TP.HCM phải cứu mình bằng mở rộng liên kết vùng

Tại hội thảo khoa học Tầm nhìn phát triển đô thị TP.HCM hướng tới mục tiêu xây dựng Thành phố sống tốt, tổ chức ngày 17/11/2017, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc TP.HCM cần mở rộng liên kết vùng để nhận được sự hỗ trợ tối ưu hơn từ các địa phương lân cận, chứ không nên 'loay hoay' một mình.

TP.HCM cần phải nhìn thẳng vào những hạn chế để điều chỉnh hướng phát triển cho đúng. Ảnh: Tường Lâm

Tự đẩy mình vào thế bí trong quy hoạch

Thực tế lâu nay minh chứng, việc TP.HCM ôm đồm quá nhiều chức năng và chưa phân bổ hợp lý cho các địa phương lân cận, đã và đang tự đẩy mình vào thế bí trong quy hoạch. Cho nên, muốn đưa TP.HCM trở thành một siêu đô thị như kỳ vọng, đòi hỏi bản thân Thành phố phải tự bứt ra khỏi cách làm cũ.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, đã có rất nhiều chương trình quy hoạch để cải thiện đô thị nhưng vẫn chưa có mô hình nào tối ưu. Một thành phố sống tốt thì không thể để tình trạng ngập lụt, kẹt xe xảy ra thường xuyên được. Vì vậy, cần phải có giải pháp quy hoạch xuất sắc, đặc biệt là phải có một nền tảng tốt và bền vững.

Ngoài ra, việc ôm đồm quá nhiều chức năng trong bối cảnh nguồn lực có hạn khiến cho TP.HCM ngột ngạt, quá tải, rất khó để cải thiện. Do đó, nếu TP.HCM liên kết vùng tốt với Bình Dương, Long An, Đồng Nai... thì những vấn nạn trên sẽ được giải tỏa. Điều này theo các chuyên gia là hợp lý, vì chỉ tính riêng nguồn lao động nhập cư, TP.HCM lâu nay chịu áp lực rất lớn, nhất là về chỗ ở. Trong khi đó, ở các địa phương nêu trên, nhà ở xã hội rất nhiều mà không bán được.

Bên cạnh việc kêu gọi “thức tỉnh vùng”, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa còn cho rằng, TP.HCM đã đến lúc cần phải hiểu “mình cứu vùng tức là vùng cũng cứu mình”. Nghĩa là, đừng tạo ra những hố sâu với các tỉnh xung quanh mà cứ để cho TP.HCM phát triển tự nhiên. Hay nói nôm na, TP.HCM đừng mơ ước sẽ lấy một phần Bình Dương, một phần Long An, Đồng Nai mà hãy liên kết tốt với các địa phương đó để cứu lấy mình.

Thiếu tính gắn kết

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và kiến trúc TP.HCM, nói một cách thẳng thắn thì TP.HCM lâu nay chưa làm được quy hoạch chiến lược. Vì vậy, cần phải làm trình tự từ quy hoạch chung đến chi tiết rồi mới dồn toàn lực để phát triển. Một thành phố lớn như TP.HCM mà mỗi người làm một mảng, lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa không có gắn kết gì với nhau thì rất khó để phát triển đồng bộ.

Nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề quy hoạch đã được bàn nhiều, nhưng dường như tiếng nói của các chuyên gia vẫn chưa được lãnh đạo TP.HCM ghi nhận đứng mức. Rõ ràng, TP.HCM cần phải nhìn thẳng vào những hạn chế để điều chỉnh hướng phát triển cho đúng, từ đó mới giải quyết được những hạn chế hiện nay. Trong đó, trước mắt phải tập trung giải quyết ngay bài toán giao thông và ngập nước.

Một cảnh báo của TS Nguyễn Thị Hậu được các đại biểu rất quan tâm, đó là việc bảo lưu và gìn giữ các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển đô thị ở TP.HCM lâu nay dường như chưa được chú trọng. Địa danh Sài Gòn từ xa xưa đã gắn liền với hình ảnh của một đô thị cảng. Việc di dời cảng ra ngoài địa bàn TP.HCM trong bối cảnh liên kết vùng lỏng lẻo như hiện nay khiến TP.HCM rất dễ mất đi các đặc trưng văn hóa của mình, đó là chưa kể nguồn lực kinh tế của cảng không còn.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, trước đây khi kinh tế chưa phát triển, TP.HCM cần có cảng Sài Gòn nhưng đến nay đã có cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa – Vũng Tàu rồi thì nên cân nhắc lại, đôi khi nên buông về cho các địa phương. Tương tự, việc quy hoạch đô thị cũng cần phải nhìn rộng hơn, nếu chỉ cần 1 – 2 cây cầu bắc qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai thôi thì dân TP.HCM về sống ở đây sẽ tốt hơn nhiều so với Nhà Bè, nơi vùng đất yếu và thường xuyên ngập lụt.

Ngô Ngãi

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/tphcm-phai-cuu-minh-bang-mo-rong-lien-ket-vung-56150.html