TP.HCM ngày càng ngập nặng

Trải qua hơn chục năm tìm đủ phương án, đổ vài chục ngàn tỉ đồng vào hàng loạt dự án nhưng tình trạng ngập lụt tại TP.HCM không giảm mà ngày càng nghiêm trọng.

Tuyến đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp, TP.HCM) ngập nặng sau trận mưa ngày 19.5 - Ảnh: An Huy

[VIDEO] Mất ăn, mất ngủ vì nước ngập vào nhà sau cơn mưa cực lớn

Cứ mưa là ngập

Cần xây dựng trục thoát nước ngầm

Kỹ sư Lê Thành Công khẳng định chống ngập phải đảm bảo nguyên tắc muốn tiêu thoát phải trữ nước. Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch là lợi thế có sẵn để TP tận dụng trở thành những hồ điều tiết tự nhiên khổng lồ, dung tích lớn để trữ nước, tạo bậc thang hồ chứa để trữ và điều tiết thoát nước. Vì thế, cần xây dựng 1 trục thoát nước ngầm đường kính khoảng 3 m dọc các tuyến đường, đi qua tất cả các điểm ngập như hầu hết các TP lớn trên thế giới đều có.

Theo báo cáo sơ kết 2 năm rưỡi thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm chống ngập), TP hiện đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính ngập do mưa, gồm: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, QL13 (Q.Bình Thạnh), An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến Bến Phú Định), Gò Dầu, Lê Thành Phương, Mai Hắc Đế, Lương Văn Can, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng, Hồng Bàng, Tân Hương, Gò Dưa.

Thực tế, hầu hết những cái tên trong danh sách này đều là những tuyến đường ngập nghiêm trọng ngay trong những trận mưa đầu mùa. Đơn cử, cơn mưa lớn chiều 19.5, thông qua ứng dụng cảnh báo ngập UDI, Công ty thoát nước đô thị thông báo có hơn 30 điểm ngập trên toàn TP, cảnh báo người dân né tránh. Nhiều tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hữu Lầu (Q.7) và một số nơi khác tại Q.9... ngập như sông.

“Không thể tin TP lớn nhất, phát triển nhất mà người dân phải khổ sở như vậy. Không hiểu chống kiểu gì mà chỉ thấy TP ngày càng ngập nặng hơn. Ngày trước mưa lớn chút mới ngập, cũng chỉ xảy ra ở vài khu vực. Giờ thì hễ mưa là ngập, triều lên cũng ngập”, chị Nguyệt Anh (ngụ tại Q.Bình Thạnh) bức xúc.

[VIDEO] Khổ sở, ế ẩm vì ngập nặng trong cơn mưa bất ngờ lúc chiều tối

Lỗi quy hoạch, không phải thiếu tiền

Theo Trung tâm chống ngập, để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập của TP giai đoạn 2016 - 2020, cần kinh phí 73.379 tỉ đồng nhưng đến nay, tổng tất cả nguồn vốn bao gồm ngân sách TP, hỗ trợ từ T.Ư, cổ phần hóa... mới được 26.852 tỉ, còn cần huy động 46.527 tỉ.

Tuy nhiên, kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C, khẳng định TP có bỏ ra hàng trăm ngàn tỉ đồng thì ngập vẫn sẽ hoàn ngập. Nguyên nhân là công cuộc chống ngập của TP sai lầm ngay từ những bước cơ bản nên dù vung tiền ra vẫn không có tác dụng.

Đầu tiên là về vấn đề quy hoạch. Năm 2001, Chính phủ đã ban hành Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020. Tuy nhiên đến năm 2008, quy hoạch thủy lợi 1547 chống ngập úng khu vực TP.HCM lại được phê duyệt với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt của TP trong phạm vi diện tích vùng trung tâm 209.500 ha và một số vùng phụ cận. Đến 2010, TP lại ban hành quy hoạch 24 về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà trong đó có chương quy hoạch thoát nước mưa và nước thải. Như vậy hiện TP có 3 quy hoạch pháp lý còn hiệu lực, không biết phải làm theo cái nào. Chưa kể khi có các dự án quốc tế thì mỗi dự án lại có một tư vấn, thiết kế riêng khiến việc triển khai trở thành tùy tiện, bừa bãi.

[VIDEO] Mưa lớn, giao thông trên nhiều tuyến đường TP.HCM tê liệt vì ngập sâu

Thứ hai, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cơ bản về thoát nước theo từng chuyên đề về mưa, triều, tỷ lệ mốc cao độ (cốt nền)... nên hầu hết các dự án triển khai đều không có tác dụng. Ví dụ dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng do Tập đoàn Trung Nam đang thực hiện chưa có nghiên cứu thấu đáo biểu đồ mực nước, chưa giải quyết bài toán truyền triều vào cống, kênh rạch nên đặt giả thuyết ngay bây giờ toàn bộ hệ thống cống ngăn triều của Trung Nam hoàn thành thì khi mưa xuống, cả TP sẽ biến thành hồ trữ nước, nặng nhất là khu vực Q.1, Q.Bình Thạnh.

Hà Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-ngay-cang-ngap-nang-965135.html