TP HCM tiếp tục hỗ trợ người lao động 'mùa' dịch Covid -19

TP HCM sẽ chi hơn 27 tỉ đồng từ nguồn Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 để tiếp tục hỗ trợ cho hơn 27.000 người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM vừa có công văn đề nghị Ủy ban MTTQ TP HCM sử dụng nguồn Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 để xem xét hỗ trợ gần 27.500 người lao động (NLĐ) tự do gặp khó khăn do dịch Covid-19. Xung quanh chính sách này, phóng viên Báo Người Lao Động đã có buổi trao đổi với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.

* Phóng viên: Vì sao sở lại đề xuất hỗ trợ cho nhóm đối tượng này?

- Ông LÊ MINH TẤN: Đề xuất này nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM tại Công văn 6305 (ngày 29-7-2020) về việc hỗ trợ NLĐ tự do bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có đề nghị Ủy ban MTTQ TP sử dụng nguồn Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 để xem xét hỗ trợ cho nhóm đối tượng trên. Đây là nhóm đối tượng không thuộc 6 ngành nghề, công việc quy định tại điểm C, khoản 1, điều 7 Quyết định 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Qua khảo sát bước đầu tại 24 quận - huyện, số lượng NLĐ tự do bị mất việc gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP là 27.449 người, trong đó 6.701 người ngoại tỉnh.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM

* Cụ thể là những đối tượng nào, thưa ông?

- Đối tượng được hỗ trợ là NLĐ tự do không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, làm việc thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, thường không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản bảo đảm an sinh xã hội; NLĐ tự do bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để được nhận hỗ trợ, NLĐ tự do bị mất việc làm thuộc tiêu chí đối tượng nêu trên và phải có đủ các điều kiện: không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo TP trong tháng 4-2020 (dưới 3 triệu đồng/tháng); cư trú hợp pháp tại địa phương. Trường hợp NLĐ tạm trú trên địa bàn TP thì phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận; làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành - nghề phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 4-2020 theo các văn bản chỉ đạo của UBND TP triển khai thực hiện Chỉ thị 15/2020; Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Lao động làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải hành khách công cộng là đối tượng được hỗ trợ lần này Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cụ thể là NLĐ làm việc tại các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi; các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer pub, hát với nhau; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (internet, game-online); các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện; các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga…), các trung tâm thể dục, thể thao và các khu luyện thể thao công cộng; tại bến xe, làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải hành khách công cộng.

Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người, hỗ trợ cho tháng 4-2020. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 27 tỉ đồng, từ Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 TP.

* Để nhận được hỗ trợ, NLĐ tự do cần làm những thủ tục gì?

- Trình tự, thủ tục thực hiện theo đúng quy định tại điều 8 Quyết định 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 3, mục VI, Công văn 1562 của UBND TP HCM. Hồ sơ NLĐ đề nghị theo Mẫu số 1 (theo Công văn 1562), gửi UBND cấp xã, phường, thị trấn (sau thời điểm TP chấp thuận thực hiện).

Đối với NLĐ ngoại tỉnh, tạm trú trên địa bàn TP, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ thì phải cam kết về việc không đề nghị hưởng các chính sách hỗ trợ khác tại địa phương nơi thường trú; trường hợp phát hiện cam kết của NLĐ không đúng sự thật thì NLĐ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và hoàn trả kinh phí hỗ trợ theo quy định. Trường hợp NLĐ tự do thuộc diện được hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết số 42/2020, Quyết định số 15/2020 của Chính phủ thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất do quận - huyện, xã - phường, thị trấn xác định.

Ví dụ trường hợp NLĐ tự do trước đây đã nhận hỗ trợ của nhóm người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 (mức hỗ trợ 750.000 đồng/người) thì quận - huyện thực hiện chi bổ sung thêm mức 250.000 đồng/người cho đủ mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người. Trường hợp NLĐ tự do trước đây đã nhận hỗ trợ của nhóm người có công với cách mạng, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 (mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người) thì không giải quyết chính sách hỗ trợ nói trên.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, Ủy ban MTTQ TP sẽ chuyển kinh phí hỗ trợ cho UBND quận - huyện để chi hỗ trợ cho NLĐ. Chủ tịch UBND quận - huyện có trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định; hoàn trả Ủy ban MTTQ quận - huyện để chuyển về Ủy ban MTTQ TP đối với phần kinh phí không sử dụng hết khi hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng. UBND quận - huyện cũng chịu trách nhiệm về việc xác định theo tiêu chí, điều kiện, thẩm định và chi hỗ trợ NLĐ, bảo đảm việc chi hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chính sách. Ủy ban MTTQ TP sẽ chủ trì, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng nêu.

100% NLĐ được hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Lê Minh Tấn cho biết đến ngày 31-8, TP đã giải quyết hỗ trợ cho 546.800 đối tượng của 4.822 đơn vị (đạt 100%) với số tiền hơn 598 tỉ đồng. Trong đó, có 59.331 NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc) của 2.027 doanh nghiệp với số tiền hơn 60,8 tỉ đồng; 1.058 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (1 triệu đồng/tháng)... 13.105 giáo viên, nhân viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ nghỉ việc không hưởng lương (1 triệu đồng/người/tháng) cũng được nhận hỗ trợ trong đợt vừa rồi.

PHAN ANH thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/tp-hcm-tiep-tuc-ho-tro-nguoi-lao-dong-mua-dich-covid-19-20200903210120216.htm