TP.HCM xin tự quyết đất công xen kẹt: Hợp thức sai phạm?

Nếu đồng ý giao phần đất công xen kẹt tại các dự án đang triển khai cho nhà đầu tư thì chẳng khác nào hợp thức sai phạm.

UBND TP. HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị giải quyết các vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có đất công xen kẹt trên địa bàn.

Theo đó, UBND TP. HCM kiến nghị, đối với quỹ đất công có tổng diện tích dưới 1.000 m2 trong các dự án nhà ở (đất xen cài, kẹt giữa các thửa đất, mương, rạch...), Thủ tướng cho phép TP. HCM giao chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch.

Đối với quỹ đất có tổng diện tích đất công trên 1.000 m2,Thủ tướng cho phép TP. HCM hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng.

Ngày 9/4/2020, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, trước hết cần phải hiểu rõ văn bản kiến nghị trên của UBND TP. HCM.

Dự án Green Star Sky Garden ở TP.HCM do Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng do vấn đề đất công xen kẹt.

Dự án Green Star Sky Garden ở TP.HCM do Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng do vấn đề đất công xen kẹt.

"Theo quy định thì Thủ tướng có quyền phê duyệt dự án chứ không có chuyện Thủ tướng giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án. Tuy nhiên, trước đây các địa phương mặc định việc phê duyệt dự án đồng nghĩa với việc sẽ giao đất theo hình thức chỉ định cho nhà đầu tư thực hiện dự án đó.

Chính vì thế, văn bản kiến nghị của UBND TP. HCM mang nhiều ý nghĩa của việc sửa sai cho chính quyền địa phương trước đây hơn là gỡ rối cho doanh nghiệp đang thực hiện dự án có đất công xen kẹt, cũng không phải là gỡ vướng mắc về mặt pháp lý cho các quy định hiện hành về việc bàn giao đất thực hiện dự án" - ông Phượng cho biết.

Bên cạnh đó, ông Phương phân tích, văn bản kiến nghị của UBND TP. HCM cũng đưa ra dẫn chứng không phù hợp khi mà đầu văn bản viện dẫn Nghị định số 11 ngày 14/1/2013 của Chính phủ để kiến nghị nhưng sau đó lại đề nghị sửa lại Nghị định này.

"Điều đó cho thấy chính TP. HCM còn đang bối rối trong việc áp dụng Nghị định của Chính phủ, vẫn còn có sự mâu thuẫn trong việc áp dụng quy định pháp luật" - ông Phượng nhận định.

Theo ông Phượng, có 2 quãng thời gian diễn ra liên quan đến văn bản kiến nghị của UBND TP. HCM. Đó là quãng thời gian trước và sau khi có văn bản kiến nghị của UBND TP. HCM gửi Thủ tướng Chính phủ.

"Nếu văn bản kiến nghị hướng tới những dự án đang thực hiện mà vướng đất công xen kẹt nên bị chững lại thì tôi cho rằng, đó là đề xuất hợp lý. Bởi các dự án bị vướng đang chững lại, không thể triển khai dẫn đến ảnh hưởng sự phát triển chung của thành phố. Cần phải cân đo, đong đếm dù thể thất thoát tài sản nhưng lợi ích khi dự án hoàn thành đem lại cho sự phát triển chung của thành phố thì nên lựa chọn.

Tuy nhiên, nếu chỉ đồng ý không thì không ổn mà cần phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị quản lý để xảy ra những sai phạm trong việc giao đất. Có nghĩa là vừa chấp thuận theo kiến nghị của UBND TP. HCM nhưng đồng thời cũng phải vừa làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, có phương án xử lý đích đáng theo quy định của pháp luật.

Còn nếu văn bản áp này áp dụng cho những dự án từ nay trở về sau thì khó có thể chấp nhận. Bởi trong Luật quản lý và sử dụng tài sản công lại quy định, kể cả 1m2 đất công cũng phải đem đấu giá. Nếu giao cho chủ đầu tư theo hình thức chỉ định có thể gây ra tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước, tạo điều kiện cho sự xuất hiện lợi ích nhóm manh nha" - ông Phượng bày tỏ.

Vân Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/tphcm-xin-tu-quyet-dat-cong-xen-ket-hop-thuc-sai-pham-3400118/