TP.HCM xây hồ nước sạch 5 triệu m3:Nguồn bổ trợ ở đâu?

Đánh giá cao phương án xây hồ trữ nước sạch của TP.HCM, chuyên gia cho rằng phải tính toán yếu tố địa chất, nguồn nước bổ trợ...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nguồn nước sạch tại TP.HCM đứng trước ba nguy cơ đe dọa lớn là xâm nhập mặn, ngập lụt và ô nhiễm xả thải. Thêm vào đó là nỗi lo biến đổi khí hậu gây lượng mưa không đều dẫn tới thiếu hụt nguồn nước.

Mặt khác, tại khu vực trung tâm TP.HCM, nguồn dự trữ nước ngầm cũng đang bị sụt giảm do quá trình khai thác quá mức kéo dài trong thời gian dài trước đây.

Chính vì thế, ngành cấp nước TP.HCM đã đưa ra một số giải pháp ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch, đảm bảo cung cấp nước an toàn cho người dân, như liên hệ chặt chẽ với hai hồ chứa đầu nguồn sông Sài Gòn (hồ Dầu Tiếng) và sông Đồng Nai (hồ Trị An), thông báo cho nhau số liệu về chất lượng nước hiện hữu của dòng sông. Khi có sự cố hoặc phát sinh nguồn ô nhiễm trên dòng sông phía đầu nguồn sẽ mở tăng lưu lượng xả, giúp làm loãng và rửa trôi được ô nhiễm trên dòng sông.

Đáng lưu ý, đại diện ngành cấp nước TP.HCM chia sẻ với Tuổi trẻ rằng, trong quy hoạch cấp nước, ngành đã trình phương án xây dựng hồ chứa với dung tích 5 triệu m3, có thể cung cấp nước sạch cho người dân TP.HCM trong vòng 7 ngày.

Dự kiến hồ chứa nước này được xây dựng cách ngã ba sông Sài Gòn và sông Thị Tính 1km về phía thượng nguồn để tránh ô nhiễm, xâm nhập mặn.

Hoan nghênh phương án xây dựng hồ trữ nước sạch mà ngành cấp nước TP.HCM đề xuất trong quy hoạch, ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, nếu làm được hồ trữ nước với dung tích lớn như trên TP.HCM sẽ có được nguồn nước ổn định, tận dụng được cả nguồn nước ngầm và nước mưa, đồng thời chủ động được chất lượng nước và lưu lượng nước trong mùa mưa và mùa khô.

"Nguồn nước ngầm ở TP.HCM cũng không còn nhiều, thành phố sử dụng nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nhưng nước ở đây dễ bị ô nhiễm bởi xung quanh nhiều khu công nghiệp, chưa kể bị ảnh hưởng bởi triều cường, nhiễm mặn... Do đó, hồ trữ nước sạch với dung tích lớn là một phương án tốt cho thành phố để giảm thiểu các tác động tiêu cực nêu trên", ông Trần Quang Hưng đánh giá.

Nguồn nước sạch tại TP.HCM đứng trước ba nguy cơ đe dọa lớn là xâm nhập mặn, ngập lụt và ô nhiễm xả thải. Ảnh minh họa: PLO

Ông Hưng cũng nhắc đến nhiều địa phương đã có hồ trữ nước ngọt lớn, có thể cung cấp một lượng nước dồi dào cho địa phương, như hồ Suối Vàng ở Lâm Đồng, Biển Hồ ở Pleiku (Gia Lai)...

"Nếu tận dụng được các hồ tự nhiên, cải tạo lại thì rất tốt, vừa tạo cảnh quan du lịch, vừa đảm bảo nguồn nước cung cấp cho địa phương. Chưa kể, nếu là hồ lớn còn các tác dụng điều hòa khí hậu của vùng", ông nói.

Với hồ trữ nước mà ngành cấp nước TP.HCM đề cập, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng ngành cấp nước TP.HCM cần trả lời: Có diện tích đất đủ rộng để làm hay không? Yếu tố địa chất của vùng có phù hợp để xây dựng hồ hay không? Các nguồn bổ trợ nước cho hồ là những nguồn nào và các khu công nghiệp xung quanh có khả năng gây ô nhiễm cho hồ trữ nước hay không?...

"Đây là những vấn đề mà ngành cấp nước TP.HCM cần tính toán thấu đáo trước khi xây dựng hồ", ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh, đồng thời cũng bày tỏ, về mặt địa chất, ông tin rằng có thể là được hồ trữ nước với dung tích 5 triệu m3, bởi lẽ các địa phương quanh TP.HCM như Bình Dương, Bình Phước đã có nhiều hồ thủy điện lớn, chưa kể làm hồ chứa nước sạch không bị ảnh hưởng nhiều như hồ thủy điện.

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), thời gian gần đây nước từ sông Sài Gòn có mức độ ô nhiễm tăng cao và thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn vào mùa khô. Đặc biệt, hiện TP.HCM sử dụng nguồn nước thô từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai thông qua hai trạm bơm Hòa Phú và Hóa An để xử lý cung cấp lại nước sạch cho người dân TP.

Trước áp lực ô nhiễm gia tăng, đầu năm 2021 UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án cấp nước sạch giai đoạn 2020 - 2050 và chương trình cung cấp nước sạch, giảm khai thác nước ngầm giai đoạn 2020 - 2030, trong đó dự kiến dời điểm lấy nước thô trên sông Sài Gòn về thượng nguồn.

Theo dõi chất lượng nước đầu vào từ sông Sài Gòn tại Nhà máy xử lý nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-xay-ho-nuoc-sach-5-trieu-m3nguon-bo-tro-o-dau-3438378/