TP HCM thu hồi đất cạnh đường mới để tái định cư tại chỗ

Người dân tại TP HCM khi bị thu hồi đất làm đường sẽ được tái định cư tại chỗ, mặc dù diện tích nhỏ hơn, nhưng giá đất lại tăng lên do hạ tầng dự án mang lại.

Đây là nội dung trong đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" vừa được UBND TP HCM phê duyệt.

Thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới tại TP HCM có lợi cho nhà nước và người dân (Ảnh TT)

Thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới tại TP HCM có lợi cho nhà nước và người dân (Ảnh TT)

Theo đề án này, người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích đất nhỏ hơn, tỉ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại.

Diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó.

Đánh giá về đề án này, Thạc sĩ Lê Quang Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và Đô thị cho rằng, đây là một đề án phù hợp với thực trạng quản lý đất đai cũng như quản lý quy hoạch đô thị hiện nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nam đưa ra các lý do: Thứ nhất, chủ trương của thành phố cũng như nguyện vọng của người dân toàn thành phố là cần thiết phải chỉnh trang toàn diện một đô thị đang quá nén, quá tải so với hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển. Tuy nhiên, hiện nay công tác chỉnh trang đô thị đang gặp nhiều khó khăn, bất cập đó là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, việc đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết bài toàn đền bù một cách hợp lý, thỏa đáng và hợp lòng dân là hết sức cần thiết.

Thứ hai, hiện nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị lớn của Việt Nam nói chung đều đang gặp nhiều bất cập như thời gian kéo dài do vướng mắc trong thỏa thuận đền bù, chi phí cho việc thực hiện công tác đền bù tại các dự án mở rộng đường giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác rất lớn, bài toán hiệu quả kinh tế đầu tư các dự án nói trên chưa cao, dẫn đến nguồn lực đầu tư bị hạn chế.

Như vậy, việc đề xuất thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá sẽ có thêm phương pháp giải cho các nhà quản lý cũng như các nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến trình công tác chỉnh trang đô thị.

Mặt khác, đề án trên cũng đã áp dụng tại một số quốc gia như Singapor, Hàn Quốc,…. và không xa, giai đoạn 2005-2010 Thành phố Đà Nẵng cũng áp dụng tương tự cho dự án mở rộng và kéo dài đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ Vòng xoay Hoàng Diều đến bờ tây Cầu Rồng là đáng để tham khảo.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt đề án này, theo ông Nam, thành phố cũng cần thận trọng nghiên cứu và vận dụng các quy định của Pháp luật hiện hành, cụ thể tại Điều 62 của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Điều 69 của Luật Đất đai năm 2013.

Theo đó, khi thực hiện dự án mở rộng, chỉnh trang đô thị, nâng cấp hệ thống hạ tầng,… thì Luật Quy hoạch đô thị cho phép tổ chức thu hồi đất hai bên đường theo quy hoạch, tổ chức đấu giá hoặc đầu thầu để lựa chọn chủ đầu tư theo quy định. Phạm vi quy hoạch có thể mở rộng bằng các đồ án quy hoạch chỉnh trang đô thị theo từng nhu cầu, mục đích của mỗi khu vực, hiện trạng và đặc tính của khu vực đó.

Muốn vậy, trong mỗi đồ án cần thiết phải có bước điều tra xã hội học tại mỗi khu vực, phạm vi quy hoạch để đánh giá và xem xét tính đồng thuận của người dân trong phạm vi quy hoạch đó. Đặc biệt, cần thí điểm một dự án điển hình sau đó hoàn thiện cơ chế để từ đó vận dụng và nhân rộng.

Ngoài ra, công tác thẩm định giá đất, tổ chức đấu thầu tái định cư tại chổ cũng cần tính toán kỹ lưỡng và có nhiều phương án khác nhau để lựa chọn, ông Nam nói.

Đề án sẽ được thực hiện trong năm 2021. Quá trình triển khai đề án phải đảm bảo đúng quy trình, quy định pháp luật; luôn cập nhật các quy định pháp luật sửa đổi liên quan; phát huy vai trò giám sát của HĐND các cấp. Định kỳ 6 tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, điều chỉnh phù hợp thực tế và báo cáo UBND thành phố, Thành ủy.

Trong tổng thu ngân sách của TP HCM giai đoạn 2016 - 2020 ước tính gần 1.873.000 tỷ đồng. Số thu từ đất tại thành phố chỉ chiếm 3-5% tổng thu địa phương và được đánh giá quá khiêm tốn so với tiềm năng.

Thảo Nguyên

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/tp-hcm-thu-hoi-dat-canh-duong-moi-de-tai-dinh-cu-tai-cho-73096.html