TP HCM tiếp tục kiến nghị điều chỉnh tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố

UBND TP HCM cho rằng việc điều chỉnh tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố sẽ góp phần tạo nguồn lực cho thành phố phát triển nhanh và bền vững; chủ động giải quyết những khó khăn, thách thức hiện nay

Chiều 12-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Tham dự buổi giám sát có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.

Tham dự buổi giám sát có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.

Phấn đấu đạt 90% chỉ tiêu thu ngân sách

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết TP HCM đã trải qua 4 đợt dịch. Ba đợt dịch đầu, thành phố đã kiểm soát được. Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27-4, thành phố đã nhận thấy nguy cơ dịch bệnh và nhanh chóng quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố nhưng vẫn bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Theo ông Dương Anh Đức, tác động của đợt dịch lần thứ 4 phản ánh rõ trong bức tranh kinh tế của thành phố. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng tăng 5,66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên đến quý 3 thực hiện triệt để giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, giảm 24,39% so với cùng kỳ.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức thay mặt UBND TP HCM báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội

Do những khó khăn trên, GRDP 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ, dự báo cả năm 2021 giảm 5,06% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%).

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho hay trong các tháng cuối năm 2021, thành phố sẽ tập trung phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. TP HCM tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch; kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Cùng với đó, TP HCM sẽ thúc đẩy các dự án đầu tư công bằng cách đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiên cứu rút ngắn các quy trình, thủ tục đầu tư để sớm triển khai thi công xây dựng; rà soát, kiên quyết cắt giảm mạnh vốn đầu tư cho các dự án chưa thật sự cấp bách.

"TP HCM phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 đạt trên 95%" - ông Dương Anh Đức nói.

Ngoài ra, TP HCM tập trung triển khai các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách; phấn đấu đạt trên 90% chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021.

Nhiều kiến nghị gửi đến Chính phủ

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, để góp phần tạo nguồn lực cho thành phố phát triển nhanh và bền vững theo định hướng của Đảng, Nhà nước; chủ động giải quyết được những khó khăn, thách thức hiện nay và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển và tạo động lực phát triển cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giai đoạn 2022-2025.

Ngoài ra, TP HCM cũng kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việc này nhằm kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do tác động của đại dịch Covid-19, nhất là các địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ;

Ông Dương Anh Đức cho hay nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng với các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp trong giai đoạn sắp tới, thành phố kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở.

Theo đó, kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở; mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các Trạm Y tế; có cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Dịch có nhiều diễn biến tích cực

Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho hay từ ngày 30-9, thành phố đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Mục tiêu của thành phố tiếp tục kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố an toàn, linh hoạt, hiệu quả, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, qua hơn 10 ngày thực hiện, đến nay, các chỉ tiêu theo dõi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến tích cực, số ca mắc mới trung bình ngày giảm 5 lần so với lúc đỉnh dịch. Số trường hợp tử vong hàng ngày đến nay đã giảm dưới hai con số. Không còn hiện tượng quá tải tại các bệnh viện Covid-19.

"Những điều này phản ánh tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát tốt" - ông Dương Anh Đức nhìn nhận.

Phan Anh; Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/tp-hcm-tiep-tuc-kien-nghi-dieu-chinh-ti-le-dieu-tiet-cho-ngan-sach-thanh-pho-20211012154427872.htm