TP.HCM: Tập trung phòng chống triều cường, sạt lở trong mùa mưa lũ

Các quận, huyện có công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để giúp tiêu thoát nước, phòng chống triều cường, ngập úng, sạt lở bảo vệ an toàn cho các khu vực dân cư trên địa bàn TP.

Trước tình hình mùa mưa lũ năm 2018, UBND TP.HCM đã giao Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP phối hợp với UBND các quận, huyện có công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để giúp tiêu thoát nước, phòng chống triều cường, ngập úng, sạt lở bảo vệ an toàn cho các khu vực dân cư trên địa bàn TP.

Đồng thời, xử lý các dự án tiêu thoát nước đang trong quá trình thi công đã chặn dòng gây tắc nghẽn dòng chảy dẫn đến làm phát sinh các điểm ngập mới. Lắp đặt bổ sung các cửa van, cửa xả đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng cho khu vực.

Bên cạnh đó bảo dưỡng định kỳ các máy bơm, trạm bơm, cống kiểm soát triều Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy – ruột Ngựa, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa đảm bảo vận hành hiệu quả và liên tục.

UBND TP.HCM giao Khu Quản lý giao thông đô thị lập kế hoạch nâng cấp, duy tu hệ thống cống thoát nước trên các tuyến đường thường xuyên bị ngập úng do mưa lớn, triều cường. Đối với Khu Quản lý đường thủy nội địa, UBND TP lập kế hoạch duy tu, sửa chữa các tuyến kè đã xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai thi công các dự án kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa.

Đối với việc khai thác, bơm hút, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu và vùng ven biển Cần Giờ, UBND TP.HCM giao Công an TP cần xử lý nghiêm các chủ phương tiện tàu thuyền.

Riêng UBND quận 8, quận Thủ Đức và huyện Củ Chi cần khắc phục các sự cố và các khiếm khuyết của công trình nâng cấp tuyến bờ bao rạch Bà Tàng, công trình bờ bao sử dụng cừ nhựa uPVC rạch Gò Dưa và rạch Thủ Đức, bờ bao uPVC rạch Gò Dưa, công trình bờ bao rạch Nhà Vuông và công trình bờ bao rạch Võ.

Một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) đêm 26/6/2017 khiến 5 căn nhà bị hư hại nghiêm trọng, hàng chục người phải di dời khẩn cấp

Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, hiện nay, trên địa bàn TP có 37 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch; so với năm 2017 giảm 3 vị trí. Tuy nhiên, phát sinh mới 5 vị trí, giảm 8 vị trí do đã xây dựng kè hoặc di dời dân ra khỏi khu vực sạt lở.

Các vị trí sạt lở mới gồm: Bờ phải rạch Tra, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, sạt lở đường vào nhà máy Tân Hiệp; bờ phải sông Chợ Đệm - Bến Lức, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh; bờ phải rạch Bầu Le (thượng lưu cầu Bầu Le), xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; bờ trái sông Sài Gòn, cách cầu Sài Gòn 4,5km về phía thượng lưu, thuộc khu đất ông Trần Ngọc Diện, phường Thảo Điền, Quận 2; vị trí Km 00 + 500, bờ trái, tuyến Tắc Ông Nghĩa (cách hạ lưu cầu An Nghĩa khoảng 400m) thuộc ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ.

Theo Sở GTVT TP, với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, trong mùa mưa bão năm nay, dự báo trên địa bàn TP tình hình sạt lở bờ sông diễn ra với mức độ gia tăng.

Về tình hình khắc phục các vị trí sạt lở từ nay đến cuối năm 2018, Sở GTVT TP cho hay, nếu được bàn giao mặt bằng thi công trong tháng 8, đến cuối năm sẽ tiếp tục thi công hoàn thành 8 công trình; trong đó, Khu Quản lý đường thủy nội địa hoàn thành 7 công trình và UBND huyện Nhà Bè hoàn thành 1 công trình.

PHẠM ĐỨC

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/tp-hcm-tap-trung-phong-chong-trieu-cuong-sat-lo-trong-mua-mua-lu-11751.html