TP HCM nêu lý do khó hợp nhất sở - ngành

Khối lượng công việc nhiều, có xu hướng ngày càng tăng và TP HCM cũng đang thí điểm nhiều mô hình quản lý nhà nước nên chưa thể hợp nhất sở - ngành

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản, chính thức kiến nghị lên Bộ Nội vụ không thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Trước đó, Bộ Nội vụ đã có Công văn 5898 ngày 27-11-2019 và Công văn 6670 ngày 31-12-2019 về báo cáo và đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Dân đông, việc nhiều

Theo ông Nguyễn Thành Phong, lý do TP HCM đưa ra là xuất phát từ vị trí, vai trò và quy mô, TP cần ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn.

Cụ thể, TP HCM là một trung tâm lớn về kinh tế - văn hóa - giáo dục - khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế và là đầu tàu, động lực có sức thu hút, sức lan tỏa mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với quy mô dân số lớn nhất nước, đóng góp cho ngân sách nhiều nhất nước. Hiện TP đang chịu sức ép của gần 9 triệu dân cư trú thực tế, đông gần 1/2 tổng số dân các tỉnh trong một vùng đông dân của cả nước là các tỉnh đồng bằng sông Hồng với 22,5 triệu dân, gần gấp 2 lần tổng số dân của một vùng ít dân nhất là các tỉnh Tây Nguyên với khoảng 5,8 triệu dân. Nếu so sánh theo từng tỉnh, dân số TP gấp 10 lần bình quân dân số của mỗi tỉnh, thành. Trừ TP với Hà Nội thì trung bình một tỉnh, thành chỉ khoảng 1,2 triệu dân.

Về thu ngân sách nhà nước, bình quân tổng thu ngân sách trên địa bàn TP chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó chỉ tiêu thu ngân sách được giao hằng năm cao gấp 10-20 lần so với các tỉnh, thành khác.

Khối lượng công việc giải quyết nhiều và có xu hướng ngày càng tăng nên việc ổn định quy trình giải quyết là rất quan trọng. Trong ảnh: Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư đang giải quyết hồ sơ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khối lượng công việc giải quyết nhiều và có xu hướng ngày càng tăng nên việc ổn định quy trình giải quyết là rất quan trọng. Trong ảnh: Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư đang giải quyết hồ sơ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Từ thực tế trên, UBND TP cho rằng với tính chất đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí, vai trò, đặc điểm của đô thị đặc biệt thì khối lượng công việc giải quyết ngày càng nhiều và có xu hướng ngày càng tăng. Mức độ phức tạp của công việc càng cao đòi hỏi việc tuân thủ quy trình, quy chuẩn, các kế hoạch, pháp luật phải triệt để và chính xác đang tạo nên áp lực lớn đối với tổ chức bộ máy cũng như đội ngũ cán bộ, công chức của TP.

Tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT), chỉ riêng lĩnh vực đào tạo, cấp giấy phép lái xe, hằng năm sở này cấp khoảng 550.000 giấy phép lái xe, đồng nghĩa với việc giải quyết 550.000 hồ sơ thủ tục có liên quan. Trung bình mỗi ngày có gần 1.500 hồ sơ thủ tục, chiếm khoảng 22% cả nước. Thống kê đến tháng 12-2019, TP đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện gồm ôtô, môtô. Riêng phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải chiếm 1/4 cả nước với hơn 83.000 đơn vị và hơn 770.000 ôtô kinh doanh vận tải với nhiều loại hình như xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tải… kéo theo khối lượng công việc dịch vụ công giải quyết nhu cầu của người dân rất lớn. Còn Sở Xây dựng trong năm 2019 đã nhận hơn 19.500 hồ sơ hành chính, trong đó giải quyết gần 18.000 hồ sơ. Trong 10 tháng của năm 2019, ngành tài nguyên - môi trường TP tiếp nhận hơn 570.000 hồ sơ các loại. Riêng lĩnh vực đất đai giải quyết hơn 500.000 hồ sơ cấp giấy chủ quyền, bình quân hơn 50.000 hồ sơ/tháng.

Đang thí điểm nhiều mô hình

Một lý do thuyết phục khác mà UBND TP đưa ra là hiện nay về mô hình tổ chức bộ máy, TP đang được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Ngoài ra, TP đã có văn bản xin Thủ tướng Chính phủ cho lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND các quận - huyện và tổ chức lại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc chính quyền cấp quận - huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất. TP cũng đang xin chủ trương trung ương cho xây dựng Đề án mô hình chính quyền đô thị. Vì vậy, TP cần ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn nên không thí điểm hợp nhất các sở - ngành cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Hiện TP có 20 cơ quan chuyên môn sở - ngành trực thuộc UBND TP; 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp quận - huyện. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, ở cấp tỉnh sẽ giảm còn 4 và ở cấp huyện giảm còn 3 đầu mối cơ quan chuyên môn. Cụ thể, ở cấp tỉnh, thí điểm hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Tài chính và Kế hoạch; Sở GTVT hợp nhất với Sở Xây dựng thành Sở GTVT và Xây dựng; Sở Nội vụ hợp nhất với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy thành cơ quan Tổ chức - Nội vụ; Thanh tra cấp tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy thành cơ quan Thanh tra - Kiểm tra.

Dưới góc độ cải cách hành chính, ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam Bộ Nội vụ, cho rằng việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn sẽ làm gọn, tránh cồng kềnh bộ máy. Tuy nhiên, việc sắp xếp phải xuất phát từ thực tế địa phương, không thể đại trà khi quy mô, vị trí giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn. "Với một TP có khối lượng công việc quá lớn như TP HCM thì việc hợp nhất có khi không mang lại hiệu quả tinh gọn bộ máy như mong muốn, trong khi đó giải quyết việc cho dân và doanh nghiệp có thể bị đình trệ" - ông Sơn nêu quan điểm.

Hạt nhân vùng nên không thể giống các tỉnh

Theo UBND TP HCM, TP đóng vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tham gia tổ chức xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư, góp phần giữ tốc độ tăng trưởng bình quân toàn vùng trong 10 năm qua gấp 1,5 lần so với cả nước.

Từ năm 2000, TP đã ký kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội với 36 tỉnh, TP. Các sở - ngành, đơn vị và hơn 1.134 doanh nghiệp của TP đã ký kết hợp tác tại các địa phương với 1.165 dự án có tổng giá trị ước khoảng 279.503 tỉ đồng. Việc các doanh nghiệp TP đầu tư và hình thành những khu công nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh trong vùng (từ tỉnh thuần nông nghiệp chuyển sang ngành công nghiệp chiếm phần lớn tỉ trọng trong GDP của tỉnh); góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương và giảm xu hướng di dân trong độ tuổi lao động vào TP. Vì vậy, đã là hạt nhân vùng thì không thể tổ chức giống các tỉnh, thành khác.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-neu-ly-do-kho-hop-nhat-so-nganh-20200219204606932.htm