TP.HCM tìm hướng đi mới cho chợ truyền thống

Trước thách thức kinh doanh sụt giảm, thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, chợ truyền thống ở TP.HCM cần có những giải pháp mang tính toàn diện. Thành phố đang đặt ra mục tiêu hiện đại hóa hệ thống chợ truyền thống, phát triển các chợ thành điểm tham quan, mua sắm du lịch…

TP.HCM cần nâng cấp chợ, đa dạng cách thức bán hàng và kết hợp phát triển du lịch.Ảnh minh họa

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 233 chợ truyền thống (224 chợ đang hoạt động). Lượng hàng hóa tại hệ thống chợ chiếm 60 - 65% tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố.

KHÁCH ĐẾN CHỢ TRUYỀN THỐNG GIẢM

Sở Công thương TP.HCM cho biết sức mua của người dân và số lượng tiểu thương hoạt động tại các hệ thống chợ truyền thống có xu hướng giảm sau đại dịch. Cụ thể, số lượng thương nhân hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 khoảng 60% - 80% tùy chợ và tùy ngành hàng.

Trong đó, các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, số tiểu thương quay lại kinh doanh đạt từ 80% - 100%; ngành hàng khác như quần áo, vải, giày dép,… khoảng 30% - 70%.

Qua khảo sát, tùy theo chợ, đặc thù khu vực và tùy thời điểm, hiện nay lượng khách đến tại chợ giảm 20% - 30% so với thời điểm trước dịch và giảm 30% - 50% so với thời điểm năm 2019.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, xu hướng thị trường tiêu dùng ngày ngày càng ưu tiên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, chưa kể có nhiều chương trình khuyến mãi được các siêu thị, trung tâm thương mại, mua sắm qua các trang thương mại điện tử... khiến đa số khách hàng đang dần dần thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm.

Trong khi đó, nhiều bất cập tồn tại trong kinh doanh và công tác quản lý chợ cũng là nguyên nhân làm giảm thu hút khách hàng đến với chợ như chính sách đầu tư, quy hoạch phát triển thương mại của địa phương; mô hình quản lý, nhận thức của ban quản lý chợ, tiểu thương… chưa bắt nhịp kịp thị hiếu người tiêu dùng hiện đại.

Tại tọa đàm "Định hướng phát triển đối với mô hình chợ trên địa bàn Quận 1" do Sở Công thương TP.HCM tổ chức, TS Lê Thị Hải Yến, đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM với đề tài "Chợ truyền thống dưới góc nhìn người tiêu dùng", cho biết theo kết quả nghiên cứu, đối với hình thức mua sắm tại chợ truyền thống, người dân hài lòng nhất với giá cả.

Liên quan đến đánh giá của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa tại chợ truyền thống, TS Yến cho biết đa phần người dân cho rằng các sản phẩm tại chợ truyền thống tươi ngon hơn các kênh mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, người tiêu dùng không đánh giá cao mức độ an toàn của thực phẩm tại chợ truyền thống. Điều này cũng khá dễ hiểu vì hàng hóa bày bán tại chợ truyền thống không được đính kèm với nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, sự đáp ứng của chợ truyền thống với nhu cầu của người tiêu dùng cũng không được đánh giá quá cao. Vì người tiêu dùng ngày nay có thể tiếp cận với nhiều kênh mua sắm trực tuyến cùng một lúc nên họ sẽ dễ dàng tìm thấy sản phẩm mình đang tìm kiếm, điều này làm cho hình thức mua sắm tại chợ truyền thống giảm.

NÂNG CẤP CHỢ, ĐA DẠNG CÁCH THỨC BÁN HÀNG

Để nâng cao hiệu quả của hoạt động chợ truyền thống, TS Yến và nhóm nghiên cứu đưa ra loạt giải pháp. Trong đó, thành phố cần duy trì chợ truyền thống dựa trên những điểm mạnh vốn có như: Giá cả phải chăng, hàng hóa tươi mới, đồng thời cần đẩy mạnh tương tác xã hội trong hoạt động bán hàng như livestream.

Theo đại diện Viện nghiên cứu Phát triển TPH.CM, trong quá trình cải tạo, nâng cấp, chợ truyền thống cần gắn với phát triển du lịch, kinh tế ban đêm. Cải thiện chợ truyền thống về vấn đề vệ sinh, chất lượng hàng hóa.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng phải có hệ thống các giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, trước hết là phải thay đổi mô hình chợ, nâng cao chất lượng phục vụ tại chợ, hình thành các chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội vào phát triển của hệ thống chợ tại TP.HCM nói chung và tại quận 1 nói riêng.

KOL, Tiktoker, người nổi tiếng livestream bán hàng cùng tiểu thương chợ Bến Thành vào tháng 12/2023.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết trên cơ sở tổng hợp từ kế hoạch của các địa phương, dự kiến đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, TP.HCM tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tối ưu hóa hệ thống chợ truyền thống.

Cụ thể, giảm số lượng chợ còn 216 (giảm 17 chợ), trong đó, 199 chợ sẽ được giữ nguyên hiện trạng, 34 chợ sẽ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng và 17 chợ mới sẽ được phát triển.

Trong đó, đặc biệt đối với hệ thống chợ truyền thống tại khu vực nội thành hiện hữu và phát triển với 2 định hướng.

Thứ nhất: Hạn chế phát triển mới chợ ở khu vực nội thành, việc phát triển mới chỉ thực hiện khi có nhu cầu bố trí tiểu thương của các chợ di dời, giải tỏa.

Thứ hai: Tập trung thực hiện công tác sửa chữa, nâng cấp, duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa để đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, kết hợp phát triển du lịch.

Đồng thời, thành phố đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, hiện đại hóa hệ thống chợ, hoàn thiện công năng để đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, phát triển các chợ thành điểm tham quan, mua sắm du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch cho thành phố và các tỉnh phía Nam.

Theo các chuyên gia, quá trình phát triển kinh tế nói chung và quá trình phát triển đô thị hóa nói riêng của TP.HCM đã có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của chợ.

Ở góc độ địa phương, đại diện UBND quận 1 cho biết là quận trung tâm của thành phố, tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ cao, tập trung nhiều hệ thống phân phối hiện đại, thế nhưng chợ truyền thống quận 1 vẫn tồn tại và phát triển, mang bản sắc riêng là di tích văn hóa, biểu tượng của thành phố, điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đến quận 1 và TP.HCM , cụ thể là chợ Bến Thành.

Thời gian gần đây, UBND quận 1 cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố và các đơn vị liên quan hỗ trợ thương nhân đổi mới phương thức kinh doanh, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu chợ Bến Thành.

Vào giữa tháng 12/2023, TP.HCM đã tổ chức "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành".

Tại sự kiện, TP.HCM đã mời 100 KOLs (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội), KOCs (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) để livestream bán hàng cùng tiểu thương chợ Bến Thành. Qua đó, đã có hơn 18.200 đơn hàng được chốt sau các buổi livestream, góp phần tăng thêm thu nhập cho các tiểu thương ở chợ.

Thanh Thủy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-tim-huong-di-moi-cho-cho-truyen-thong.htm