông tin từ sở Xây dựng TP.HCM còn khoảng 15.000 trường hợp vẫn cần hỗ trợ nhà ở tái định cư. Tuy nhiên, lại tồn tại nghịch lý, nhiều dự án xây xong vẫn còn trống, dân không vào ở.

Cung lệch cầu

Mới đây, tại phiên họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX vào chiều 4/7, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, có tình trạng khủng hoảng thừa nhà ở tái định cư . Nhiều dự án đang trong cảnh đìu hiu, rất ít người dân đến ở. Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một ví dụ điển hình.

Dự án bất động sản này được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trên khu đất rộng 31ha với gần 2.000 căn hộ và 529 nền đất. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 2004, hoàn thành bàn giao vào năm 2010. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khu vực chỉ có khoảng hơn 700 căn hộ và khoảng 374 nền đất bố trí tái định cư. Số còn lại đang trong tình trạng bỏ trống.

Người dân sinh sống tại đây cho biết, ít người đến ở nên các khu vui chơi, khu thể thao cũng trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Chưa kể đến việc một số vị trí công trình đã bị lún, nứt, xuống cấp. Bên cạnh đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Tương tự khu nhà ở tái định cư Vĩnh Lộc B, khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng rất ít người dân tái định cư đến ở.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, đại diện ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, tổng số căn hộ đã và đang xây là 10.529 căn và 2.292 nền đất. Tuy vậy, chỉ mới bố trí tái định cư được hơn 3.200 căn hộ và hơn 1.000 nền đất, số còn lại chưa sử dụng đến. Hiện, nhiều căn hộ ở khu vực này đang được người dân tiến hành bán lại.

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc sở Xây dựng TP.HCM cho biết: “Nhằm thực hiện việc chỉnh trang đô thị, sắp tới thành phố phải lo di dời các hộ ở ven kênh rạch, ước tính khoảng 20.000 hộ. Trong đó có khoảng 57.000 hộ bị ảnh hưởng bởi chương trình này sẽ được xem xét bồi thường, di dời. Theo đó, báo cáo của các quận, huyện xác định có khoảng 42.000 trường hợp có đủ điều kiện được bồi thường và họ đủ khả năng tự lo chỗ ở mới. Khoảng 15.000 hộ còn lại vẫn cần đến Nhà nước hỗ trợ bằng quỹ nhà tái định cư và việc bố trí nhà ở tái định cư là cần thiết”.

“Bên cạnh việc bố trí nhà ở tái định cư, TP. cũng có chỉ đạo bán đấu giá cho doanh nghiệp kinh doanh. Trong đó, quỹ nhà ở quận 2 sẽ có 3.500 căn được bán đấu giá, 1.800 căn khi xây xong cũng được bán luôn cho chủ đầu tư để kinh doanh quỹ nhà này. Do đó, sẽ có sự chuyển đổi từ nhà ở tái định cư thành nhà thương mại”, ông Hùng cho biết thêm.

Bài toán nan giải

Cũng theo ông Đỗ Phi Hùng, hiện có ba đơn vị cùng quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước là sở Xây dựng, sở Tài nguyên và Môi trường và sở Tài chính. Mới đây, sở Xây dựng cũng đã trình phương án thành lập trung tâm Quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước để đơn vị này quản lý khi các doanh nghiệp công ích quận, huyện cổ phần hóa.

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu về nhà ở của người dân tại địa bàn TP.HCM rất cao. Tuy nhiên, bài toán về khủng hoảng thừa nhà tái định cư vẫn cực kỳ nan giải. Nguyên do không chỉ nằm ở tài chính mà còn nhiều vấn đề khác ảnh hưởng như: Công việc, môi trường sinh sống...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: “TP phải luôn có quỹ nhà tái định cư. Bởi, TP đang thực hiện nhiều chương trình, trong đó có chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị. Do đó, TP cần phải có một quỹ nhà có sẵn để khi cần thiết thì người dân có thể tạm cư ngay”.

“Khi bố trí nơi ở mới cho người dân thì tại đây phải có những tiện ích. Ví dụ, khu tái định cư Vĩnh Lộc B là khu có giá thành rẻ nhất nhưng cũng ít tiện ích nhất. Người dân khi đến ở, cũng đòi hỏi phải có các tiện ích kèm theo như: Trường học, trung tâm thương mại,... Tuy nhiên, công trình lại thiếu trường mẫu giáo, không có trung tâm thương mại mà chỉ có chợ tạm.

Điều hết sức quan trọng nữa là phải tính đến sinh kế của người dân khi được chuyển đến nơi ở mới. Nếu khu tái định cư không bố trí được việc làm cho cư dân thì họ sẽ không ở. Do đó, các dự án cần bố trí không gian sống thuận lợi, gần trường, trung tâm y tế, thuận lợi đến nơi làm việc... thì dân mới đến ở. Bởi vậy, không thể sử dụng quan niệm cũ, ép dân đến ở nơi mình muốn mà phải đưa dân đến nơi dân muốn đến”, ông Châu cho biết thêm.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Điềm, Tổng Giám đốc công ty TNHH đầu tư phát triển đô thị mới Thủ Thiêm cho biết: “Dân ở những khu vực giải tỏa thì đa phần là dân lao động có thu nhập thấp, chủ yếu kinh doanh, bán buôn nhỏ lẻ. Nhiều trường hợp vị trí được đền bù với số tiền không bằng với giá căn hộ tái định cư. Thêm vào đó, họ không đủ tiền để trả hàng tháng nên dẫn đến việc họ không thể vào ở. Nhiều dự án khi triển khai xây dựng quá lâu, người dân đã nhận tiền rồi đi nơi khác ở hết.

Điều này, dẫn đến việc thừa căn hộ tái định cư. Lúc này, việc bố trí người dân ở một số khu vực khác đến sinh sống tại những căn hộ này là bất khả thi. Hơn nữa, nhiều đơn vị sau quá trình dài thi công, xây dựng xong, giá thành được đội lên, khiến người dân muốn đến để sinh sống lại không đủ tiền”.

Nên chuyển khu tái định cư thành nhà ở thương mại?

Theo ông Nguyễn Văn Điềm, cần phải tạo đòn bẩy thu tiền về bằng cách Nhà nước cho chuyển đổi nhà ở tái định cư thành nhà ở thương mại. Qua đó, Nhà nước cũng thu được tiền. Trong khi đó chủ đầu tư đã bỏ tiền xây dựng cũng thu hồi được vốn.

Hoàng Minh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tphcm-nan-giai-bai-toan-khung-hoang-nha-o-tai-dinh-cu-a331849.html