TP HCM: Người dân kêu cứu vì một bản án có dấu hiệu thiếu khách quan?

Mua được mảnh đất nhưng không được sử dụng vì bị những người đồng thừa kế liên tục tranh chấp, bản án của TAND TP HCM sau đó có dấu hiệu thiếu khách quan nên người dân làm đơn kêu cứu.

Không có di chúc vẫn tự nhận được thừa kế

Theo hồ sơ thể hiện, phần đất tranh chấp tại phường Phước Long B, quận 9 có nguồn gốc của cụ Trương Văn Hai và cụ Đặng Thị Sắng. Cụ Hai và cụ Sắng có 9 người con chung, gồm: Liếng, Lắm, Lem, Rồi, Út, Quý và 3 người đã mất không có gia đình, con cái.

Về tài sản, hai cụ có tạo lập được căn nhà trên phần đất 1.907m2 tại số 614/53A tổ 2, KP 1, phường Phước Long B, quận 9. Sau khi hai cụ mất không để lại di chúc, bà Thu (là con dâu - vợ ông Rồi) do trước đó ở cùng cụ Sắng nên những người thừa kế để nhà đất trên cho bà Thu quản lí.

Ngày 18/12/2002, các con của cụ Hai và cụ Sắng đã họp và thỏa thuận phân chia tài sản. Theo đó, phần diện tích đất 1.907m2 do bà Thu quản lý trên được chia đều cho sáu người con thừa kế của cụ Hai và cụ Sắng.

Phần đất đang xảy ra tranh chấp.

Đến ngày 21/12/2002, những người đồng thừa kế của cụ Hai và cụ Sắng cùng với cán bộ UBND phường Phước Long B đã tiến hành đo đạc và lập biên bản phân chia phần đất trên cho các đồng thừa kế.

Sau đó, căn cứ vào việc thỏa thuận phân chia tài sản, anh Quốc (con bà Liếng), bà Lem và bà Út đã chuyển nhượng phần đất được chia thừa kế cho ông Nguyễn Văn Mười. Còn ông Quý, bà Phiến, anh Định (con ông Lắm) chuyển nhượng phần đất thừa kế được chia cho ông Trần Linh Ngọc.

Tưởng chừng sau khi thỏa thuận phân chia tài sản một cách hợp tình hợp lý thì mọi chuyện sẽ êm xuôi, tuy nhiên, bà Thu bất ngờ không đồng ý với bản thỏa thuận phân chia tài sản mà chính bà đã ký và một mực cho rằng phần đất của cụ Hai, cụ Sắng để lại là tài sản thuộc sở hữu riêng của chồng bà là ông Rồi, không phải tài sản chung của các đồng thừa kế.

Từ đây, ông Mười và ông Ngọc bắt đầu chuỗi ngày khốn khổ khi loay hoay đứng giữa “cuộc chiến” của những người thừa kế.

Bản án thiếu khách quan?

Do không hòa giải được, bà Thu sau đó đã khởi kiện ra Tòa. Ngày 19/01/2017, TAND quận 9 đã có bản án số 20/2017/DS-ST về việc tranh chấp quyền sử đất tại phần đất nêu trên. Theo đó, Tòa công nhận hợp đồng mua bán của ông Mười và ông Ngọc đối với các đồng thừa kế (bị đơn) là ngay tình hợp pháp. Qua đó, công nhận thỏa thuận việc phân chia tài sản ngày 18/12/2002 của các đồng thừa kế.

Tuy nhiên, tại bản án số 1117/2017/DSPT (bản án phúc thẩm) ngày 11/12/2017 của TAND TP HCM lại tuyên mảnh đất tranh chấp trên là của bà Thu và hủy hợp đồng sang nhượng đất giữa những người đồng thừa kế (bị đơn) với ông Mười và ông Ngọc.

Theo ông Mười, ông Ngọc và các đồng thừa kế là bị đơn của cụ Hai và cụ Sắng, bản án phúc thẩm trên có rất nhiều mâu thuẫn và thiếu căn cứ (?).

Cụ thể, các đồng thừa kế (bị đơn) đều khẳng định khi hai cụ mất đều không để lại di chúc và vợ chồng bà Thu chỉ là tạm đứng ra quản lý tài sản chứ không phải được cho vì ở đó có nhà thờ họ. Theo đó, việc vợ chồng bà Thu đứng ra đăng bộ hay kê khai thì bản chất chỉ là đại diện cho các đồng thừa kế chứ không thể là căn cứ để xác lập quyền sở hữu.

Còn ông Mười bức xúc cho biết: “Thực tế chúng tôi đã nhận chuyển nhượng đất của các ông bà trên từ ngày 27/12/2002, trả tiền đầy đủ và nhận nhà đất, cho đến nay không hề có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng. Thế nhưng, TAND TP HCM lại cho rằng các hợp đồng này là vô hiệu. Tòa không giải quyết hết về hậu quả hợp đồng vô hiệu và tách để giải quyết bằng vụ án khác là thiếu trách nhiệm, bỏ qua quyền lợi chính đáng của chúng tôi”.

Biên nhận đơn xin kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP HCM.

Theo các đồng thừa kế (bị đơn) còn cho rằng, Tòa đã có dấu hiệu “thiên vị” trước lời khai của phía bà Thu đưa ra. Cụ thể, những đồng thừa kế của ông Rồi và bà Thu cho rằng tại biên bản họp gia đình vào ngày 2/11/1994 để chia số tiền đền bù đất đợt 2 ở Thủ Đức (đây là tài sản khác, thời điểm này cụ Hai, cụ Sắng đã mất, ông Rồi đứng ra nhận tiền giải quyết), nhưng không ai đề cập đến việc chia nhà đất, từ đó làm một trong những căn cứ công nhận việc ông Rồi được hai cụ cho phần đất trên.

Theo các đồng thừa kế (bị đơn), bản chất của biên bản họp gia đình là chia số tiền đền bù chứ không phải chia đất. Theo đó, không thể căn cứ vào việc gia đình không đề cập đến việc chia đất là đồng ý việc hai cụ đã cho đất ông Rồi.

Tại phiên tòa phúc thẩm, theo ý kiến của VKSND TP HCM về vụ án trên thì căn cứ giấy thỏa thuận ngày 18/12/2002 và biên bản đo đạc ngày 21/12/2002 nên bên bán đã lập hợp đồng sang nhượng đất cho ông Mười, ông Ngọc. Do đó để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bên thứ 3 ngay tình và tính ổn định, cần bác yêu cầu kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm là công nhận những hợp đồng chuyển nhượng trên.

Nguyễn Hiếu

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/tp-hcm-nguoi-dan-keu-cuu-vi-mot-ban-an-co-dau-hieu-thieu-khach-quan-d72829.html