TP HCM nhiều chủ xe buýt 'xin nghỉ' vì quá lỗ?

Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Chủ nhiệm HTX vận tải Quyết Thắng cho biết sẽ ngưng vận hành tuyến xe buýt số 56 vì lỗ quá nhiều.

Ngày 15-11, tại phiên giải trình về tình hình vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn TP HCM do Thường trực HĐND TP HCM tổ chức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Trần Quang Lâm đưa ra nhiều con số đáng lo ngại.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, khối lượng vận tải hành khách công cộng bàng xe buýt đạt 131 triệu lượt, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2018, và chỉ đạt 51% kế hoạch năm 2019. Trong giai đoạn 2014-2018, hành khách đi xe buýt chỉ giảm 6,6% mỗi năm.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết hành khách đi xe buýt giảm 6 năm liên tiếp

Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết hành khách đi xe buýt giảm 6 năm liên tiếp

Lý giải việc hành khách đi xe buýt giảm, ông Lâm cho biết nguyên nhân chính do tình trạng kẹt xe. Trong 7 tháng đầu năm 2019, có 330.00 chuyến chậm trên 15 phút do ảnh hưởng của các điểm ùn tắc giao thông.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX Vận tải 19/5, cho hay hành trình bình quân chậm hơn biểu đồ giờ quy định là từ 15-20 phút, thậm chí có tuyến chậm hơn 30 phút. "Xe buýt là phải nhanh, đúng giờ và an toàn nhưng giờ nhanh và đúng giờ không đảm bảo, khách bỏ xe buýt là điều tất nhiên. Khách mất nhưng tiền nhiên liệu tăng, tài xế vẫn phải trả lương nên tình hình cực kỳ khó khăn" - ông Triệu, phân tích.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX Vận tải 19/5 lo lắng khi lượng khách đi xe buýt ngày càng giảm

Ông Triệu cho rằng, TP đã xác định đẩy mạnh phương tiện giao thông công cộng thì nên hỗ trợ đơn vị vận tải đầu tư xe mới, nhân lực, có làn đường riêng cho xe buýt; cải thiện hệ thống trạm dừng, nhà chờ...

Trong khi đó, bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Chủ nhiệm HTX vận tải Quyết Thắng trăn trở: "Giá phương tiện đầu tư từ năm 2014-2017 cho đến nay, cao hơn gần gấp 3 giá trị xe so với năm 2002. Lúc đó xe cao nhất là hơn 8.940 triệu đồng, giờ là 2,75 tỉ đồng".

Bà Thanh cho biết, HTX đang vận hành tuyến phục vụ sinh viên từ trung tâm TP ra Thủ Đức (34 km) với giá vé 3.000 đồng. Trước trung bình một chuyến có 82 khách, 2 năm nay chỉ còn khoảng 60 khách.

Một tuyến khác là 56, phục vụ đối tượng chính là học sinh, thầy cô giáo từ Chợ Lớn về Trường ĐH Giao thông vận tải với quãng đường 23,9 km, giá vé là 3.000 đồng, 5.000 đồng và 6.000 đồng. "Tính từ tháng 12-2018 đến giờ, mỗi xe nợ khoảng hơn 300 triệu đồng. Chúng tôi sẽ báo với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM ngưng hoạt động tuyến này" - bà Thanh nói.

Bài-ảnh: Phan Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-nhieu-chu-xe-buyt-xin-nghi-vi-qua-lo-20191115150837744.htm